Kỳ 1: 'Người gác cổng' thành kẻ 'mở cửa'
Vụ án Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt tạm giam nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế và nhiều cán bộ có liên quan về hành vi nhận hối lộ trong đường dây sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả vừa qua đã gây rúng động dư luận. Điều khiến công chúng lo lắng là sự suy giảm nghiêm trọng lòng tin vào cơ quan lẽ ra phải là tuyến phòng thủ đầu tiên, vững chắc nhất cho sức khỏe cộng đồng.
Lĩnh vực đặc thù cần sự nghiêm túc tuyệt đối
Thực phẩm chức năng không chỉ đơn thuần là những sản phẩm tiêu dùng thông thường xuất hiện trên kệ hàng mà còn là một phần không thể thiếu trong hành trình chăm sóc sức khỏe lâu dài của mỗi con người. Đối với hàng triệu người, đặc biệt là những người có bệnh lý mạn tính, người cao tuổi, hay những ai đang quan tâm sâu sắc đến việc duy trì và nâng cao sức khỏe, thực phẩm chức năng mang trong mình vai trò như một "người bạn đồng hành" hỗ trợ thiết yếu. Người dân đặt niềm tin, gửi gắm kỳ vọng vào những sản phẩm này không chỉ để tăng cường sức đề kháng, mà còn để phòng ngừa bệnh tật, cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao tuổi thọ.

Các đối tượng là cán bộ, lãnh đạo của Cục ATTP nhận hối lộ để "mở cửa" cho doanh nghiệp sản xuất, mua bán thực phẩm chức năng giả hoạt động.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, thực phẩm, thực phẩm chức năng và thuốc là các sản phẩm cần thiết, quan trọng trong cuộc sống và trong công tác chăm sóc sức khỏe. Hàng giả là thuốc, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe người sử dụng. Do đó, công tác bảo đảm chất lượng thuốc và an toàn thực phẩm, đấu tranh phòng, chống sản xuất, buôn bán thuốc giả và thực phẩm giả luôn là hoạt động được sự quan tâm, giám sát chặt chẽ của Chính phủ, của Bộ Y tế…
Chính bởi tính chất đặc thù và vai trò quan trọng đó, thực phẩm chức năng đòi hỏi một quy trình quản lý hết sức nghiêm ngặt và chặt chẽ từ khâu kiểm soát nguyên liệu đầu vào, sản xuất, đến quy trình kiểm định chất lượng và phân phối ra thị trường. Mỗi sản phẩm khi được công bố với công dụng hỗ trợ sức khỏe đều phải là kết quả của những kiểm nghiệm kỹ lưỡng, minh bạch và có cơ sở khoa học rõ ràng. Không một sai sót nhỏ nhất nào được phép tồn tại, bởi chỉ một bước sẩy chân cũng có thể đẩy người tiêu dùng vào nguy cơ tổn hại sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Mỗi viên thuốc, mỗi lọ thực phẩm chức năng khi đến tay người dân phải là minh chứng sống động cho sự an toàn, hiệu quả đã được chứng nhận và bảo đảm nghiêm ngặt.
Trao đổi với PV, Thượng tá Hồ Văn Hùng, Trưởng phòng 2, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đánh giá: Việc để lọt ra thị trường những sản phẩm giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đạt chuẩn chất lượng không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn là một sự phản bội đau đớn đối với niềm tin và sức khỏe của hàng triệu người tiêu dùng.
Đây là một tổn thương tinh thần sâu sắc, bởi người dân không chỉ mất đi niềm tin vào sản phẩm mà còn cảm thấy mình bị lợi dụng, bị biến thành công cụ cho những trò trục lợi bất chính, người dân không chỉ mất tiền bạc mà còn bị đánh đổi bằng chính sức khỏe và sự an toàn của bản thân. Sự thất vọng và oán giận từ cộng đồng là điều hoàn toàn dễ hiểu và có cơ sở khi những kỳ vọng, hy vọng gửi gắm vào những sản phẩm này lại trở thành con đường dẫn đến rủi ro, thậm chí là tai họa.
