KQKD quý III/2024 ngành chứng khoán: Hơn 20 đơn vị đã công bố, nhiều cái tên báo lỗ và lợi nhuận sụt giảm

Trong số các công ty chứng khoán (CTCK) đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý III, ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận kể đến VIX, MBS, DSC, BMSC..., ngược lại có nhiều công ty báo lỗ như Everest, AseanSC, CVS, SBSI, UPS, Chứng khoán phố Wall.

Thêm nhiều công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý III

Chứng khoán FPT (FPTS - Mã: FTS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III giảm 56% so với cùng kỳ năm trước, về 81 tỷ đồng. Lợi nhuận giảm sâu đến từ đánh giá lại FVTPL - với chủ yếu là cổ phiếu MSH của May Sông Hồng. Lợi nhuận đánh giá lại tại sản tài chính là âm 10 tỷ đồng, trong khi quý III/2023 đạt 72 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, FPTS cũng cho biết kết quả kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi thanh khoản thị trường giảm, đồng thời công ty áp dụng nhiều chính sách miễn giảm phí giao dịch và lãi vay margin. Đây cũng là quý có lợi nhuận thấp nhất từ đầu năm của FPTS. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 408 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC - Mã: BVS) công bố kết quả kinh doanh quý III với doanh thu hoạt động 227 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước, trải đều trên hầu hết các mảng chính. Tuy vậy, chi phí hoạt động cũng tăng 40%. Mặt khác, BVSC không có khoản thu tài chính cao như cùng kỳ (gần 22 tỷ đồng). Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý III giảm 7% về gần 37 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế tăng 40%, đạt 143 tỷ đồng.

Số lượng công ty báo lỗ quý III tăng lên với sự gia nhập của UPS, AseanSC và Everest. Chứng khoán UP (UPS), tên mới của Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia) (IRS) kể từ cuối tháng 9, ghi nhận kết quả lỗ đầu tiên trong vòng 5 quý (kể từ sau quý II/2023).

Doanh thu hoạt động quý III của UPS chưa đến 5 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do thu hẹp doanh thu môi giới và tư vấn tài chính. Công ty báo lỗ gần 5 tỷ đồng trong quý III. Bên cạnh giảm doanh thu, nguyên do chính đến từ chi phí quản lý gần 6 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.

Báo cáo tài chính cho thấy chi phí hoạt động quý III của AseanSC gần 25 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Các khoản lỗ từ tài sản tài chính FVTPL, chi phí nghiệp vụ môi giới, tư vấn tài chính, lưu ký đều gia tăng đáng kể. Đây là nguyên nhân khiến công ty lỗ sau thuế gần 17 tỷ đồng. Nhờ tăng trưởng trong nửa đầu năm, AseanSC vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 53 tỷ đồng sau 9 tháng. Con số này gấp gần 9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Có kết quả tệ hơn là Chứng khoán Everest (Mã: EVS), với con số lỗ 28 tỷ đồng (qý III/2023 lãi sau thuế 58 tỷ đồng). Theo công ty chứng khoán cho biết, quý III, giá cổ phiếu trong danh mục đầu tư giảm làm tăng chi phí đánh giá lại. Đồng thời, doanh thu từ hoạt động tự doanh giảm, dẫn đến hiệu quả kinh doanh đi xuống. Kết quả quý III kéo lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm của Everest rơi về chỉ còn 4 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ năm trước.

KIS, Rồng Việt và Yuanta lao dốc, TCBS báo lãi nghìn tỷ

Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cho biết lợi nhuận trước thuế quý III đạt 1.097 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ ba liên tiếp đơn vị này báo lãi trên nghìn tỷ. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt gần 3.900 tỷ đồng.

Mảng cho vay ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán vẫn ghi nhận tăn trưởng, đạt 695 tỷ đồng thu nhập thuần trong quý III. Con số này tăng 11% so với quý trước và 67% so với cùng kỳ năm 2023. Dư nợ cho vay margin và ứng trước cuối kỳ đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối quý II.

Chứng khoán KIS (VN) KISVN công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận sau thuế giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động ghi nhận 590 tỷ đồng, giảm 25%, chủ yếu do lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 38%, doanh thu môi giới giảm 33%. Chiều ngược lại, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và lãi từ các khoản cho vay, phải thu tăng lần lượt 64% và 9%.

Dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán của khách hàng cuối kỳ đạt 8.178 tỷ đồng, tăng 4%. Trong đó, cho vay margin chiếm hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 5% và cao kỷ lục đối với KISVN.

Kết quả kinh doanh quý III của một số CTCK. (Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC quý III).

Kết quả kinh doanh quý III của một số CTCK. (Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC quý III).

Báo lãi hơn trăm tỷ trong quý III còn có Chứng khoán MB (MBS). MBS công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu hoạt động gấp rưỡi cùng kỳ lên 806 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) gấp 11 lần cùng kỳ, đạt 286 tỷ đồng. Lãi từ cho vay và phải thu cũng tăng 44% lên 266 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu môi giới và lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm lần lượt 38% và 16%.

Cùng đà tăng của doanh thu, chi phí hoạt động quý III cũng tăng 118% so với cùng kỳ lên 377 tỷ đồng, trong đó lỗ từ FVTPL chiếm 235 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 179 tỷ đồng, tăng 8% so với quý III năm trước, song giảm 8% so với quý II liền trước. Như vậy, lợi nhuận MBS chững lại sau chuỗi 6 quý đi lên liên tiếp (từ quý I/2023).

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố báo cáo tài chính riêng quý III với lợi nhuận sau thuế 75 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Theo đơn vị này, thanh khoản giảm trong kỳ và tình hình thị trường chưa thuận lợi đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu môi giới hoạt động ngân hàng đầu tư. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 306 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ và hoàn thành kế hoạch năm.

Chứng khoán DSC ghi nhận doanh thu hoạt động quý III đạt 147 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chiếm 77 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ; lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 45 tỷ đồng, tăng 18%; doanh thu môi giới 22 tỷ đồng, giảm 43%.

Doanh thu tăng nhưng chi phí hoạt động lại giảm 22%, ghi nhận 28 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí môi giới. DSC báo lợi nhuận sau thuế 72 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời là kết quả một quý cao nhất kể từ khi công bố thông tin.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của DSC đạt 393 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 151 tỷ đồng, tăng lần lượt 25% và 59% so với cùng kỳ năm trước.

Ở nhóm vốn hóa nhỏ, ba công ty chứng khoán đã báo lỗ trong quý III gồm Chứng khoán Phố Wall (WSS), SBSI và Chứng khoán CV (CVS).

Báo cáo tài chính quý III của WSS cho thấy doanh thu hoạt động tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 6 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) gấp gần 4 lần lên 2,5 tỷ đồng; lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng tăng 29%. Ngược lại, doanh thu tư vấn chỉ 41 triệu đồng, trong khi quý III năm trước gần 1,5 tỷ đồng.

Lãi từ tự doanh tăng mạnh, song chi phí cũng lên cao. Do đó, WSS kết thúc quý III với lỗ sau thuế 8,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 400 triệu đồng. Đây là quý lỗ thứ 5 liên tiếp (kể từ quý III/2023), nâng lỗ sau thuế chưa phân phối đến cuối tháng 9 lên 30 tỷ đồng.

SBSI báo lỗ gần 6 tỷ đồng trong quý III. Công ty giải trình thị trường cổ phiếu biến động mạnh trong 9 tháng đầu năm khiến hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Trong quý III, doanh thu hoạt động đi ngang nhưng chi phí hoạt động lại tăng đáng kể, chủ yếu từ lỗ FVTPL.

CVS báo lỗ nặng nhất trong số các đơn vị đã công bố kết quả quý III, với lỗ sau thuế gần 10 tỷ đồng. Công ty ghi nhận doanh thu hoạt động gấp 5 lần cùng kỳ đạt hơn 4 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi FVTPL. Tuy nhiên, CVS phát sinh chi phí môi giới đến 8 tỷ đồng, cùng với đó là duy trì chi phí quản lý trên 6 tỷ đồng.

Đây là quý lỗ thứ 9 liên tiếp công ty chứng khoán liên quan đến ví điện tử MoMo. Lỗ lũy kế đến cuối tháng 9 gần 118 tỷ đồng.

Xuân Nghĩa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/cap-nhat-kqkd-quy-iii2024-nganh-chung-khoan-hon-20-don-vi-da-cong-bo-nhieu-cai-ten-bao-lo-va-loi-nhuan-sut-giam.html
Zalo