Kinh tế Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Trước kỷ nguyên mới, với tư duy đổi mới trong cơ chế chính sách; một thái độ với tinh thần tích cực 'chỉ bàn làm, không bàn lùi'; cùng một ý chí kiên cường khi phải đối mặt với những thiên tai chưa từng có trong lịch sử… kinh tế Việt Nam vẫn vươn mình 'vượt nắng, thắng mưa' đạt nhiều thành tựu lớn.

Kinh tế Việt Nam đạt được nhiều kết quả và thành tựu nhờ vào những cải cách, đổi mới thể chế linh hoạt.

Kinh tế Việt Nam đạt được nhiều kết quả và thành tựu nhờ vào những cải cách, đổi mới thể chế linh hoạt.

Hoạch định bài bản và chi tiêu đúng trọng tâm là cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế

Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, theo báo cáo của Bộ Tài chính, lần đầu tiên số thu ngân sách Nhà nước đạt trên 2 triệu tỷ đồng, vượt 324,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách Trung ương ước đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 114,4% dự toán. Đáng chú ý khi trong 4 năm trở lại đây, thu ngân sách Nhà nước luôn ở mức năm sau vượt so với năm trước khoảng trên 1 triệu tỷ đồng.

Tính đến thời điểm kết thúc năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên cán mốc thu ngân sách trên 500 nghìn tỷ đồng, đã nỗ lực hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước của thành phố trong điều kiện có rất nhiều khó khăn, rào cản.

Đây chính là tiền đề để Việt Nam có đủ nguồn lực đầu tư vào các dự án giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành, siêu cảng Cần Giờ hay các tuyến cao tốc Bắc – Nam,… Đồng thời thực hiện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách về an sinh xã hội.

Trong khi đó, ước tính đến hết tháng 12/2024, tổng số miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân ước khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng (bao gồm các chính sách thi hành từ năm 2023, tiếp tục tác động làm giảm thu năm 2024), trong đó số miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.

Đối với ngành Xây dựng, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, trong năm 2024, tình hình thế giới, khu vực và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, ngành Xây dựng đã đạt được những kết quả quan trọng. Tăng trưởng ngành Xây dựng năm 2024 đạt khoảng 7,8 – 8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,4 – 7,3%). Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành Xây dựng đạt được từ năm 2020 đến nay, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế. Cùng với đó, tỷ lệ đô thị hóa đạt 44,3% vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 43,7%. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước…

Đây là kết quả thắng lợi mang tính quyết định, giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong hai kỷ nguyên đầu, chính là tiền đề, là nền tảng vững chắc, tạo niềm tin và khơi dậy khát vọng phát triển để bước vào “Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” là một tuyên ngôn, thể hiện tư duy nhạy bén, sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, có căn cứ khoa học của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Cơ chế linh hoạt tạo nên thị trường tăng trưởng, ổn định và bền vững

Vượt qua những ảnh hưởng từ những bất ổn của kinh tế thế giới và những thiệt hại nặng nề từ siêu bão Yagi, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 dự báo đạt hơn 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đặt ra. Quy mô nền kinh tế xếp hạng 33 - 34 thế giới, bình quân GDP đầu người khoảng 4.600 - 4.700 USD và tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kỷ lục mới khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 1000 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 403 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2023, xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD. Lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tuy dòng vốn đầu tư toàn cầu đang suy giảm nhưng Việt Nam vẫn thu hút FDI và duy trì tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 31,88 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với vốn hóa đạt khoảng 7,2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 70% GDP quốc gia.

Thị trường bất động sản năm 2024 để lại một dấu ấn không thể quên đối với giới địa ốc, một bước ngoặt lịch sử khi phải chứng kiến hàng loạt thay đổi về chính sách pháp luật, một cuộc thanh lọc chưa từng xảy ra đối với các doanh nghiệp yếu kém và chính nhờ những thay đổi kịp thời trong cơ chế thì cho đến nay, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã tháo gỡ được 34/64 dự án, triển khai 622 dự án nhà ở xã hội với quy mô 580.109 căn, đã khởi công xây dựng 131 dự án với quy mô 111.687 căn; được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô 411.076 căn…

Đây là thành quả sau khi Việt Nam tham gia 17 hiệp định thương mại tự do, ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 nước trong đó có: Trung Quốc (5/2008), Nga (7/2012), Ấn Độ (9/2016), Hàn Quốc (12/2022), Hoa Kỳ (9/2023), Nhật Bản (11/2023), Australia (3/2024), Pháp (10/2024) và Malaysia (11/2024). Hơn thế nữa, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4/5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng quan hệ chiến lược với hàng chục quốc gia khác.

Quá trình hình thành, phát triển trong công cuộc đổi mới suốt hơn 30 năm qua đã và đang mang lại những dấu ấn và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, cho dù ở bất cứ thời kỳ nào thì tinh thần đoàn kết và lòng tự tôn dân tộc luôn đem lại những chiến thắng vẻ vang trên mọi mặt trận. Năm 2024 là kết quả của sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân đồng lòng và sẽ là bước đệm để gặt hái được những thành tựu lớn hơn nữa trong tương lai, định vị một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Kiến Tài

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/kinh-te-viet-nam-san-sang-buoc-vao-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-392330.html
Zalo