Trong bối cảnh đó, trách nhiệm của Cục ATTP trở nên nặng nề và áp lực hơn bao giờ hết. Cục ATTP không chỉ là đầu mối quan trọng nhất của Bộ Y tế trong việc xây dựng, tham mưu chính sách quản lý an toàn thực phẩm mà còn là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc cấp phép, kiểm tra, giám sát và hậu kiểm các sản phẩm thực phẩm chức năng. Cục ATTP phải được xem như "bức tường thành" cuối cùng, là chốt chặn vững chắc ngăn chặn mọi nguy cơ tiềm ẩn có thể gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Mọi sai sót, sơ hở tại đây đều có thể trở thành hiểm họa lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người dân.
Thế nhưng, thực trạng trong nhiều năm qua cho thấy những sai phạm không chỉ là những vụ việc cá biệt, mà chính là sự sụp đổ nghiêm trọng của hệ thống kiểm soát nội bộ trong ngành. Những lỗ hổng trong quy trình cấp phép, hậu kiểm, thanh tra, giám sát đã bị lợi dụng một cách tinh vi, tạo ra những kẽ hở to lớn trong quản lý, khiến quyền lực trở thành công cụ của lợi ích nhóm. Điều này không chỉ làm suy yếu hiệu lực quản lý nhà nước, mà còn khiến người dân mất đi một chỗ dựa đáng tin cậy, khiến niềm tin vào hệ thống quản lý an toàn thực phẩm bị rạn nứt nghiêm trọng. Trong khi đó, sức khỏe cộng đồng vốn là giá trị tối thượng cần bảo vệ lại đang bị đặt trước nguy cơ bấp bênh chưa từng có.
Thống kê của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, 4 tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm, trong đó hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa phản ánh hết tình hình thực tế.
Trong nội địa, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn hoạt động công khai ở nhiều nơi, gia tăng trên môi trường thương mại điện tử với quy mô lớn, thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân… Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên có bởi trách nhiệm, nhận thức của một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị, lực lượng chức năng chưa rõ ràng, còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy khi xảy ra vụ việc vi phạm…
"Tấm khiên chắn" vỡ nát vì tiền
Rõ ràng, Cục ATTP được giao trọng trách vô cùng quan trọng, là đầu mối chủ chốt của Bộ Y tế trong công tác tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách về an toàn thực phẩm lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp, quyết định đến sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người dân. Không chỉ dừng lại ở trách nhiệm cấp phép, công bố và kiểm tra, Cục còn phải tiến hành công tác hậu kiểm chặt chẽ, nghiêm ngặt đối với từng sản phẩm thực phẩm chức năng trước khi chúng đến tay người tiêu dùng. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo mọi sản phẩm không chỉ an toàn tuyệt đối mà còn minh bạch, đúng như cam kết về chất lượng, tránh mọi nguy cơ gây hại không đáng có cho cộng đồng.
Thế nhưng, trải qua nhiều năm, hàng loạt vụ việc sai phạm nghiêm trọng được phanh phui đã khiến dư luận không khỏi đau lòng và bàng hoàng. Hệ thống kiểm soát vốn được kỳ vọng là lá chắn bảo vệ sức khỏe người dân lại đang bị vô hiệu hóa ngay từ bên trong. Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục ATTP trong suốt gần 10 năm đứng đầu Cục ATTP đã cùng nhiều cán bộ dính sai phạm nhận hối lộ, đó không còn là câu chuyện đơn thuần của sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm trong quản lý mà còn phản ánh một sự tha hóa nghiêm trọng, khi chính những cán bộ được giao trọng trách làm "người gác cổng" cho sức khỏe cộng đồng lại biến mình thành những "người mở cửa" cho các hành vi sai phạm len lỏi, trà trộn.
Các đối tượng trên không chỉ làm ngơ trước các vi phạm mà còn trực tiếp tạo điều kiện, bảo kê cho những doanh nghiệp làm ăn gian dối, hợp thức hóa các sản phẩm giả, kém chất lượng, làm giả hồ sơ, giấy tờ để qua mặt người tiêu dùng. Những hành động đó không chỉ là sự phản bội nghiêm trọng đạo đức công vụ mà còn là cú đòn chí mạng vào niềm tin xã hội, khiến người dân hoang mang, mất phương hướng và nghi ngờ vào hệ thống quản lý nhà nước vốn được kỳ vọng sẽ bảo vệ họ.
