KTS Nguyễn Quốc Khanh: Di sản kiến trúc là báu vật văn hóa, động lực phát triển du lịch

Với kiến trúc sư Nguyễn Quốc Khanh, di sản kiến trúc chính là báu vật văn hóa, nguồn cảm hứng và lợi thế để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, đóng góp vào kinh tế địa phương.

Đó cũng là một trong những lý do kiến trúc sư Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA kiêm Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đã khởi xướng và là cố vấn cao cấp của dự án sách “Kiến trúc Hà Nội” vừa mới ra mắt độc giả.

Để hiểu rõ hơn về quá trình thực hiện cuốn sách, cũng như những tầng sâu ý nghĩa trong đó, phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trò chuyện với kiến trúc sư Nguyễn Quốc Khanh.

Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA kiêm Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA).

Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA kiêm Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA).

Không đâu có nhiều công trình giao thoa kiến trúc Việt - Pháp đẹp như ở Hà Nội

Thưa ông, điềuđã thôi thúc một kiến trúc sư, một ông chủ doanh nghiệp xây dựng kiến trúc và Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) thực hiện cuốn sách Kiến trúc Hà Nội”?

Năm 2015, trong một lần tình cờ, tôi đã được đọc cuốn sách về kiến trúc Sài Gòn bằng tiếng Pháp. Vì quá ấn tượng với nội dung cuốn sách, tôi đã liên hệ với cơ quan Trao đổi Văn hóa Pháp để xin bản quyền in ấn lại cuốn sách này. Sau đó, Công ty AA đã tái bản thành công cuốn “Sài Gòn 1968 - 1998, ba thế kỷ phát triển và xây dựng”. Nay, cũng với tình yêu và hoài bão đó, chúng tôi tiếp tục biên soạn sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp”.

Đây là cuốn sách được biên soạn bởi những người trẻ Việt Nam - thế hệ sẽ thay cha ông, tiếp tục gìn giữ di sản vô giá này, không chỉ bằng trách nhiệm mà cả sự tự hào, nâng niu, thích thú - những tâm cảm mà thiếu nó, họ khó thể hoàn thành một công trình nghiêm túc, nhắc nhau bảo tồn di sản đất nước ở tương lai.

Ê kíp, từ Giám đốc dự án đến chụp ảnh, minh họa… đều là những em ở lứa tuổi 30-40. Cùng với sự đóng góp và biên soạn của các anh, các chú có kiến thức sâu rộng về kiến trúc di sản, họ đã đặt hết trái tim, tri thức và khả năng sáng tạo để hoàn thành cuốn sách. Hiện chúng tôi xuất bản sách với hai ngôn ngữ Việt-Pháp. Và đang tiếp tục biên soạn Việt-Anh để ra mắt độc giả trong năm tới.

Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Khanh nhấn mạnh, so với các nước Đông Nam Á, Hà Nội đang sở hữu một di sản quý báu.

Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Khanh nhấn mạnh, so với các nước Đông Nam Á, Hà Nội đang sở hữu một di sản quý báu.

Năm 2015, tôi tình cờ bắt gặp cuốn sách về kiến trúc Sài Gòn trong một hiệu sách ở TP.HCM. Tôi say mê đọc ngay lập tức và biết được, tác phẩm được viết bởi một người Pháp. Sau đó, tôi đã xin tái bản cuốn sách, bổ sung thêm một số công trình mới của TP.HCM nhằm lưu trữ và thúc đẩy sự hiểu về kiến trúc.

Cũng cách đây khoảng 10 năm, khi lần đầu tiên đến thành phố Firenze của Italia, cái nôi của kiến trúc phục hưng, tôi thực sự ngỡ ngàng thán phục về sự tài hoa của các kiến trúc sư Italia và nhân công Italia.

Nhưng điều làm tôi ấn tượng hơn là số lượng khách du lịch đến viếng Firenze hàng năm. Du khách đến đây bởi muốn chiêm ngưỡng các di sản kiến trúc điêu khắc, hội họa của các thời kỳ phục hưng và trước đó. Các di sản này đóng góp rất lớn cho kinh tế Firenze và Italia.

Từ những cảm hứng đó, tôi nghĩ cần phải có một cuốn sách về kiến trúc Hà Nội. So với các nước Đông Nam Á, Hà Nội đang sở hữu một di sản quý báu. Mặc dù trải qua 2 cuộc chiến tranh, Hà Nội vẫn giữ lại phần lớn di sản kiến trúc đã được xây dựng từ thời phong kiến đến thời Pháp thuộc.

