Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là một xu thế tất yếu
Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế chung của thế giới, hiện nay đa số các nước cũng theo đuổi các chính sách liên quan đến hướng phát triển kinh tế tuần hoàn để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có Việt Nam. Muốn bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, không còn cách nào khác là chúng ta phải thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Đây là nhấn mạnh của các đại biểu tại Tọa đàm Luật Bảo vệ môi trường - hành lang pháp lý cho phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng nay, 23.12, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, 35 Ngô Quyền, Hà Nội.
Lần đầu tiên luật hóa kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường
Việc Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 đã tạo ra nền tảng pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và định hướng phát triển xanh tại Việt Nam. Luật có một số điểm đáng chú ý, liên quan trực tiếp đến phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, xu thế mới, với kỷ nguyên mới, chúng ta sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, thực hiện các chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thì việc phát triển kinh tế tuần hoàn ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu giảm phát thải, tăng cường năng lực cạnh tranh, chất lượng hiệu quả của nền kinh tế. Chúng ta cũng đặt ra mục tiêu, đến giữa thế kỷ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 như nhiều quốc gia, thậm chí là quốc gia phát triển.
Ông Thi cho rằng, lần đầu tiên kinh tế tuần hoàn đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường. Luật quy định rõ: kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Cùng với đó, Luật cũng quy định về các chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường, như lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, xuyên suốt Luật Bảo vệ Môi trường, các quy định đều hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn; theo đó, tập trung vào bốn tiêu chí. Một là, hiệu quả sử dụng năng lượng, trong đó giảm việc tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu, đặc biệt là vấn đề hóa thân. Hai là, kéo dài vòng đời sản phẩm và vật liệu. Ba là, giảm rác thải và phát thải ra môi trường. Bốn là, không gây tác động xấu đến môi trường. Trong đó, tiêu chí thứ ba đã thể hiện rõ, kinh tế tuần hoàn chính là mô hình của thế giới hiện nay, nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để thực hiện mục tiêu này, xuyên suốt luật bảo vệ môi trường, chúng ta đã quy định về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, quy định về phân loại rác thải tại nguồn, quy định về thu phí đối với rác thải, và quy định về dán nhãn xanh. Tất cả những quy định trên đều hướng nền kinh tế tới mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh tế bền vững, phát thải carbon thấp.
Đánh giá cao Luật Bảo vệ môi trường, TS. Hoàng Dương Tùng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, có rất nhiều thị trường, nếu không sản xuất những sản phẩm xanh, thì không thể tiêu thụ được sản phẩm. Hiện nay, yêu cầu đó lại càng phổ biến. Đảng và Nhà nước ta đã nhìn thấy vấn đề này và đã đưa ra rất nhiều chủ trương, chính sách. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính là một bước bước đột phá trong vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình kinh tế “nâu” sang “xanh”
Có thể thấy nhiều quy định tiến bộ, và có tính “đột phá” của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhấn mạnh, cần hiện thực hóa các quy định Luật trong cuộc sống. Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, mặc dù chúng ta đã có quy định nhưng việc thực hiện chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn vẫn còn lúng túng.
Việt Nam là nước nông nghiệp, do đó việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần phải được chú ý nhiều trong thời gian tới. TS. Hoàng Dương Tùng cũng chỉ ra một thực tế, dù có luật, có nghị định, song nhiều ngành nghề cũng muốn muốn chuyển đổi xanh, nhưng vẫn gặp khó. Khó bởi, muốn chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn thì vốn đầu tư rất quan trọng. Bên cạnh đó là vấn đề về công nghệ. Trong khi đó, các ngân hàng, các tổ chức tài chính muốn cho doanh nghiệp “xanh” vay, nhưng chúng ta chưa có tiêu chí cụ thể để triển khai vấn đề này. “Vì vậy, cần sớm tháo gỡ những vướng mắc này để các doanh nghiệp có thể thuận lợi chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, cần có các hướng dẫn kỹ thuật về các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục chuyển đổi như thế nào để các doanh nghiệp chuyển đổi, để thực hiện cho đúng và rộng khắp”, ông Tùng nói.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, những yếu tố giúp chúng ta thành công trong việc chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bao gồm: Một là (và cùng là ưu tiến số 1) là thể chế, thứ hai là hạ tầng, thứ ba là tài chính xanh, thứ tư là công nghệ xanh, và cuối cùng là năng lượng xanh. Cùng với việc tăng cường năng lực, trong các yếu tố này, về mặt thể chế và chính sách, chúng ta đã rất nỗ lực khi chúng ta lồng ghép được kinh tế tuần hoàn vào trong Luật Bảo vệ Môi trường. Việt Nam cũng trở thành một trong những nước đi đầu trong khu vực trong vấn đề này.
Tuy vậy, để chuyển nền kinh tế từ "nâu" sang "xanh" vẫn gặp không ít khó khăn, trong đó theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, việc tăng cường năng lực, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và con người, về khả năng tiếp cận công nghệ và khả năng tiếp cận vốn xanh, vẫn là một khó khăn lớn nhất của Việt Nam. Nếu chúng ta không khắc phục được điều này, các nước khác trên thế giới sẽ tiếp cận nguồn tài chính khí hậu khổng lồ mà thế giới đang dành cho các nước đang phát triển, ông Thọ lưu ý.
Nhấn mạnh về hạ tầng xanh, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, hiện nay chúng ta đang đứng ở vị trí thứ 94/160, ở mức thấp so với thế giới. Điều đó cho thấy, khó khăn đối với việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi carbon thấp… là rất lớn. Quy mô nền kinh tế "xanh" của chúng ta vẫn chỉ ở mức 2%, trong khi 98% còn lại vẫn là kinh tế "nâu". Vì vậy, chuyển dịch từ kinh tế “nâu” sang “xanh” chính là mô hình kinh tế tuần hoàn liên quan đến hiệu quả sử dụng năng lượng, ông Thọ nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi: Cần phải hành động nhiều hơn
Trong việc hợp tác quốc tế, chúng ta cần tạo lập nền tảng thúc đẩy và tạo cơ hội hợp tác quốc tế, tranh thủ tri thức công nghệ, hỗ trợ về nguồn vốn thông qua các cơ chế liên quan chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) hay cơ chế khác thông qua tại Hội nghị COP26, Hội nghị COP 29, có các quỹ đầu tư phục vụ cho thúc đẩy sáng kiến, dự án về phát triển kinh tế tuần hoàn.
Trong cơ chế hợp tác này, tôi muốn nhấn mạnh 3 điều quan trọng: Vai trò chủ đạo trung tâm là Nhà nước; tăng cường hợp tác công tư, phát huy trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác công nghệ và đổi mới sáng tạo, sáng kiến ở các cấp độ khác nhau.
Chúng ta đặt ra mục tiêu rất lớn, tất nhiên phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, các bước đi phù hợp với điều kiện phát triển. Tôi cho rằng, đến thời điểm này chúng ta cần phải hành động nhiều hơn, triển khai thực chất và hiệu quả ở các cấp độ, đặc biệt là cấp độ doanh nghiệp và địa phương, cơ sở.