Từ thực trạng này, một câu hỏi lớn và hết sức cấp thiết được đặt ra: đâu là những kẽ hở, những mắt xích trung gian nào đang vận hành ngầm, len lỏi vào từng bước trong quy trình cấp phép và kiểm tra, để các lợi ích nhóm có thể thao túng, làm sai lệch kết quả quản lý? Cơ chế giám sát hiện tại ra sao mà để cho các biểu hiện sai phạm kéo dài mà không được phát hiện, không bị ngăn chặn kịp thời? Đây chính là vấn đề cần được tháo gỡ triệt để, bởi nếu không, hệ thống quản lý sẽ mãi mãi không thể là điểm tựa vững chắc cho sức khỏe cộng đồng.
Những kẽ hở trong quy trình cấp phép, hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra được dư luận đặc biệt quan tâm và đang chờ được làm sáng tỏ. Có thể đó là những "điểm mù" trong quy trình thẩm định hồ sơ, nơi mà giấy tờ giả mạo, tài liệu không chính xác lại dễ dàng được chấp nhận; là sự thiếu minh bạch trong các bước đánh giá chất lượng sản phẩm, khi các cuộc kiểm tra chỉ mang tính hình thức hoặc bị "điều chỉnh" theo hướng có lợi cho những đối tượng lợi ích nhóm; hay đó còn là sự thiếu trách nhiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra, những công việc vốn cần thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch và khách quan. Tất cả những lỗ hổng này đã trở thành bàn đạp cho các hành vi gian lận tinh vi, lặp đi lặp lại nhiều lần mà không bị phát hiện kịp thời, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Không thể bỏ qua vai trò của những lãnh đạo Cục ATTP, người trực tiếp quản lý, giám sát toàn bộ hoạt động của đơn vị này. Việc kiểm soát quyền lực ở vị trí chủ chốt như vậy ra sao khi những sai phạm nghiêm trọng vẫn diễn ra trong phạm vi quản lý? Ai đã phê duyệt, ai làm ngơ hay thậm chí bao che cho các vi phạm? Dư luận cho rằng, đây không chỉ là vấn đề trách nhiệm cá nhân, mà còn là hệ quả của một cơ chế vận hành thiếu minh bạch, dễ dàng bị lợi dụng bởi lợi ích nhóm, khiến quyền lực bị biến tướng thành công cụ phục vụ cho mục đích cá nhân và tổ chức. Vụ án nguyên cựu Cục trưởng ATTP cùng nhiều cán bộ của cục này bị bắt tạm giam là minh chứng nóng bỏng cho nhận định và bài học trên.
Một vụ án có thể khép lại bằng bản án hình sự nghiêm minh, nhưng những hệ lụy mà nó để lại không thể dễ dàng xóa bỏ. Đó là sự rạn nứt sâu sắc trong niềm tin của xã hội vào bộ máy quản lý nhà nước, là sự hoài nghi không nhỏ về hiệu quả của các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng vốn được xây dựng với bao kỳ vọng. Niềm tin một khi đã bị tổn thương thì không dễ dàng lấy lại nếu không có những hành động cụ thể, nghiêm túc và minh bạch từ phía các cơ quan chức năng.
Chính vì vậy, trách nhiệm không thể dừng lại ở những cá nhân đã bị bắt giữ hay khởi tố. Việc xử lý một vài cá nhân chỉ là kết thúc bước đầu của một mắt xích trong chuỗi sai phạm kéo dài và phức tạp. Dư luận đòi hỏi cần có một cuộc điều tra toàn diện, minh bạch và công khai, không chỉ nhắm vào các cán bộ bị phát hiện vi phạm mà phải bao quát toàn bộ hệ thống, từ việc thẩm định hồ sơ, quy trình cấp phép, công tác hậu kiểm đến các hoạt động giám sát, thanh tra. Chỉ có như vậy mới có thể bóc tách tận gốc rễ vấn đề, ngăn chặn tái diễn và xây dựng lại một hệ thống quản lý ATTP hiệu quả, minh bạch và đáng tin cậy.
Bộ Y tế cần nhanh chóng tiếp tục có những động thái quyết liệt hơn trong việc rà soát toàn diện tổ chức và hoạt động của Cục ATTP, tiếp tục công khai, minh bạch các quy trình, chuẩn hóa hệ thống giám sát và không ngần ngại đối diện với sự thật khi chính những người được giao trọng trách bảo vệ sức khỏe cộng đồng lại có thể phản bội niềm tin đó. Chỉ khi có sự đổi thay thực sự, niềm tin của người dân mới được khôi phục và công tác quản lý ATTP mới có thể quay trở lại đúng vai trò, sứ mệnh cao cả của nó. (còn nữa)