Kinh tế Việt Nam quý I/2025 ước tăng 6,93%, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01

Sáng nay (6/4), Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố tình hình kinh tế Việt Nam quý I/2025. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2025 ước đạt 6,93%, tăng cao nhất so với các năm trong giai đoạn 2020-2025

Theo Cục Thống kê, trong quý I/2025, thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội của Việt Nam. (Ảnh: Mai Phương)

Theo Cục Thống kê, trong quý I/2025, thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội của Việt Nam. (Ảnh: Mai Phương)

Kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho quý I/2025 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP8, nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025.

Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) lý giải nguyên nhân do thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Quý I/2025, cả nước có hơn 36.400 doanh nghiệp thành lập mới

Trong quý I/2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,70%9, đóng góp 53,74%.

Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2025 tăng 3,53% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,32 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,67% nhưng do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,98%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2025 tăng 7,32% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 6,71%), đóng góp 2,39 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế quý I năm nay như sau: Ngành vận tải kho bãi tăng 9,90% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,67 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,31%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 7,47%, đóng góp 0,83 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,83%, đóng góp 0,41 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 6,66%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm.

Quý I cũng chứng kiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhộn nhịp, đạt hơn 202 tỷ USD. Mức này tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu thêm 10,6%, nhập khẩu 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,16 tỷ USD.

Nhiều lĩnh vực phục hồi, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn. Theo Cục Thống kê, số đơn vị giải thể, ngừng hoạt động trong quý đầu năm cao hơn lập mới, quay lại thị trường.

3 tháng đầu năm, cả nước có hơn 36.400 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký là 356.800 tỷ đồng. Số quay lại hoạt động cũng tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ 2024, đạt hơn 36.500 đơn vị. Như vậy, mỗi tháng có hơn 24.300 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động.

Tuy nhiên, doanh nghiệp đóng cửa, giải thể vẫn tăng mạnh. Bình quân một tháng có gần 26.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, doanh nghiệp đóng cửa bình quân mỗi tháng cao hơn khoảng 2.000 đơn vị so với thành lập mới.

Quý II, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo - vốn là động lực của nền kinh tế - cho thấy trên 24,1% nói tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý cuối năm ngoái. Hơn 47% đơn vị kinh doanh nhìn nhận ổn định, còn lại đánh giá khó khăn.

Cũng theo số liệu của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 3 tháng đầu năm tăng 3,22% so với cùng kỳ 2024.

Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. (Ảnh: Mai Phương)

Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. (Ảnh: Mai Phương)

Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%

Bước sang quý II/2025, bà Nguyễn Thị Hương nhận định, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.

Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.

Các ngành, các cấp tăng cường cập nhật, dự báo tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân. Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Thống kê cho rằng, Việt Nam cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

Một là, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đảm bảo cung ứng hàng hóa và kiểm soát giá cả, thị trường.

Hai là, bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.

Ba là, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước.

Bốn là, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu.

Năm là, thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sáu là, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; chủ động phương án phòng chống thiên tai.

Ngoài ra, cần thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm đảm bảo ổn định và nâng cao đời sống của Nhân dân. Chú trọng phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành, nghề mới , đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Gia Thành - Mai Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-viet-nam-quy-i2025-uoc-tang-693-vuot-muc-tieu-de-ra-tai-nghi-quyet-01-310164.html
Zalo