Kinh tế tư nhân trước cơ hội 'cất cánh'

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) với nhiều điểm mới đột phá được đánh giá là đem đến cú hích lớn để khu vực kinh tế này có thể phát triển bứt tốc trong thời gian tới.

Nghị quyết số 68-NQ/TW đưa ra nhiều điểm mới đột phá để thúc đẩy KTTN phát triển. Ảnh minh họa: S.T

Nghị quyết số 68-NQ/TW đưa ra nhiều điểm mới đột phá để thúc đẩy KTTN phát triển. Ảnh minh họa: S.T

Nhận diện điểm nghẽn để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Chia sẻ tại Tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68”, ý kiến của các đại biểu cho biết KTTN đã có những bước phát triển và đạt được những thành tựu rất quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước. Nhưng lịch sử đã có những khúc quanh khiến cho KTTN đã gần như trở về con số “0” trong khoảng thời gian đầu thập niên 80, khi đất nước lâm vào khó khăn, khủng hoảng. Và rồi, chính tình trạng khó khăn khi đó đã thôi thúc, mở ra quá trình Đổi mới mà trong đó, KTTN dần tìm lại được vị thế, vai trò và tiếng nói của mình.

Giờ đây, KTTN đã hiện diện trên hầu khắp các ngành, lĩnh vực kinh tế và đóng góp vô cùng to lớn cho nền kinh tế quốc dân. Với lực lượng khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp (DN) và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, khu vực KTTN hiện đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động trong nền kinh tế. Đây cũng là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều DN tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới...

Bên cạnh những điểm tích cực, theo PGS,TS. Trần Quốc Toản - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhìn vào thực tiễn phát triển thời gian qua có thể thấy KTTN vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế đất nước…

Những nguyên nhân chính được chỉ ra là do nhìn nhận chưa đầy đủ, toàn diện về vai trò của KTTN; thể chế, chính sách và bộ máy thực thi còn nhiều điểm nghẽn, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; bản thân khu vực KTTN vẫn còn nhiều điểm yếu nội tại, năng lực, tiềm lực còn hạn chế...

Từ thực trạng đó, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển KTTN. Theo đó, Nghị quyết đã nhận diện đầy đủ những “rào cản” đang kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế này, từ đó đề ra những giải pháp tháo gỡ.

Đặc biệt, Nghị quyết đã thể hiện sự chuyển biến căn bản trong việc nhìn nhận, đánh giá về vai trò của KTTN, khi xác định KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, điều mà trước đây còn nhiều tranh luận.

Với việc xác định KTTN là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, theo ông Toản, vấn đề còn lại là cần thiết kế chính sách hỗ trợ hiệu quả để thúc đẩy khu vực kinh tế này phát triển.

Theo đó, KTTN không phát triển mạnh nếu không giải được các bài toán lớn như: khó khăn trong tiếp cận đất đai; tiếp cận tín dụng còn hạn chế; thiếu lực đẩy đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; sự liên kết chuỗi còn rời rạc… Đồng thời, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu tối đa các thủ tục rườm rà gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh…

Chia sẻ thêm ý kiến, PGS,TS. Nghiêm Thị Thà - Tổng Thư ký Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) - cho rằng, để thúc đẩy khu vực KTTN phát triển bền vững, việc khơi thông các dòng vốn cả ngắn hạn và dài hạn là một trong những vấn đề then chốt.

Cụ thể, về nguồn vốn ngắn hạn, khu vực KTTN đang chiếm khoảng 50% tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng, tương đương gần 7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, các DN nhỏ và vừa vẫn phải chịu mức lãi suất vay thương mại dao động 9% – 11%/năm, cao hơn mặt bằng chung trong khu vực ASEAN (6% – 7%/năm). Do vậy, cần nhiều giải pháp để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, từ đó hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Ở góc độ vốn dài hạn, khu vực tư nhân Việt Nam mới chỉ huy động được khoảng 13% vốn qua thị trường chứng khoán – con số khiêm tốn so với mức 40% - 60% ở các nước phát triển. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam cũng còn ít, chỉ khoảng 30 quỹ đang hoạt động và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ, trong khi các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, logistics… vẫn “khát vốn”.

