Vì sự an toàn và phát triển bền vững
Thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải công nghiệp nhằm điều tiết hành vi xả thải, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đầu tư cho các hoạt động BVMT, phục vụ phát triển bền vững.
Theo Chi cục BVMT, để nâng cao hiệu quả thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp, thời gian qua, chi cục đã rà soát và lập danh sách doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất thuộc đối tượng chịu phí, để thông báo, nhắc nhở. Nhất là các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề và các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, giấy, bột giấy, cơ khí, phân bón; chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, thực phẩm; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại... Trong 6 tháng đầu năm 2025, Chi cục BVMT đã gửi thông báo nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp đến 49 DN và sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách trong thời gian đến.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cũng đã vận hành Hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc trường tự động, liên tục tại 9 DN lớn, với 32 trạm quan trắc, để giám sát các nguồn xả thải lớn. Trong đó, có 1 trạm quan trắc nước thải đang truyền thử nghiệm và kết nối, truyền dữ liệu về Bộ NN&MT và Sở NN&MT để theo dõi, giám sát. Chi cục BVMT cũng đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị, DN liên quan tiến hành kết nối, truyền dữ liệu đối với 23 trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục ở khu vực phía tây của tỉnh về Sở NN&MT và Bộ NN&MT để theo dõi, giám sát theo quy định.

Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản là đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
Tuy nhiên, việc thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong đó có một số quy định chưa rõ ràng, chồng chéo. Chẳng hạn, căn cứ xác định số phí BVMT phải nộp đối với nước thải công nghiệp là khối lượng xả nước thải thực tế và chất ô nhiễm thuộc đối tượng tính phí thông qua kết quả của đồng hồ và thiết bị đo lưu lượng. Thế nhưng, chưa có quy định bắt buộc đối với cơ sở xả thải phải lắp đặt thiết bị này để giám sát môi trường và thu phí. Vì vậy, cơ quan chức năng khó xác định chính xác lưu lượng và chất lượng nước thải, cũng như nồng độ chất ô nhiễm...
Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát việc xả thải và thu phí chưa thường xuyên, dẫn đến một số DN, cơ sở sản xuất chưa tuân thủ quy định nghĩa vụ nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp. Nhất là các loại hình sản xuất có lượng nước thải ít, diễn ra theo mùa vụ hoặc theo diễn biến thị trường, thì việc chấp hành nộp phí phụ thuộc vào sự tự giác của chủ cơ sở.
Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 5/5/2020 của Chính phủ quy định phí BVMT đối với nước thải cố định mỗi năm là 2,5 triệu đồng, 3 triệu đồng và 4 triệu đồng, áp dụng lần lượt đối với các cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 5m3/ngày, từ 5 - dưới 10m3/ngày, từ 10 - dưới 20m3/ngày. Đối với DN, cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20m3/ngày trở lên phải nộp phí cố định và phí biến đổi, trong đó phí biến đổi tính theo 6 chất gây ô nhiễm (COD, TSS, Hg, As, Arsen và Cadmium) có trong nước thải với mức từ 2.000 đồng - 20 triệu đồng/kg tùy từng chất thực tế cụ thể phát sinh.
Theo Chủ tịch UBND phường Sa Huỳnh Nguyễn Viết Thanh, các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh là nơi phát sinh nước thải, là đối tượng chính gây ô nhiễm, lẽ ra phải trả tiền phí BVMT để tái thực hiện các hoạt động khôi phục và BVMT. Như trên địa bàn phường có nhiều DN, cơ sở sản xuất chế biến thủy sản nhưng chưa đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải bài bản, dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Thế nên địa phương lại phải huy động các nguồn lực, để giải quyết hậu quả việc ô nhiễm.
Bài, ảnh: THANH PHONG