Không ở đâu có nhiều công trình kiến trúc giao thoa giữa văn hóa Việt - Pháp đẹp như ở Hà Nội. Đó là những tác phẩm tài hoa được thiết kế và thực hiện bởi các kiến trúc sư, nghệ nhân, công nhân Pháp lẫn Việt Nam.

Các di sản này cần được gìn giữ, để làm nguồn cảm hứng cho thế hệ sáng tác mai sau và đóng góp vào nền kinh tế du lịch Thủ đô, đặc biệt là để gìn giữ nét văn hóa thanh lịch của Hà thành.

Khi nhen nhóm ý tưởng về cuốn sách, tôi đã nghĩ đến anh Maurice Nguyễn, chắt nội của ông François Lagisquet - một trong những kiến trúc sư thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội. Chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của anh Maurice Nguyễn bởi anh là người rất yêu Hà Nội và văn hóa Việt. Bên cạnh đó, tôi cũng hợp tác với Sun Group, một đơn vị có nhiều dự án đặc sắc về văn hóa để cùng bắt tay làm nên cuốn sách này.

Cuốn sách "Kiến trúc Hà Nội" được làm công phu trong hai năm.

Cuốn sách "Kiến trúc Hà Nội" được làm công phu trong hai năm.

Kiến trúc Hà Nội là chủ đề đã xuất hiện trong nhiều cuốn sách. Vậy sự khác biệtcủacuốn sách này là gì, thưa ông?

Cuốn sách này không chỉ cung cấp những giá trị chuyên môn sâu sắc mà còn giới thiệu nhiều hình ảnh quý hiếm chưa từng được công bố. Điểm khác biệt còn nằm ở cách trình bày cách hấp dẫn, dễ tiếp cận, phù hợp với đông đảo độc giả, đặc biệt là giới trẻ, vượt ra khỏi giới hạn của cộng đồng học thuật truyền thống.

Nhiều bạn trẻ thường cảm thấy e ngại trước những cuốn sách mang tính học thuật. Vì vậy, cuốn sách được thiết kế kèm mã QR (mã vạch) để người trẻ có thể quét và tìm hiểu thêm về quá trình làm ra cuốn sách. Đây cũng là một cách tạo sự tò mò, thu hút.

Thách thức lớn nhất là tạo ra sự khác biệt và những giá trị mới cho cuốn sách

Được biết các tác giả bắt đầu triển khai cuốn sách từ năm 2022. Ngoài ghi nhận tư liệu trong nước, ê-kíp đã phải lặn lội sang Pháp tìm kiếm tư liệu. Chắc hẳn trong hainăm đó, ông cùng ê-kíp đã gặp không ít khó khăn?

Đúng là như vậy. Chúng tôi đã gặp không ít khó khăn. Bởi, nếu như cuốn sách đầu tiên về kiến trúc Sài Gòn 300 năm ấn hành trên bản thảo có sẵn, thì việc biên soạn cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp” gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Thứ nhất là một số công trình bây giờ không hẳn giống xưa vì người ta có thể đã bắt đầu sửa chữa dù đại đa số đều giữ được khá tốt.

Thứ hai là nhiều ảnh chụp không đúng như thực tế vì đã bị che bằng biểu hiện hoặc biển quảng cáo. Nhiều công trình khó khăn trong quá trình tiếp cận vì hiện là trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng hay Bộ Ngoại giao...

Thứ ba là tìm kiếm tư liệu gốc, bởi vì chúng tôi muốn cuốn sách mang tính học thuật, nghĩa là phải biết ngày xưa bản vẽ thế nào, bây giờ là nó ra sao. Nên đội ngũ biên soạn phải tìm kiếm rất nhiều tư liệu lưu trữ. Nơi lưu trữ nhiều nhất những tư liệu này là ở các thư viện tại Pháp. Và cũng rất may mắn, trong quá trình thực hiện chúng tôi đã kết nối được với chị Trần Hải Anh - Chủ nhiệm dự án đã mất nhiều tháng ròng ngồi lì ở thư viện ở bên Pháp, chụp ảnh và gửi về Việt Nam cho chúng tôi.

Tuy nhiên tôi cho rằng, thách thức lớn nhất là làm sao tạo ra sự khác biệt và những giá trị mới so với các tác phẩm viết về kiến trúc Hà Nội trước đó. May mắn, các tác giả đã biết cách để hiện thực hóa điều này.

Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Khanh cho rằng, người gìn giữ di sản cho thế hệ sau phải là những người trẻ.

Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Khanh cho rằng, người gìn giữ di sản cho thế hệ sau phải là những người trẻ.

