Kỳ 2: 'Thắp đuốc' đi tìm lời giải
Với ngổn ngang cản trở và bộn bề công việc cần giải quyết, vừa lãnh, chỉ đạo tập trung xóa đói, giảm nghèo, vừa khơi thông ánh sáng văn minh đến với người dân không phải dễ dàng đối với cấp ủy, chính quyền xã Nậm Pì (huyện Nâm Nhùn). Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế, Nậm Pì từng bước đã thoát ra khỏi 'vòng vây' của nghèo đói, lạc hậu, hủ tục, vững bước vươn lên.
*KỲ 1: RÀO CẢN PHÁT TRIỂN
TỪ GIÚP DÂN "ẤM CÁI BỤNG"
Xã Nậm Pì có 6/9 bản có đồng bào dân tộc Mảng sinh sống, gồm 667 hộ, 1.700 nhân khẩu, chiếm 35% dân số toàn xã, còn lại là dân tộc Mông, Thái và tỷ lệ rất ít người Kinh. Người Mông sống ở lưng chừng đồi, còn người Mảng sống ở ven sông, ven suối với những ngôi nhà nhỏ, tạm bợ tựa lán nương. Cách đây 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới 80%, đói nghèo, hủ tục vây quanh, ánh sáng chỉ leo lắt ở phía cuối con đường.
Khi chúng tôi hỏi về lời giải nào cho mảnh đất đầy mộng mị với chút ánh sáng hiếm hoi này, giờ đây ngoảnh lại, đồng chí Vũ Văn Thân - Chủ tịch UBND xã cười tự hào: Nút thắt đầu tiên chúng tôi xác định phải gỡ bỏ ngay từ đầu nhiệm kỳ đó là làm thế nào cho dân “ấm cái bụng” rồi mới đến xóa bỏ hủ tục. Vì thế, việc đầu tiên là nắm bắt tình hình; tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ít người thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia.
5 năm qua, được đầu tư nguồn vốn, xã vận động bà con tận dụng địa hình đồi núi tập trung xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê, lợn) và gia cầm theo từng hộ, nhóm hộ. Lúc đầu chỉ có 7 nhóm hộ (7 hộ/nhóm) bàn bạc góp vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững để xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Việc chăn nuôi tập trung khiến gia đình nào cùng đều phải có trách nhiệm vì quyền lợi hưởng như nhau. Chẳng mấy chốc, những mô hình chăn nuôi lợn, dê đã phát huy hiệu quả. Nếu như trước đây, các hộ cứ nhận tiền hỗ trợ dùng để mua rượu, thì nay, nhờ những “đốm lửa nhỏ” đã sáng dần lên, các trưởng bản chỉ cần nhắn tin lên nhóm zalo là các hộ nhanh tay đăng ký để thực hiện.

Người dân bản Pá Bon nay đã tiến bộ trong nhận thức, chủ động vệ sinh đường ngõ bản.
Xã còn kết nối với doanh nghiệp trên địa bàn nhận con em đồng bào vào làm việc tại các nhà máy thủy điện với công việc phù hợp như: bảo vệ, nấu ăn hoặc lái máy. Đặc điểm của người Mảng sống hiền lành nên khi được giao, các lao động làm việc rất tích cực và trách nhiệm. Ngoài ra, thanh niên lớn lên nếu không đi học tiếp sẽ tự tìm lớp học lái xe, lái máy xúc, máy ủi rồi về quê hương xin vào các doanh nghiệp làm gần nhà. Cứ như thế, cùng với xây dựng và thực hiện hiệu quả các mô hình kinh tế, xã cuốn người dân vào phong trào lao động, sản xuất, quên đi “ma men”.
Tại bản Pá Bon với lợi thế là trung tâm xã, các hộ dân mở cửa hàng, đại lý bán tạp hóa, thực phẩm, quán ăn. Đây cũng là cách tạo công ăn việc làm và tiếp cận với việc tính toán làm ăn, giúp người dân nhanh nhẹn, tháo vát, thích nghi với cuộc sống mới. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 48%.
... ĐẾN KHAI SÁNG VĂN MINH
Khi đảm bảo được điều kiện “cần”, cấp ủy, chính quyền xã bắt tay đẩy lùi hủ tục, khai sáng văn minh cho người dân. Nhiệm vụ trước tiên và cấp bách nhất là tập trung dẹp bỏ nạn nghiện rượu. Xác định đây là nhiệm vụ không dễ dàng, không thể làm mau chóng, do đó, xã cử người đến trực tiếp về bản, đến từng hộ gia đình để giải tán tiệc rượu bằng nhiều cách giải quyết linh hoạt. Lý do đầu tiên dẹp bỏ là do tụ tập uống rượu có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, gây ồn ào, phiền phức cho những người xung quanh.
