Kinh tế tư nhân vươn mình
Chủ trương của Đảng, hành động quyết liệt của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) đang tạo nên một luồng sinh khí mới cho bức tranh kinh tế đất nước. KTTN không chỉ là những mục tiêu cụ thể qua các giai đoạn mà chính là sự khơi dậy mạnh mẽ hào khí, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng cháy bỏng phát triển đất nước của mọi người dân, mọi thành phần kinh tế.
Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới, KTTN chỉ giữ vai trò thứ yếu, nền kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì trong 2 thập niên trở lại đây, nhất là khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 năm 2011 và Trung ương ban hành Nghị quyết 10 năm 2017 về phát triển KTTN, khu vực kinh tế này đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Với gần 1 triệu doanh nghiệp (DN), khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực KTTN hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.
Tại Hội nghị toàn quốc ngày 18/5 do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức nhằm quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nêu ra một số kết quả nổi bật về phát triển KTTN như số lượng DN thành lập tăng mạnh (từ khoảng 5.000 DN năm 1990 lên 50.000 DN vào năm 2000 và 200.000 DN vào năm 2005). Đến nay đã có gần 1 triệu DN tư nhân hoạt động trong nền kinh tế của đất nước. KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTN đạt khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế.
Khu vực KTTN tạo việc làm, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt ở vùng nông thôn, địa bàn khó khăn. Trong giai đoạn 2017-2024, khu vực KTTN sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế. Tỷ trọng vốn đầu tư của KTTN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh (từ 44% năm 2010 lên 56% năm 2024), đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách và khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Thủ tướng cũng nêu ra 5 nội dung quan trọng được đúc kết thành bài học kinh nghiệm phát triển KTTN. Một trong 5 nội dung đó là nâng cao vai trò kiến tạo, dẫn dắt của Nhà nước, tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xây dựng thể chế và tổ chức thực hiện, có cơ chế, chính sách đột phá, xóa bỏ mọi rào cản, tư duy "không quản được thì cấm" để phát triển KTTN.
Có thể thấy rằng KTTN góp phần quan trọng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh trong giai đoạn hiện nay, khi cả dân tộc cùng đồng sức đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng vượt qua mọi khó khăn thách thức trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.