Những người trẻ sẽ gìn giữ di sản cho thế hệ sau

Cuốn sách này được thực hiện bởi những tác giả rất trẻ. Lý do nào khiến ông quyết định lựa chọn các tác giả trẻ để làm một cuốn sách có nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa?

Tôi cho rằng, người gìn giữ di sản cho thế hệ sau phải là những người trẻ. Vậy nên tôi muốn, cuốn sách được biên soạn bởi những người trẻ - thế hệ sẽ thay cha ông, tiếp tục gìn giữ các di sản vô giá - không chỉ bằng trách nhiệm mà cả sự tự hào, thích thú, để từ đó lan tỏa tinh thần này.

Ê-kíp từ giám đốc dự án đến nhiếp ảnh gia, họa sĩ minh họa… đều chỉ khoảng 30 tuổi. Cùng với sự đóng góp và biên soạn của các chuyên gia có kiến thức sâu rộng về kiến trúc di sản, họ đã đặt hết trái tim, tri thức và khả năng sáng tạo để hoàn thành cuốn sách. Tôi cho rằng, khi thực hiện công trình với một tình yêu Hà Nội thực sự, họ sẽ tạo ra một cuốn sách tốt nhất.

Ngoài ra, muốn cuốn sách được độc giả trẻ đón nhận thì nhóm tác giả cần là những người trẻ, có cách thức thể hiện mới mẻ, không quá mô phạm.

Giá bán của cuốn sách khá cao, trên 2 triệu đồng. Ông có lo ngại, với giá bán này, cuốn sách sẽ khó đến được tay độc giả?

Có nhiều lý do khiến chúng tôi đưa ra mức giá như vậy. Trước hết, tôi muốn đặt giá cao để thể hiện sự xem trọng với thành quả lao động bằng cả khối óc của các tác giả. Cuốn sách hoàn toàn có thể so sánh với những cuốn sách nghệ thuật của các nước khác.

Mức giá cao còn phản ánh chi phí lớn mà chúng tôi đã đầu tư để tạo ra cuốn sách này. Điều đó cũng thể hiện sự công phu trong quá trình thực hiện.

Giá trị của cuốn sách không chỉ nằm ở giá tiền mà tôi nghĩ quan trọng hơn là ở cách người đọc đón nhận nó. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ ra 1-2 triệu đồng để mua một đôi giày hiệu thì không có lý do gì không bỏ ra số tiền tương tự để mua một cuốn sách hay nếu bạn trẻ đó yêu sách và yêu Hà Nội thực sự.

Khi làm việc với nhà xuất bản, họ từng gợi ý tôi mức giá thấp hơn. Tuy nhiên, tôi không đồng tán thành đề xuất đó. Tôi muốn cuốn sách ít nhất phải có bán với giá 100 USD bởi tôi từng mua những cuốn sách về kiến trúc với giá 120-160 USD. Tôi nghĩ, không nên nghĩ vì tác phẩm của mình là sách Việt Nam mà lại để giá thấp hơn.

Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Khanh nghĩ rằng, không nên nghĩ vì tác phẩm của mình là sách Việt Nam mà lại để giá thấp hơn.

Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Khanh nghĩ rằng, không nên nghĩ vì tác phẩm của mình là sách Việt Nam mà lại để giá thấp hơn.

Mong tạo nguồn cảm hứng để các tác giả khác viết về kiến trúc Hà Nội

Trong quá trình thực hiện cuốn sách, ông và ê-kíp cảm thấy ấn tượng nhất với công trình nào?

Trong quá trình thực hiện cuốn sách, tôi ấn tượng nhất với 3 công trình.

Đầu tiên có thể kể đến Nhà hát Lớn Hà Nội. Công trình này được lấy cảm hứng từ Nhà hát Garnier ở Paris, nhưng lại mang những nét đặc trưng rất riêng, đậm chất Việt Nam.

Nhìn vào bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, để xây dựng được một công trình như Nhà hát Lớn không phải là điều đơn giản. Dù đã tồn tại gần 200-300 năm, Nhà hát Lớn vẫn không hề lỗi thời. Kinh phí và công sức để hoàn thiện công trình này là vô cùng lớn.

Khi bước vào, tôi nhận ra những chi tiết hoa văn đặc sắc. Nếu như kiến trúc phương Tây thường trang trí bằng những loại lá và hoa, thì ở đây lại xuất hiện hình ảnh trái cau, trái dứa – những hình ảnh đặc trưng văn hóa Việt Nam. Tôi tin rằng không phải ai cũng để ý đến những chi tiết nhỏ này, nhưng sự hiện diện của chúng chứng tỏ tay nghề và những người thợ và kiến trúc sư thời đó làm việc rất có tâm.

