Kỳ 3: Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật
Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật là một trong 'bộ tứ trụ cột' giúp đất nước cất cánh. Phó Chủ tịch hội đồng khen thưởng – Kỷ luật nhiệm kỳ X, Đoàn Luật sư TP Hà Nội Hoàng Minh Hiển có cuộc chia sẻ với PV Báo Kinh tế & Đô thị về nội dung này.
Nghị quyết số 66-NQ/TW - giải pháp đột phá của đột phá trong hoàn thiện thể chế

Luật sư Hoàng Minh Hiển, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
- Thưa luật sư, để pháp luật được thực thi nghiêm minh, khâu giám sát thi hành pháp luật là quan trọng. Nghị quyết yêu cầu phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong giám sát, luật sư bình luận như nào về vai trò giám sát của các tổ chức này?
- Xuất phát từ mục tiêu với tầm nhìn chiến lược tới năm 2045 trong quan điểm chỉ đạo của Đảng là tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định của pháp luật để xây dựng cho đất nước ta một hệ thống pháp luật hiện đại, chất lượng cao. Song song với công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật thì việc thực thi và chấp hành pháp luật cũng cần phải hoàn thiện các chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội trên cơ sở thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Để pháp luật được tuân thủ tuyệt đối trong Nhà nước pháp quyền thì việc phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong giám sát việc thi hành là rất quan trọng.
Đầu tiên, với vai trò của mình, MTTQ Việt Nam là tổ chức đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, hướng dẫn, vận động các cộng đồng dân cư tham gia giám sát thi hành pháp luật. Phối hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đối với cơ quan Nhà nước về việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Tham gia theo dõi, giám sát các hoạt động của cơ quan, tổ chức trong việc thi hành pháp luật, góp phần thúc đẩy ý thức pháp luật trong mọi tầng lớp Nhân dân.
Thứ hai, vai trò của các tổ chức xã hội là tham gia giám sát, phản biện chính sách, pháp luật liên quan tới quyền và lợi ích của hội viên và cộng đồng. Đóng góp ý kiến, thông tin, phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật tới cơ quan chức năng. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật và tuân thủ pháp luật trong các thành viên và cộng đồng.
Thứ ba, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đóng vai trò thúc đẩy việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực hoạt động của ngành nghề, nghề nghiệp tương ứng. Tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực chuyên môn của mình, hướng dẫn hội viên, thành viên chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, góp phần loại trừ tiêu cực, vi phạm pháp luật trong ngành, nghề của mình.
Việc phát huy các vai trò này góp phần xây dựng nền pháp luật dân chủ, đảm bảo quyền con người, quyền công dân một cách hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển bền vững của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo tôi cần:
Tăng cường cơ chế, khuôn khổ pháp lý về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong giám sát thi hành pháp luật. Đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ làm công tác giám sát để họ thực hiện tốt nhất nhiệm vụ và đúng với chức trách được giao. Tăng cường phối hợp giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội trong hoạt động giám sát bằng các hoạt động thực chất, cụ thể theo chuyên đề hoặc những vấn đề đột xuất. Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền và trách nhiệm tham gia giám sát thi hành pháp luật. Xây dựng cơ chế hưởng lợi ích vật chất để khuyến khích các thành viên của các tổ chức và Nhân dân tham gia việc giám sát.
- Thưa luật sư, Nghị quyết 66-NQ/TW nêu 7 nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ nào ông quan tâm nhất, vì sao?
- Trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 66-NQ/TW, tôi quan tâm nhất đến nhiệm vụ đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng và được nhiều người quan tâm, bởi:
Nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm xây dựng các chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn của công cuộc phát triển kinh tế trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc một cách đồng bộ, dễ thực thi trong đời sống xã hội. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ thống dịch vụ pháp lý, hỗ trợ pháp lý, trợ giúp pháp lý bảo đảm để Nhân dân và DN dễ tiếp cận pháp luật, quản trị rủi ro pháp lý và nghiêm chỉnh chấp hành. Trong đó, nhiệm vụ nổi bật và nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng là: hoàn thiện thể chế pháp luật về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, khả thi và phù hợp với thực tiễn.
Đây bao gồm việc xây dựng, sửa đổi các luật, nghị định, các quy định pháp luật liên quan đến công nghệ, dữ liệu, an ninh mạng, quyền riêng tư, thương mại điện tử, và các lĩnh vực pháp lý mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số.
Vì sao nhiệm vụ này quan trọng và nhận được nhiều quan tâm? Tôi nghĩ nhiệm vụ này quan trọng vì là nền móng cho mọi hoạt động phát triển trong xã hội, kinh tế, chính trị và quản lý Nhà nước. Khi pháp luật của ta dân chủ, minh bạch, đồng bộ sẽ thúc đẩy đất nước phát triển và đặc biệt là công nghệ cao, thu hút đầu tư, thúc đẩy DN đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh đó, bảo vệ quyền lợi của Nhân dân; bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh DN; tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn vốn, đất đai để phát triển; có cơ chế thử nghiệm cho những ngành, lĩnh vực mới và phân định trách nhiệm hình sự, dân sự, hành chính. Đảm bảo an ninh, an toàn trong các hoạt động số và ứng dụng công nghệ mới.
Hệ thống pháp luật đang ngày một hoàn thiện thông qua việc khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong mọi lĩnh vực trong đó có ưu tiên nguồn lực hỗ trợ pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân. Nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo được Nhân dân, DN, các nhà hoạch định chính sách đặc biệt quan tâm, vì nó là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển bền vững, phù hợp với xu thế thời đại.
- Xin cảm ơn luật sư!
(Còn nữa)
Với Nghị quyết 66-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu quán triệt thực hiện tốt nhiều nội dung về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Trong đó, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật... Đồng thời, vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, sự tham gia rộng rãi, thực chất của người dân, tổ chức, DN cũng cần được phát huy tốt trong xây dựng và thi hành pháp luật.