Kinh tế - xã hội tỉnh nhà tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực

Sáng ngày 6/12, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Huỳnh Minh Tuấn, Trần Trí Quang chủ trì cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 11 năm 2023, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp tháng 12 năm 2023.

Tại cuộc họp, Cục Thống kê thông tin tình hình phát triển kinh tế tỉnh năm 2023, dự báo tình hình, khuyến nghị đối với UBND tỉnh những vấn đề cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới. Theo đó, GRDP năm 2023 ước tính tăng 5,66% so với năm 2022. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,95%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,86%; khu vực thương mại dịch vụ tăng 7,14%; thuế sản phẩm tăng 2,58%.

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin về công tác chuẩn bị tổ chức các sự kiện, lễ hội quan trọng trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin về công tác chuẩn bị tổ chức các sự kiện, lễ hội quan trọng trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024

Theo Cục Thống kê, mặc dù tăng trưởng kinh tế của tỉnh mặc chưa đạt như kỳ vọng nhưng vẫn tăng đều, quý sau cao hơn quý trước. Quy mô GRDP năm 2023 theo giá so sánh ước đạt 61,47 ngàn tỷ đồng, xếp thứ 24 cả nước và xếp thứ 6 vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tại cuộc họp, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tiến độ phân khai và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, giai đoạn 2021 - 2025; thu hút và đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư tư nhân; phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp. Theo đó, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 (kể cả vốn năm 2022 kéo dài chuyển sang) của tỉnh là 6.498,329 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 là 6.376,451 tỷ đồng. Đến ngày 31/11, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là 5.200,242 tỷ đồng, đạt 81,55% và đạt 87,47% so với kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao. Riêng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang là 92,494 tỷ đồng/121,878 tỷ đồng, đạt 75,89%.

Tính đến ngày 5/12, tỉnh thu hút đầu tư 19 dự án, đạt khoảng 61% kế hoạch, với tổng vốn đầu tư gần 6.507 tỷ đồng. Trong đó, có 4 dự án FDI, tổng vốn đầu tư khoảng 602 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến ngày 5/12, trên địa bàn tỉnh có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư được 84 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 14.510 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu kết luận tại cuộc họp

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu kết luận tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao những nỗ lực của các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà 11 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Điểm nổi bật của ngành nông nghiệp là tiếp tục nhân rộng các mô hình tiên tiến giảm giá thành, truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, nhiều tín hiệu khả quan đến từ sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ tiếp tục tăng, du lịch phục hồi phát triển khá; giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện tốt so với cùng kỳ…

Đối với các chỉ tiêu an sinh xã hội đạt kết quả tốt. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm 2023, nhất là công tác giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Đầu tư khu vực tư nhân chuyển biến mạnh mẽ về quy mô dự án; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; an ninh biên giới tiếp tục được giữ vững…

Trong tháng 12, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát các nhiệm vụ, cố gắng phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất. Đồng thời, các ngành, đơn vị cần chú trọng tổ chức đánh giá hoạt động năm 2023 và xây dựng kế hoạch phát triển năm 2024. Theo đó, cần nhận định sát với tình hình thực tế, đề ra các chỉ tiêu chi tiết, trọng tâm để thực hiện nhiệm vụ năm 2024 với sự chủ động cao độ.

Trong thời gian tới, các ngành hữu quan, địa phương cần quan tâm khai thác mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiệu quả; đẩy mạnh đào tạo nghề, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực mạnh để thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới. Đối với ngành ngân hàng, tiếp tục huy động tốt nguồn vốn xã hội; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp địa phương từng bước phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại. Rà soát các dự án trọng điểm để sớm đưa dự án đi vào vận hành, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, gia tăng năng lực sản xuất mới. Mặt khác quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển khởi nghiệp; tiếp tục đổi mới cải cách thủ tục hành chính tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kém chất lượng trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các ngành, địa phương cần tập trung toàn lực cho Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc lần thứ I, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền quảng bá về sự kiện, giúp ngành hàng hoa kiểng tỉnh nhà phát triển…

Y DU

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/kinh-te-xa-hoi-tinh-nha-tiep-tuc-chuyen-bien-tich-cuc-tren-nhieu-linh-vuc-118646.aspx
Zalo