Ksor Kốk: Nghệ nhân chỉnh chiêng tài ba ở Krông Pa
Tôi may mắn được gặp nghệ nhân chỉnh chiêng Ksor Kốk (buôn Sai, xã Chư Ngọc) khi ông đang chỉnh lại bộ chiêng chuẩn bị cho việc phục dựng lễ cúng cầu mưa tại buôn Mlăh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) vào cuối tháng 4 vừa qua.
Hình ảnh nghệ nhân say sưa chỉnh chiêng bên góc nhà rông đã để lại trong tôi ấn tượng khó phai.

Nghệ nhân Ksor Kốk chỉnh lại chiếc chiêng bị lệch âm. Ảnh: V.T.T
Tính đến thời điểm này, nghệ nhân Ksor Kốk đã có hơn 20 năm trong nghề chỉnh chiêng. Ông là học trò xuất sắc của Nghệ nhân Ưu tú Nay Phai-bậc thầy chỉnh chiêng của tỉnh mà ai cũng biết đến và ngưỡng mộ. Nhớ lại những ngày đầu theo thầy Nay Phai học chỉnh chiêng, ông Kốk kể: Thời gian học kéo dài liên tục từ 2 đến 3 tháng. Sau đó, ông tiếp tục được ở lại với thầy hơn 1 năm nữa bởi là học trò giỏi lại đam mê văn hóa cồng chiêng. Trong khoảng thời gian ấy, ông được thầy đưa đi khắp các buôn làng để phụ chỉnh chiêng nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm.
Nơi góc nhà rông, nghệ nhân Ksor Kốk cẩn thận dùng búa gõ vào từng chiếc chiêng để nghe thử âm thanh. Ông kiên nhẫn gõ búa, rồi lại dùng dùi để thẩm âm. Cứ thế, ông lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi cảm thấy âm thanh vừa tai mới chuyển sang chỉnh chiếc chiêng khác. Chiêng sau khi chỉnh được đánh thử để xem âm độ đã đúng với hệ thang âm chưa và cần có nhiều người cùng tấu chiêng để so âm cho đồng điệu.
Nghệ nhân Ksor Kốk chia sẻ: Việc chỉnh chiêng nhìn khá đơn giản nhưng để có thể thực hành nhuần nhuyễn thì đòi hỏi cả một hành trình dài học hỏi, kiên trì rèn luyện. Ngoài ra, người chỉnh chiêng cũng phải có năng khiếu và sự đam mê mãnh liệt với cồng chiêng. Để trở thành nghệ nhân chỉnh chiêng không chỉ cần đôi tay khéo léo mà quan trọng hơn phải có đôi tai thẩm âm tinh tế và chính xác. Từ đó, biết được chỗ nào trên chiếc chiêng cần phải chỉnh, cần gõ mấy lần để chỉnh lại chỗ lệch âm. Nghệ nhân chỉnh chiêng còn đòi hỏi phải có khả năng diễn tấu cồng chiêng, hiểu rõ từng chiếc chiêng, phân biệt được các loại chiêng cải tiến, chiêng truyền thống hay chiêng cổ.

Bộ đồ nghề chỉnh chiêng khá đơn giản nhưng đã đưa âm thanh cồng chiêng vang vọng ngân xa khắp các buôn làng trên cao nguyên. Ảnh: V.T.T
Đối với nghệ nhân Ksor Kốk, ngoài trau dồi kỹ thuật thì bộ đồ nghề cũng vô cùng quan trọng. Chiếc túi vải đựng bộ dụng cụ chỉnh chiêng của ông khá đơn giản nhưng là vật bất ly thân. Trong chiếc túi ấy của ông có 4 cái búa, cán búa được quấn dây thun và vài cái dùi đầu bọc vải được gói cẩn thận. Vào tháng 1 hàng năm, ông Kốk đều làm lễ cúng bộ đồ nghề chỉnh chiêng. Lễ vật cúng gồm 1 ché rượu ghè và 1 con gà. Ông bày biện đồ nghề chỉnh chiêng ra giữa một khoảng không gian thoáng đãng, rộng rãi và đọc lời khấn thần búa về giữ hồn cho chiêng, giúp cho nghệ nhân có sự kiên nhẫn, có đôi tai thính, đôi tay khéo; giữ cho cây búa, chiếc dùi luôn được mới, bền chắc theo năm tháng để có thể chỉnh chiêng.
Hiện nay, những nghệ nhân chỉnh chiêng thành thục như ông Ksor Kốk còn khá ít. Trong khi đó, việc truyền dạy nghệ thuật chỉnh chiêng cho các thế hệ kế cận gặp khó, bởi người yêu thích và tâm huyết với giá trị truyền thống của dân tộc ngày càng hiếm dần. Trong số những học trò theo ông Kốk học nghề chỉnh chiêng những năm qua chỉ có 2 người thành công. Đó là anh Ksor Mang (thị xã Ayun Pa) và anh Nay Nuyn (huyện Krông Pa). “Họ có lợi thế biết hát dân ca, đánh đàn và trình diễn cồng chiêng nên khả năng tiếp thu, thẩm âm khá nhanh nhạy. Hiện nay, họ đều có thể chỉnh chiêng thành thục và sống được với nghề”-nghệ nhân Ksor Kốk cho hay.
Trên thực tế, việc bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có sự đóng góp rất lớn của những nghệ nhân chỉnh chiêng như ông Ksor Kốk. Họ là những người luôn đau đáu với nghề “chữa bệnh” cho chiêng, để giúp tiếng cồng chiêng mãi ngân vang, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân và du khách xa gần.