Kon Tum lên kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng
Tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2025, chỉ số tiếp cận điện năng đạt mức cao so với cả nước và ngang bằng các nước ASEAN 3.
UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Kế hoạch số 4444/KH-UBND về chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng theo Quyết định số 804/QĐ-BCT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Đồng thời, tạo hiệu quả trong hoạt động ứng dụng công nghệ số để phát triển sản xuất trong lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh. Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng được triển khai đồng bộ, thiết thực và hiệu quả.
Theo đó, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến lĩnh vực năng lượng (điện lực, dầu khí, xăng dầu) được quản lý, theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Kon Tum.
100% hồ sơ TTHC liên quan đến lĩnh vực năng lượng (điện lực, dầu khí, xăng dầu) được quản lý, theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Kon Tum, 100% thủ tục hành chính lĩnh vực năng lượng được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ số hóa hồ sơ thực hiện TTHC, số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực liên quan đến lĩnh vực năng lượng đạt 100%.
Đồng thời, đáp ứng tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về giải quyết TTHC liên quan đến lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh. 100% hồ sơ cán bộ công chức, viên chức của Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố được phân cấp quản lý về lĩnh vực năng lượng tỉnh được lưu trữ, quản lý dưới dạng hồ sơ điện tử.
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, đến năm 2025, xây dựng hệ thống thông tin chuyên ngành năng lượng theo hướng dẫn của Bộ Công Thương gồm đầy đủ phân ngành năng lượng bao gồm: dầu khí, xăng dầu, than, điện, năng lượng tái tạo và năng lượng mới; phối hợp với Bộ Công Thương triển khai đề án lưới điện thông minh tại Việt Nam theo đúng lộ trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phấn đấu đến năm 2025, chỉ số tiếp cận điện năng đạt mức cao so với cả nước và ngang bằng các nước ASEAN 3. Ngoài ra, thực hiện hiện đại hóa công tác đo đếm; cung cấp cho khách hàng số liệu đo đếm thông qua ứng dụng trên di động hoặc trên website theo hướng trực tuyến đạt 100%.
Định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Kon Tum phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình thuộc lĩnh vực năng lượng được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Phấn đấu tối thiểu 90% hồ sơ tài liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực năng lượng được xử lý trên nền tảng điện tử và môi trường mạng máy tính (trừ các hồ sơ, tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước); riêng hoạt động thanh kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với các hoạt động của ngành năng lượng đạt tối thiểu 50% thông qua môi trường số và hệ thống thông tin quản lý của cơ quan quản lý.
100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp, báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê trong lĩnh vực năng lượng được thực hiện trên môi trường mạng máy tính; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa ngành điện và các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh.
Tăng mức độ kết nối và hiện đại hóa hạ tầng mạng viễn thông liên lạc chuyên biệt phục vụ quản lý vận hành hệ thống điện và công tác chỉ đạo điều hành trong ngành năng lượng. Tỷ lệ thanh toán điện tử (không dùng tiền mặt) đối với hóa đơn tiền điện hàng tháng đạt tối thiểu 94% và tiến tới hoàn toàn không dùng tiền mặt trong thanh toán. 100% người dân và doanh nghiệp hài lòng về giải quyết TTHC liên quan đến lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hiện đại hóa công tác đo đếm, cung cấp cho khách hàng số liệu đo đếm thông qua ứng dụng trên di động hoặc trên website theo hướng trực tuyến toàn diện.
Tỉnh Kon Tum sẽ phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hệ thống hóa các văn bản pháp luật về chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng; phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất xây dựng các quy định, quy chế về việc sử dụng, quản lý và vận hành các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, phát triển nền tảng, ứng dụng và dịch vụ số.