Kinh tế Việt Nam: Cơ hội để thay đổi mạnh mẽ

Năm 2025, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng có bước tiến mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 8%.

Việt Nam cần thúc đẩy động lực phát triển bền vững của nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới. (Nguồn: Vneconomy)

Việt Nam cần thúc đẩy động lực phát triển bền vững của nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới. (Nguồn: Vneconomy)

Tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” diễn ra gần đây, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2024 có nhiều điểm sáng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN.

Nổi bật trong bức tranh đó là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục ghi dấu ấn. Trong cả năm 2024, vốn thực hiện của các dự án FDI ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế đến ngày 31/12, cả nước có 42.002 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 502,8 tỷ USD.

Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 của Việt Nam lên con số kỷ lục 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, nhập khẩu 380,76 tỷ USD, tăng 16,7%.

Những “cơn gió ngược”

Từ nền tảng tăng trưởng vững chắc năm 2024, bước sang năm 2025, các dự báo về kinh tế Việt Nam đều cho thấy sự đồng thuận về tiềm năng phát triển của nền kinh tế.

Chia sẻ với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR nhận thấy, trong năm nay, nền kinh tế được “tiếp sức” bởi những động lực quan trọng như đầu tư công, đầu tư tư nhân, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Dẫu vậy, nền kinh tế đối diện không ít rủi ro và những “cơn gió ngược” tiềm ẩn. Đơn cử như biến động của kinh tế toàn cầu, xu hướng bảo hộ thương mại từ Mỹ và các nền kinh tế lớn có thể tạo áp lực lên đà tăng trưởng của đất nước hình chữ S.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, lạm phát cơ bản năm 2024 tăng 2,71% so với 2023, dưới ngưỡng Quốc hội cho phép. Nhưng áp lực từ giá dầu, biến động giá hàng hóa toàn cầu và tỷ giá hối đoái có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu và sức mua trong nước trong thời gian tới. Các xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt có nguy cơ làm phân mảnh nền kinh tế thế giới và tác động đến những quốc gia có độ mở kinh tế cao như Việt Nam.

Nhìn xa hơn, trong dài hạn, biến đổi khí hậu và tình trạng già hóa dân số nhanh chóng nổi lên như những thách thức lớn đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng phát triển bền vững của Việt Nam.

Hóa giải thách thức

Đương nhiên, trong nguy có cơ. Phó Viện trưởng VEPR khẳng định, đồng USD suy yếu và chính sách giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ góp phần hỗ trợ kinh tế vĩ mô, thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng hóa vào Mỹ. Không chỉ thế, Việt Nam có thể tận dụng chính sách thương mại mới của nền kinh tế lớn nhất thế giới để nâng vị thế cạnh tranh toàn cầu.

Để vượt những “cơn gió ngược”, TS. Nguyễn Quốc Việt nhận thấy, Việt Nam ổn định vĩ mô gắn với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn, tránh tư duy nóng vội, chủ quan. Các chính sách vĩ mô cần được ban hành một cách cẩn trọng, có đánh giá tác động đa chiều và lộ trình cụ thể.

Song song với đó là việc cải cách và tinh gọn bộ máy nhà nước hướng tới hệ thống thể chế và quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ. Đồng thời, thúc đẩy động lực phát triển bền vững của nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới, gắn với xu hướng thương mại - đầu tư toàn cầu.

Với những rủi ro ngắn hạn, bảo đảm dư địa chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô để hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và các nhóm đối tượng dễ tổn thương.

Trong trung hạn, phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh; thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững.

Trong dài hạn, xây dựng chiến lược và thực hiện các chính sách phát triển có mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời bảo đảm việc giải ngân đầu tư công một cách có hiệu quả.

“Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra điểm nghẽn về thể chế và thể hiện quyết tâm cải cách, tinh gọn bộ máy, đưa đất nước đứng trước cơ hội thay đổi mạnh mẽ. Nếu làm tốt, có lộ trình phù hợp, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao cho giai đoạn 5 năm hay 10 năm sau nữa”. TS. Nguyễn Quốc Việt

Cần có chiến lược đột phá

Công điện số 137/CĐ-TTg về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 ban hành ngày 20/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thủ tướng yêu cầu ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt hơn 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao).

Nhận định về mục tiêu này, TS. Nguyễn Quốc Việt đánh giá là khá thách thức. Muốn đạt được mức tăng này, bên cạnh việc thúc đẩy xuất nhập khẩu, đầu tư công, việc kích hoạt đầu tư tư nhân, tạo niềm tin để doanh nghiệp trong nước mở rộng hoạt động là cần thiết. Cùng với đó là thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước, chỉ giảm thuế là chưa đủ. Cải cách nhanh chính sách thuế thu nhập cá nhân sẽ mang tính động viên và cũng góp phần thúc đẩy chi tiêu của người dân. Từ đó, sẽ làm gia tăng vòng quay sản xuất của doanh nghiệp.

Về phía Chính phủ, có chiến lược đột phá, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, giảm mạnh chi phí đầu vào cũng như chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Việc gia tăng đầu tư công vào lĩnh vực hạ tầng giao thông cũng là một trong những hoạt động có thể kéo chi phí logistics giảm, giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

“Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra điểm nghẽn về thể chế và thể hiện quyết tâm cải cách, tinh gọn bộ máy, đưa đất nước đứng trước cơ hội để thay đổi mạnh mẽ. Nếu làm tốt, có lộ trình phù hợp, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao cho giai đoạn 5 năm hay 10 năm sau nữa”, TS. Nguyễn Quốc Việt tin tưởng.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện đại. Vì vậy, năm 2025, cả nước phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn năm 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì mục tiêu này mới trở thành hiện thực.

“Thách thức không phải không có nhưng với quyết tâm của Đảng và Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị thì Việt Nam sẽ đạt mục tiêu đề ra. Như Tổng Bí thư đã nói, chúng ta sẽ bước vào kỷ nguyên mới. Điều này rất khả thi nếu chúng ta quyết tâm triển khai thực hiện”, TS. Cấn Văn Lực khẳng định.

Theo đó, ông đưa ra ba đề xuất: Thứ nhất, quyết tâm cao thực hiện một cách nhanh, gọn và hiệu quả hai chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước là đột phá về thể chế và cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi chúng ta cải cách tốt về thể chế, tăng trưởng kinh tế sẽ rất tích cực.

Thứ hai, phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng mới đến từ những lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Thứ ba, chú trọng phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh bên ngoài có rất nhiều thách thức, rủi ro về địa chính trị còn cao, căng thẳng thương mại có nguy cơ leo thang, kéo theo xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng trên toàn cầu.

Nền tảng tăng trưởng kinh tế của năm 2024 đã có. Năm nay, cả hệ thống chính quyền, người dân và doanh nghiệp Việt Nam cùng tăng tốc, bứt phá, gặt hái thêm nhiều thành tựu mới để đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-viet-nam-co-hoi-de-thay-doi-manh-me-300280.html
Zalo