Kinh tế Việt Nam gia tăng sức mạnh trước những rủi ro toàn cầu
Trả lời phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khẳng định, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng cao hơn và bền vững nếu các nỗ lực cải cách thể chế toàn diện thời gian qua được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Kế hoạch đạt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, có thể giúp giảm thiểu đáng kể những rủi ro từ bên ngoài.

Tăng trưởng của Việt Nam được ADB dự kiến sẽ ở mức 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026. Ảnh: Lê Toàn
PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong quý I/2025 vừa được công bố mới đây?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Theo công bố của Cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2025 của Việt Nam đạt mức 6,93%, là mức cao nhất của quý I kể từ năm 2020 đến nay. Dù mức tăng trưởng 6,93% vẫn thấp hơn so với mục tiêu 7,7% đề ra trong Nghị quyết 25/NQ-CP, ứng với kịch bản GDP đạt 8%, nhưng đây vẫn là một kết quả khá khả quan nếu nhìn vào bức tranh kinh tế thế giới với nhiều bất ổn hiện nay.
PV: Qua những số liệu này, ông thấy những động thái đáng chú ý nào từ các động lực tăng trưởng?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Có thể thấy, tăng trưởng GDP quý I/2025 của Việt Nam được hỗ trợ bởi cả 2 yếu tố cung và cầu. Chúng ta thấy sự tăng trưởng ở cả ba khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,74%; công nghiệp và xây dựng đạt 7,42% và dịch vụ đạt 7,7%.
Về phía cung, có sự tăng tốc mạnh mẽ của hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo kể từ tháng 2/2025. Ngành xây dựng cũng có mức tăng trưởng khá tốt do đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thu ngân sách nhà nước cũng có sự tăng trưởng ấn tượng.
Về phía cầu, đầu tư công được tích cực giải ngân từ đầu năm. Thu hút FDI có nhiều tín hiệu tích cực với cả vốn đăng ký và giải ngân đều tăng. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh ở cả hàng hóa và dịch vụ. Bên cạnh đó, có thể nhìn thấy dấu hiệu tích cực trong những động thái về cải cách của Chính phủ. Điều này thể hiện rõ qua tăng trưởng tín dụng của quý I là tương đối tích cực so với mấy năm trước. Tăng trưởng tín dụng quý I đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước.
Chúng ta thấy quý I/2025 tăng trưởng tích cực, nhưng dự báo sang quý II sẽ gặp rất nhiều thách thức khi môi trường thương mại toàn cầu xáo trộn do các biện pháp thuế quan. Tăng trưởng lúc này sẽ phụ thuộc vào các động lực cải cách trong nước. Nếu các động lực cải cách trong nước mạnh mẽ hơn để bù đắp được những thiệt hại của quý II thì sẽ duy trì được tăng trưởng tốt.
PV: ADB dự báo thế nào về tăng trưởng của Việt Nam 2025, thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á vừa được ADB công bố, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2025 và năm sau. Tuy nhiên, thuế quan của Hoa Kỳ cùng những bất ổn toàn cầu đang tiếp diễn, có thể đặt ra các thách thức đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay.
Tăng trưởng của Việt Nam được ADB dự báo sẽ duy trì vững chắc, dự kiến sẽ ở mức 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026. Lạm phát được dự báo tăng nhẹ ở mức 4% trong năm 2025 và 4,2% trong năm 2026. Cần lưu ý là các dự báo này chưa tính đến ảnh hưởng có thể xảy ra khi các biện pháp thuế quan có hiệu lực. Đây là đánh giá thận trọng so với mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ. Mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ mang tính định hướng, đi kèm với đó là các biện pháp để đạt mục tiêu này. Đó là điểm rất tích cực, nhưng để thể hiện qua con số thì còn phụ thuộc vào tính hiệu quả của việc thực thi các biện pháp của Chính phủ. Việc ADB đưa ra dự báo tăng trưởng 6,6% cho thấy Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để tiếp tục các biện pháp kích thích tăng trưởng để đạt mục tiêu 8% đã đề ra.
PV: Vậy khuyến nghị chính sách cho Việt Nam trong quý tới và trong năm 2025 sẽ là gì, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Trong bối cảnh triển vọng kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trên, các biện pháp tài khóa, trong đó đầu tư công sẽ là biện pháp chủ yếu để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng.
Về định hướng chính sách của Chính phủ là đúng hướng, trong đó đẩy mạnh đầu tư công, tăng đầu tư vào hạ tầng, công nghệ là đúng hướng. Do đó, việc thực hiện hiệu quả các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ tăng trưởng, gồm đầu tư công và các biện pháp tăng chi tiêu tài khóa như hỗ trợ đào tạo việc làm, trợ cấp xã hội sẽ là biện pháp trọng yếu nhằm duy trì tăng trưởng và tăng sức chống chịu của nền kinh tế.
Trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 16% để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng cần gắn liền với nhu cầu tín dụng của nền kinh tế thực để hạn chế áp lực lạm phát và gia tăng các khoản nợ xấu. Do đó, việc phối hợp chặt chẽ các chính sách tiền tệ và tài khóa là một việc làm hết sức quan trọng.
Chính phủ Việt Nam đã đặt ra kế hoạch đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, điều này có thể giúp giảm thiểu đáng kể những rủi ro từ bên ngoài. Tăng trưởng kinh tế có thể đạt cao hơn và bền vững nếu các nỗ lực cải cách thể chế toàn diện thời gian qua được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Những cải cách này sẽ kích thích nhu cầu trong nước, tăng hiệu quả quản lý nhà nước trong ngắn hạn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong trung và dài hạn.
Cải cách thể chế toàn diện gần đây và nỗ lực tăng cường hiệu quả được xem là những bước đi tích cực để tinh gọn hoạt động của Chính phủ và thúc đẩy phát triển kinh tế. Nếu thành công, những cải cách này có thể tăng cường hiệu quả bằng cách cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện dịch vụ công, mở ra những cơ hội tăng trưởng mới và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tận dụng các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu
“Việt Nam đã ký kết một loạt FTA với mạng lưới đối tác rộng khắp. Do đó, Việt Nam đối phó với thách thức thuế quan trong tâm thế vững chắc. Việt Nam có thể tận dụng những FTA hiện có để mở rộng thị trường xuất khẩu của mình” - Ông Nguyễn Bá Hùng chia sẻ.