Kỳ 2: Cõng chữ vượt sông, ngược ngàn
Tiếng ê a đánh vần trên đỉnh núi giữa đêm, tiếng người đàn ông trấn an bọn trẻ rồi cõng từng đứa vượt sông Liên đến trường... Những hình ảnh thân thuộc ấy, ít ai biết là hành trình đưa đồng bào Hre vượt qua khó nghèo cũng như những đứa trẻ vùng cao tìm con chữ của Chi bộ Công an xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
Ì ạch “tha” chiếc xe máy vượt con dốc trơn trượt lên đỉnh núi, Đại úy Phạm Văn Đành thở phì phò, nói "Một năm thì khoảng 8 tháng, nhiều cặp vợ chồng đùm túm dắt con cái lên rừng dựng chòi làm nghề khai thác gỗ keo". Đó là bảng tóm tắt ấn tượng về những gia đình mà chúng tôi sắp gặp.
Theo hướng tay của Đại úy Đành, đỉnh núi khu vực giáp ranh giữa huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) với huyện An Lão (Bình Định) hiện lên màu xanh của chòi bạt chen chúc. Hết đoạn dốc trượt, Đại úy Đành lấy hơi kể tiếp chuyện những đứa trẻ du mục.
Cõng chữ lên non
Do thiếu đất sản xuất, nhiều gia đình Hre ở xã Ba Khâm và xã Ba Trang (huyện Ba Tơ) sống đời làm thuê, rong ruổi khắp núi này, rừng nọ mưu sinh, con cái cũng đi theo, tiềm ẩn nguy cơ thất học. "Mà muốn giúp người dân thoát nghèo, trước hết phải giúp bà con xóa mù chữ", Đại úy Đành chia sẻ. Nhưng đưa con chữ lên núi không dễ dàng, muốn cha mẹ cũng tham gia học chữ cùng con mình càng khó. Công an xã Ba Lế phải có mặt lúc chiều tà, khi chiếc xe tải chở gỗ keo gầm gừ xuống núi, khi bà con cũng về lại lán trại nghỉ ngơi sau một ngày đừ đẫn.
Vợ chồng anh Phạm Văn Vân quần áo lấm lem cầm 2 can rỗng ra con suối tít đằng xa lấy nước. Trở về, anh Vân cho hay: “Trên 20 lều chòi nơi đây đều là người dân xã Ba Khâm và Ba Trang. Chúng tôi đi cả nhà”.
Những người dân chọn đời du mục theo cây keo nay đây mai đó đều mù chữ, vài người may mắn hơn thì chữ nghĩa sấp ngửa. “Vợ chồng đều không biết chữ nên có việc làm là tốt lắm rồi. Ráng làm kiếm tiền”. Từ tình cảnh của chính mình, anh Vân cho con đến trường. “Mùa hè tôi và bà con mới dẫn tất cả con cái lên núi. Còn thời gian các cháu đến trường thì gửi nội ngoại, hàng xóm. Vợ chồng tôi chỉ chở mấy đứa nhỏ 5 tuổi, 4 tuổi này vào rừng để tiện chăm sóc", vợ anh Vân tiếp lời.
Vừa đi vừa trò chuyện, chốc lát tới khu vực đông lều trại nhất. Đám trẻ ùa ra vây kín Đại úy Đành. "Thầy lên rồi. Thầy mang tập truyện cho em không?"…
Những cuốn sách, vở, truyện cột kỹ trên yên xe được Đại úy Đành phân phát từng em. Những người chọn đời du mục đều quen thuộc với sự xuất hiện của Đại úy Đành, như “ngọn đuốc” thắp sáng đời mình. Lớp học mở ra cho trẻ con, nhưng có cả người lớn cùng học. Khát khao con chữ chưa bao giờ dừng lại, có chăng vì cuộc mưu sinh quá vất vả mà họ đã lãng quên.
Đại úy Đành bảo, đã sàng lọc chữ nghĩa của già trẻ lớn bé đang du mục. Trừ những học sinh học bậc tiểu học và trung học cơ sở, còn lại là những người chưa bao giờ biết đến cái chữ nên rất vất vả. "Cùng ăn, cùng ở mới cảm nhận rõ bất cập của bà con khi không biết chữ. Vậy nên, tôi cố gắng xóa mù chữ cho bà con”, Đại úy Đành trăn trở.
Lớp học đơn sơ, tấm bảng nhựa mỏng treo trên thân cây. Bọn trẻ xúm lại viết, xóa rồi lại viết. Nhịp điệu ấy được neo giữ bởi người cán bộ Công an xã, bất đắc dĩ thành thầy giáo.
Suốt buổi, Đại úy Đành hết lên bảng rồi khòm lưng chỉ tận tay từng trò. Thời gian như ngừng trôi trong khoảnh khắc yêu thương ấy.