Năm 2024, Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030 được ban hành, Nậm Pì được ví như chiếc đèn dầu được tiếp thêm năng lượng để vụt sáng lên. Song song với khẩn trương tuyên truyền, phổ biến, triển khai nghị quyết nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn dân, xã mạnh dạn thanh lọc bộ máy ở các bản, quyết tâm thay thế những nhân tố cũ, trì trệ bằng việc lựa chọn những người mới, tư tưởng tiến bộ, tích cực, có khả năng thay đổi tư duy.
Cụ thể như ông Lò Văn Luân - Trưởng bản Nậm Sập đã được thay thế bằng người khác xứng đáng hơn. Các chức danh bí thư chi bộ, trưởng bản ở các bản: Nậm Pì, Pá Bon, Pá Đởn cũng đều được thay bằng đội ngũ hoàn toàn mới với tư duy mới. Xã giao trách nhiệm cho đội ngũ này phải làm gương sau đó tuyên truyền, chấn chỉnh, răn đe đối với những người nghiện rượu và tổ chức uống rượu cũng như với những thành phần bảo thủ, truyền bá hủ tục. Điều khó tin là, sau thanh lọc, cá nhân không giữ chức vụ đứng đầu các bản đều đã cai được rượu và chí thú làm ăn.
Về hủ tục, giờ đây giảm hẳn tục thách cưới, người chết đã cho vào áo quan, giảm việc làm lý tốn kém. Các gia đình cho em con đi học đúng độ tuổi và duy trì sỹ số. Tuy chưa thể nói là việc nghiện rượu và hủ tục đã được xóa bỏ hoàn toàn vì còn những bản xa xã cần có thời gian sát sao thực hiện, nhưng nhìn lại nhiệm kỳ qua, sự thay đổi đã ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Diện mạo mới của Nậm Pì đã sáng lên cùng với tầm nhận thức của cán bộ và nhân dân các dân tộc.
Từ một nơi sự nghiệp giáo dục gần như là “thách thức” bởi đồng bào chẳng biết đến vai trò của nhận thức, văn hóa để làm gì, ấy thế nhưng đến nay, xã đã có tới 4 cán bộ là người Mảng, trong đó có 3 cán bộ không chuyên trách, giữ vị trí phó các tổ chức đoàn thể, có trình độ cao đẳng trở lên. Họ đã và đang trở thành những đốm sáng mạnh mẽ trong cộng đồng người Mảng để thắp sáng đường đi cho bà con dân tộc mình. Rồi như ông Pàn Văn Cheo - Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở bản Pá Bon muốn làm gương cho bà con rời xa hủ tục, ông không nhận thách cưới.
“Mình phải sống cuộc sống mới thôi, quan trọng nhất là con gái mình được hạnh phúc, còn lễ lạt có quan trọng gì đâu!” - ông Cheo cười, nói đầy tự hào.
Còn ông Sìn Văn Roi (67 tuổi ở bản Pá Bon), trước đây đã từng xếp vào hàng những người “uống rượu không biết say”, không biết bao nhiêu mâm rượu, chiếu rượu đã từng có mặt của ông. Đã từng là thầy giáo, khi về bản vận động học sinh ra lớp, vì nể phụ huynh và muốn học sinh được ra lớp, ông không thể từ chối lời mời uống rượu. Còn bây giờ thì: “Sức khỏe mình phải đặt lên trên hết. Bệnh tật nhiều nếu còn uống rượu, khi mình ngã có lẽ không ai biết” - ông Roi lo xa. Giờ thì ông đã được công nhận là nghệ nhân ưu tú với vai trò người tái hiện tục xăm cằm và lưu giữ những bài cúng, bài hát, trở thành “kho tàng văn hóa” của người Mảng.
Còn rất nhiều nhân tố xem như ngọn lửa nhỏ hòa vào ngọn đuốc sáng soi đường cho đồng bào các dân tộc ở Nậm Pì. Giờ đây, những giấc mơ hoang hoải xưa kia ở đất này đã chìm vào quá khứ. Trái với dòng Nậm Na trong xanh phẳng lặng, mảnh đất này đang cựa mình sinh sôi và bật lên những mầm xanh tươi mới.