Kinh tế tư nhân và cuộc 'cách mạng' kép - Tăng trưởng về lượng, nâng tầm về chất (Bài 4)

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị ra đời trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước yêu cầu bứt phá để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, việc khẳng định vai trò trung tâm, then chốt của khu vực kinh tế tư nhân không còn dừng lại ở các tuyên bố chung chung, mà được cụ thể hóa bằng những mục tiêu rõ ràng.

Nghị quyết 68 đánh dấu sự thay đổi căn bản khi xác định rõ mốc thời gian, số lượng và tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế của khu vực kinh tế tư nhân. Đây được xem là cuộc “cách mạng kép”, thể hiện khát vọng phát triển cả về quy mô và chất lượng của doanh nghiệp (DN) tư nhân Việt Nam.

Lượng hóa mục tiêu là một bước ngoặt chính sách

Cụ thể, đến năm 2030, khu vực kinh tế tư nhân được kỳ vọng trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân, đi đầu trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Xa hơn, đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 3 triệu DN tư nhân hoạt động hiệu quả, đóng góp trên 60% GDP.

Đây là một bước đột phá về tư duy và phương pháp tiếp cận. Tuy nhiên, để hiện thực hóa “tham vọng” 3 triệu DN vào năm 2045, điều quan trọng là triển khai chính sách một cách thực chất và đồng bộ. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến nhóm DN siêu nhỏ và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể - những lực lượng đang hoạt động sôi nổi nhưng chưa được tích hợp đầy đủ vào hệ sinh thái DN chính thức.

Trước tiên, theo chuyên gia kinh tế PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, cần xây dựng các chính sách đặc thù, đủ mạnh và có tính phân tầng, phân loại đối với nhóm này. Một trong những bước đi tất yếu là rà soát và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh cá thể, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi thành DN. Việc thu hẹp chênh lệch về thủ tục hành chính, quản trị, chế độ tài chính - kế toán giữa hộ kinh doanh và DN chính thức sẽ khuyến khích hàng triệu hộ mạnh dạn “lên đời”.

Bên cạnh đó, việc cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán, dịch vụ tư vấn pháp lý và đào tạo về quản trị, nhân sự, thuế sẽ là đòn bẩy quan trọng, giúp các DN siêu nhỏ vượt qua rào cản về chi phí và năng lực vận hành. Đặc biệt, lộ trình xóa bỏ hình thức thuế khoán cho hộ kinh doanh chậm nhất vào năm 2026 sẽ tạo ra bước ngoặt về chất, góp phần minh bạch hóa môi trường kinh doanh và nâng cao tính chuyên nghiệp của khu vực tư nhân.

Không chỉ vậy, để đạt mục tiêu về số lượng, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác ươm tạo DN mới. Công tác này không nên giới hạn trong các trung tâm khởi nghiệp mà cần mở rộng sang nhiều nguồn lực xã hội khác, như sinh viên, nông dân hiện đại, trí thức và đặc biệt là lực lượng lao động sau tinh giản biên chế - những người có kiến thức pháp luật, kỹ năng điều hành và mạng lưới quan hệ thực tiễn, hoàn toàn có thể trở thành lớp doanh nhân mới nếu được hỗ trợ bằng các chương trình khởi nghiệp riêng biệt.

Nâng tầm mạnh mẽ về “chất”

Việc đặt mục tiêu có 3 triệu DN là cần thiết, nhưng sẽ không có ý nghĩa nếu phần lớn trong số đó hoạt động kém hiệu quả, năng suất thấp hoặc không thể trụ vững trước biến động thị trường. Do đó, Nghị quyết 68 không chỉ dừng lại ở số lượng, mà còn đưa ra những yêu cầu cụ thể để nâng cao chất lượng của khu vực kinh tế tư nhân.

Một trong những mục tiêu quan trọng là đến năm 2045 phải có ít nhất 20 tập đoàn tư nhân có năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, đây là bước ngoặt trong tư duy chính sách: từ việc tập trung vào “phổ rộng” chuyển sang chú trọng “điểm nhấn” - hình thành các DN đầu đàn - các “đại bàng” nội địa đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

Không chỉ vậy, việc hình thành các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị do DN trong nước chủ trì cũng là một điểm nhấn quan trọng. Đây là điều kiện cần để khu vực tư nhân Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu - thay vì chỉ dừng lại ở vai trò gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp như hiện nay.

“Để đạt được mục tiêu này, cần có cơ chế hỗ trợ chuyên biệt cho các DN có tiềm năng trở thành tập đoàn lớn. Điều này bao gồm cả ưu đãi tài chính, tín dụng, hạ tầng, nhân lực, nhưng quan trọng hơn là tạo ra một thể chế linh hoạt, ổn định và đủ niềm tin để họ mạnh dạn đầu tư dài hạn”, PGS-TS. Thịnh nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của DN, bà Lã Thị Lan - Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) đề xuất cần triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, khi thu hút đầu tư FDI, cần đặt ra các điều kiện ràng buộc với họ về liên kết với DN trong nước, chuyển giao công nghệ, giúp DN nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Ngoài ra, chất lượng DN còn thể hiện ở năng lực đổi mới sáng tạo, năng suất lao động và khả năng chống chịu rủi ro. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng, việc xây dựng một thế hệ DN có khả năng thích ứng linh hoạt, tái cấu trúc nhanh chóng là yêu cầu bắt buộc. Đây không chỉ là bài toán về quản trị nội bộ, mà còn liên quan đến năng lực kết nối, chia sẻ dữ liệu và sử dụng công nghệ số để tối ưu hóa vận hành.

Ông Đinh Hồng Kỳ - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM:
Nếu muốn kinh tế tư nhân cất cánh, thì cần hoàn thiện thể chế theo hướng thị trường thật sự - trong đó quyền sở hữu, quyền cạnh tranh bình đẳng và quyền được tự do kinh doanh phải được luật hóa rõ ràng. Khi ấy, Việt Nam sẽ hy vọng thuyết phục được các đối tác lớn công nhận là nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh. Đồng thời, một thể chế thị trường minh bạch, cạnh tranh và ổn định sẽ là nền tảng để DN tư nhân Việt Nam bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu - điều mà các FTA như EVFTA, CPTPP hay RCEP vẫn đang để ngỏ mà chúng ta chưa khai thác hiệu quả.

Ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM:
Để DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh tự tin “lên đời”, Nghị quyết 68 cần đi vào thực tế và phát huy hiệu quả ngay lập tức, cần rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục để DN dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, thiết lập cơ chế phản hồi linh hoạt từ DN như một “vòng lặp chính sách” là điều cần thiết nhằm liên tục điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn.

Hưng Khánh

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/kinh-te-tu-nhan-va-cuoc-cach-mang-kep-tang-truong-ve-luong-nang-tam-ve-chat-bai-4-317727.html
Zalo