14 tuổi học lớp 7, em Phạm Văn Vương vừa tranh thủ lột vỏ keo cho đủ ngày công và chạy vội về trại học chữ, nơi đám bạn, đám em của Vương chăm chú dán mắt lên bảng. "Ngày hè em theo cha mẹ và các em vào rừng. Vừa có thêm tiền em còn được thầy Đành dạy thêm kiến thức", Vương hớn hở. Câu nói ngây thơ chạm vào tim ai đau nhói.
19 giờ đêm, sau cơm tối lần lượt cha mẹ tay cầm đèn pin lần dẫn các con tới chòi trung tâm. Đây là thời gian đông học trò nhất. Ánh đèn pin của thầy, trò lập lòe sáng theo con chữ. Âm thanh đua nhau vang vọng giữa đêm núi hoang vu. Tiếng già, tiếng trẻ chen nhau. Một bản hòa âm vừa lạ vừa rất gần gũi.
Để giúp mọi người nhanh biết đọc, biết viết, tận dụng lợi thế bản thân là người Hre, “thầy Đành” phiên dịch, dạy “song ngữ” cả tiếng Hre và tiếng phổ thông. "Có lẽ tôi chỉ có duyên được làm thầy giáo dạy các em trên đỉnh núi thôi", Đại úy Đành dí dỏm. Vui vì được bà con ghi nhận, bà con được biết chữ, trăn trở vì đời sống của đồng bào còn nhiều gian nan, vất vả. “Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ dừng lại công việc này, với hy vọng tương lai bà con sẽ có cuộc sống ấm no hơn”, Đại úy Đành nỗi niềm.
Cõng chữ qua sông dữ
Thôn Làng Tốt có trên 40 học sinh đang theo học tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở xã Ba Lế. Để đến được 2 điểm trường, sau khi cuốc bộ 12 km, các trò nhỏ này phải vượt qua 2 con sông Vả Lết và sông Liên. Ngày nắng, cách sông chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng những ngày mưa, ngày lũ là cả một biển khổ.
Năm 2023, chiếc cầu mới bắt qua sông Vả Lết đã xây dựng xong. Nhưng vẫn còn đó sông Liên nước dữ. Qua lại sông Liên như đánh đu với thủy thần. Nước hung tợn quá, học sinh phải nghỉ học. Một cái khổ nữa là hai nhánh sông Liên bao vây Làng Tốt thường xuyên thay đổi thất thường trong ngày. Có khi buổi sáng trời quang mây tạnh, cha mẹ học sinh cõng con qua sông đến trường, nhưng mặt trời chưa kịp đứng bóng, đột ngột nước sông ào ào dâng lên, cuồn cuồn chảy do có mưa ở phía thượng nguồn.
"Nếu buổi sáng cõng con qua sông, khi đón con về được thì trời đã gần trưa, vậy là sắp hết nửa ngày công. Chúng tôi còn phải lo lên rẫy kiếm cái ăn. Nước lớn không qua được sông thì đành nghỉ học", chị Phạm Thị Hòa, một phụ huynh Làng Tốt giãi bày.
Khi nhận công tác địa bàn Làng Tốt, Thượng úy Phạm Văn Nãy - Công an xã Ba Lế xót xa chứng kiến các em phải nghỉ học, đặc biệt là liều mình lội qua sông đến trường. "Tôi tranh thủ sắp xếp công việc của cơ quan để vào Làng Tốt đưa đón các em qua sông. Khi cõng các em trên lưng, đó không chỉ là những học trò nhỏ thân yêu mà trên đôi vai tôi còn là thế hệ măng non, tương lai của quê hương mình", Thượng úy Nãy bộc bạch.
Ước mơ có được một chiếc cầu vững chắc vẫn còn quá xa xôi, nhưng tình yêu thương, hết lòng phục vụ nhân dân của Công an xã chính là sợi dây kết nối người dân Làng Tốt đến với bến bờ tương lai.
Hơn 2 năm qua, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ Chi bộ Công an xã Ba Lế hỗ trợ đưa các trò nhỏ qua sông. "Có lần tình cờ người dân ghi lại hình Công an xã cõng học sinh qua sông và đưa lên mạng xã hội, hình ảnh lập tức lan tỏa và được bầu chọn là hình ảnh lan tỏa đứng vị trí thứ nhì tại Chương trình “Ấn tượng VTV Award” năm 2022, nhằm tôn vinh những câu chuyện, nhân vật, hình ảnh đẹp, lan tỏa trên truyền hình VTV"”, Đại úy Phạm Văn Đành chia sẻ.
“Chúng ta học để ít nhất tự viết được cái tên, biết làm phép tính. Biết chữ rồi, dù đi đâu trên đất nước này cũng tự tin, không phải lo lắng”. Chia sẻ của Đại úy Phạm Văn Đành vọng theo tôi ngược con dốc ngoằn ngoèo vạch màn sương dày đặc khi rời núi về lại miền xuôi.
(còn nữa)