Có lẽ nhờ những lần trùng tu được thực hiện theo đúng kiến trúc ban đầu, nên ngày nay, Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn giữ được vẻ đẹp hoàn chỉnh nhất ở Hà Nội.

Bên cạnh Nhà hát Lớn, thì Viện Bảo tàng Lịch sử cũng là một công trình ấn tượng. Công trình này thể hiện sự kết tinh hài hòa giữa kiến trúc Pháp với một số chi tiết chịu ảnh hưởng từ nền văn minh Trung Hoa và Bắc Á. Không chỉ vậy, kiến trúc còn mang dấu ấn của văn hóa Chăm, tạo nên một sự giao thoa độc đáo và đặc trưng của văn hóa Việt Nam.

Một công trình khác mà tôi đặc biệt ấn tượng là trường Đại học Tổng hợp trên đường Lê Thánh Tông. Từ mặt tiền, nếu đứng ngắm nhìn, ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp kiến trúc không chỉ nổi bật trong nước mà còn hoàn toàn xứng đáng được so sánh với những công trình hàng đầu ở Paris. Không chỉ phần bên ngoài, không gian bên trong của tòa nhà cũng rất ấn tượng. Điều đặc biệt đáng trân trọng là Hà Nội đã bảo tồn được gần như nguyên vẹn công trình này, giữ lại vẻ đẹp lịch sử và giá trị kiến trúc tuyệt vời của nó.

Ông kỳ vọng cuốn sách này ra đời sẽ mang tới điều gì cho độc giả?

Khi thực hiện dự án chúng tôi và các tác giả mong muốn đóng góp được gì đó cho đất nước, người dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thông qua cuốn sách kiến trúc, văn hóa.

Cuốn sách ngoài cung cấp dữ liệu thông tin kiến trúc, lịch sử giàu có còn là cái nắm tay tâm huyết của nhiều thế hệ có chung tình yêu đất nước, yêu Hà Nội.

Cuốn sách đã khái quát các công trình khá tiêu biểu để xứng đáng bảo tồn để phát triển du lịch.

Hà Nội có quá nhiều công trình kiến trúc đẹp. Tôi mong rằng, cuốn sách là sự khởi đầu tạo nguồn cảm hứng để các tác giả khác viết về kiến trúc Hà Nội. Đó có thể là những căn nhà ở trước đây tại Hà Nội, phố cổ Hà Nội…

Ở đầu cuộc trò chuyện, ông đã nhắc tới việcphát triển kinh tế du lịch cho Hà Nội. Vậy, với tư cách là một du khách, ông có nghĩ Hà Nội hấp dẫn ở những góc di sản kiến trúc?

Theo quan điểm cá nhân của tôi, để một địa danh trở nên hấp dẫn cần có sự kết hợp hài hòa nhiều yếu tố. Tuy nhiên ở góc độ di sản của Thăng Long - Hà Nội đến giờ, tôi vẫn thích thú với phố cổ Hà Nội. Hà Nội 36 phố phường luôn có nét đẹp riêng, kể cả khi cuối Thu hay đầu Đông. Tuy nhiên thách thức chính là việc giữ gìn sự cổ kính, rêu phong ấy của khu Phố cổ. Đó là nét đẹp riêng mà những thành phố trẻ như Bangkok hay Singapore không thể có được. Vì thế, tôi mong rằng những người trẻ dành tình yêu cho văn hóa và di sản kiến trúc Hà Nội, từ đó có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị của nó trong tương lai.

Cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội” đem đến cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về vẻ đẹp của kiến trúc Hà Nội qua các thời kỳ, bao gồm: Phần 1: Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội xưa; Phần 2: Kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc với những phong cách điển hình là Beaux-Arts; Art Déco; Đông Dương, Kiến trúc Pháp thuộc thời kỳ đầu; Kiến trúc Thép, Gothique và Phần 3: Kiến trúc Hà Nội sau năm 1954.

Sách được ví như một cuốn phim về lịch sử Hà Nội, đưa người đọc du hành ngược thời gian, trở về với Hà Nội của thế kỷ 19, 20 cùng các tác giả, đi vào từng ngóc ngách và chi tiết của 18 công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội qua các thời kỳ, đặc biệt là các công trình thời Pháp thuộc như Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, Nhà tù Hỏa Lò, Khách sạn Metropole Hanoi, Thư viện trường PTTH Chu Văn An…

Nhật Hạ (thực hiện )

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kts-nguyen-quoc-khanh-di-san-kien-truc-la-bau-vat-van-hoa-dong-luc-phat-trien-du-lich-d232270.html
Zalo