Kinh tế tuần hoàn trong tầm tay

Năm 2025 không chỉ là năm Chính phủ quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng cao, mà còn là năm thúc đẩy mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo đảm an ninh, an toàn để thúc đẩy phát triển, theo Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

TS Tạ Đình Thi (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đã chia sẻ với PV Báo SGGP về nội dung này.

PHÓNG VIÊN: Việt Nam hiện có thứ hạng không cao về hạ tầng kinh tế xanh, dù chúng ta đang rất nỗ lực theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bền vững. Ông có bình luận gì?

TS TẠ ĐÌNH THI: Thật khó có thể đo lường một cách chính xác về trình độ hay mức độ phát triển kinh tế xanh. Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế, một số quốc gia đã nỗ lực làm điều này. Ví dụ như theo báo cáo Chỉ số Kinh tế xanh toàn cầu năm 2024, về kinh tế xanh, Việt Nam xếp thứ 79/160 quốc gia.

Theo ấn bản năm 2023 của Chỉ số Tương lai xanh, Việt Nam xếp thứ 53/76 nền kinh tế và thứ 9/16 nền kinh tế ở châu Á. Việt Nam đứng giữa trong các hạng mục chuyển đổi năng lượng, nhưng theo báo cáo của PricewaterhouseCoopers (PwC), chúng ta thuộc nhóm các nền kinh tế có sự chuyển biến chậm trong quá trình giảm cường độ phát thải carbon và còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.

Về cơ sở hạ tầng kinh tế xanh, Việt Nam hiện đứng thứ 94 trong số 160 quốc gia. Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển kinh tế xanh nhưng tốc độ phát triển hạ tầng xanh không cao sẽ là thách thức lớn trong việc duy trì thương mại và đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài thời gian tới.

 Nhân viên Công ty Vinamilk vận hành dây chuyền sản xuất và đóng gói sản phẩm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhân viên Công ty Vinamilk vận hành dây chuyền sản xuất và đóng gói sản phẩm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Những ngành kinh tế nào có tiềm năng lớn trong chuyển đổi sang kinh tế xanh và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng, theo ông?

Một lĩnh vực “nâu” ở nước ta còn nhiều dư địa chuyển đổi xanh là năng lượng truyền thống, khi sản xuất điện từ than đá và dầu mỏ thải ra lượng lớn khí CO2 và các chất ô nhiễm khác. Dù chúng ta đang chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, nhưng tỷ trọng năng lượng “nâu” còn lớn, khi việc gia tăng nhanh chóng các phương tiện giao thông chạy xăng, dầu diesel, nhất là ở Hà Nội và TPHCM, đã và đang làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, là một ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng dệt may đang sử dụng nhiều nước, năng lượng và hóa chất. Ngành xi măng cũng đang thải ra một lượng lớn CO2; trong khi hoạt động trồng lúa nước và chăn nuôi cũng gây áp lực không nhỏ lên môi trường. Dù còn rất nhiều việc phải làm trước mắt, nhưng với vị trí tốp 20 các nước châu Á, Việt Nam đang rất tích cực thúc đẩy chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và định hướng phát triển xanh tại Việt Nam, song vì sao tỷ trọng xanh vẫn chưa như mong muốn?

Chúng ta đã đi qua một hành trình dài về môi trường và phát triển bền vững, kể từ Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển năm 1992 đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhưng tỷ trọng xanh vẫn thấp do nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên, cơ sở hạ tầng xanh đang trong giai đoạn hình thành, chưa đầy đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Thứ hai, việc chuyển đổi xanh đòi hỏi đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, trong khi nguồn lực tài chính trong nước hạn chế. Thời gian thực hiện các chiến lược, chính sách còn quá ngắn để có thể tạo những chuyển biến đột phá. Từ Chiến lược tăng trưởng xanh năm 2012 đến nay, Việt Nam mới có hơn 10 năm triển khai, trong khi Đức, Đan Mạch… đã đầu tư liên tục trong hàng chục năm qua.

Nhiều ý kiến cho rằng nguồn vốn xanh trên thị trường quốc tế khá dồi dào, nhưng chúng ta chưa tận dụng được?

Tại diễn đàn về kinh tế tuần hoàn được tổ chức gần đây, phía ngân hàng có chia sẻ là dư địa cho vốn xanh còn rất nhiều, tuy nhiên họ chưa gặp được các chủ đầu tư cũng như những dự án được thiết kế, xây dựng đúng, đủ tiêu chuẩn. Vì thế, cùng với việc huy động nguồn vốn tài chính xanh, phát hành trái phiếu xanh, chúng ta nên thúc đẩy công tác giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về lợi ích của kinh tế xanh và gia tăng đào tạo nguồn nhân lực.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế cũng hết sức cần thiết, nhất là nên xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống giám sát và đánh giá, gồm: xây dựng hệ thống chỉ tiêu xanh; giám sát phát thải, công khai thông tin để cộng đồng và doanh nghiệp cùng giám sát.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp Việt Nam tận dụng hiệu quả nguồn vốn xanh từ thị trường quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Theo ông, đâu là những nhiệm vụ trọng tâm nên tập trung thực hiện?

Trong năm 2025 và những năm tới, chúng ta nên tập trung hoàn thiện thể chế để tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn hiện nay nhằm khơi thông dư địa phát triển; kiến tạo những không gian, lĩnh vực phát triển mới, nhất là xem xét chú trọng một số lĩnh vực có tiềm năng lớn, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xanh.

Đó là phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh (xây dựng mạng lưới xe buýt điện, đường sắt đô thị, khuyến khích phương tiện giao thông không phát thải như xe đạp, xe điện); xây dựng công trình xanh (sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, tích hợp công nghệ tiết kiệm năng lượng trong xây dựng); hoàn thiện hệ thống quản lý chất thải (xây dựng cơ sở xử lý rác thải hiện đại, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để tái sử dụng tài nguyên).

Kinh tế tuần hoàn đơn giản là chuyển đổi từ mô hình “sản xuất - tiêu thụ - thải bỏ” sang “giảm tiêu thụ - tái sử dụng - tái chế” giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm áp lực môi trường. Muốn vậy, nên giúp người dân nâng cao nhận thức và thực hiện tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, phát triển thiết kế sinh thái và nhãn hiệu sinh thái.

ANH THƯ thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kinh-te-tuan-hoan-trong-tam-tay-post776051.html
Zalo