Cũng theo bà Thà, việc huy động vốn cho khu vực KTTN hiện còn vướng nhiều điểm nghẽn, là bởi sự thiếu đa dạng về kênh huy động vốn, khi phần lớn vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng; hệ thống pháp lý liên quan đến tài chính và đầu tư tư nhân còn thiếu đồng bộ, đặc biệt chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân. Ngoài ra, chính sách khuyến khích đầu tư tài chính dài hạn và vốn mạo hiểm chưa đủ hấp dẫn; đồng thời việc thiếu các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và công cụ đánh giá năng lực tài chính cũng khiến các DN tư nhân khó tạo được niềm tin với nhà đầu tư…

“Trong bối cảnh Nghị quyết 68-NQ/TW đã xác định KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế, thì khơi thông các dòng vốn cho khu vực này không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà còn là chiến lược then chốt để phát triển kinh tế quốc gia trong giai đoạn mới” - bà Thà nói.

Nghị quyết 68-NQ/TW đặt mục tiêu, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân của KTTN đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động.

Các chuyên gia trao đổi tại Tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68” do Tạp chí Đầu tư Tài chính (VietnamFinance) tổ chức, ngày 13/5. Ảnh: D.T

Các chuyên gia trao đổi tại Tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68” do Tạp chí Đầu tư Tài chính (VietnamFinance) tổ chức, ngày 13/5. Ảnh: D.T

Tư duy nhân văn trong xử lý vi phạm kinh tế

Một những điểm mới đột phá nữa của Nghị quyết số 68-NQ/TW cũng được cộng đồng DN và giới chuyên gia đánh giá cao, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw đó là Nghị quyết đã bổ sung các biện pháp chế tài ở cả ba lĩnh vực: dân sự, hành chính và hình sự.

Cụ thể, nếu DN hoặc doanh nhân có sai phạm về kinh tế, có thể xem xét xử lý bằng các biện pháp hành chính hoặc tài chính, tạo điều kiện để họ khắc phục hậu quả thay vì áp dụng ngay biện pháp hình sự. Đặc biệt, với những trường hợp có thể xử lý hình sự nhưng hậu quả đã được khắc phục, Nghị quyết cho phép xem xét không khởi tố hình sự.

“Đây là bước tiến mang tính nhân văn, bởi trên thực tế, nhiều sai phạm kinh tế của DN – nhất là doanh nhân tư nhân – khi bị hình sự hóa sẽ kéo theo sự sụp đổ của cả DN. Việc cho phép DN sửa sai, khắc phục hậu quả rồi mới xem xét xử lý trách nhiệm tiếp theo là hướng đi rất đáng chú ý” – ông Hà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Hà cũng cho biết, trong các vụ án hình sự hiện nay, nếu bị cáo chủ động khắc phục thiệt hại, cơ quan tố tụng có thể cân nhắc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Do đó, câu hỏi đặt ra là nếu hậu quả được khắc phục hoàn toàn thì có nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Đây là vấn đề cần được làm rõ và thể chế hóa trong các văn bản pháp luật sắp tới.

Một vấn đề nữa đáng lưu ý, theo ông Hà đó là vấn đề nợ đọng. Thực tế việc thu hồi công nợ, đặc biệt là các khoản nợ nhỏ, đang gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, DN bị nợ 100 triệu đồng nhưng nếu thuê luật sư, chi phí có thể lên đến 70 triệu đồng, chưa kể phí thi hành án và các chi phí khác.

Trong bối cảnh đó, cần nghiên cứu áp dụng thủ tục rút gọn – vốn đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự – cho các khoản nợ dưới 100 triệu đồng. Nếu thực hiện tốt, chỉ trong khoảng 1 tháng, vụ việc có thể được giải quyết dứt điểm.

Mặt khác, sau khi bỏ quy định về đòi nợ thuê, DN gần như không còn công cụ pháp lý phù hợp để thu hồi những khoản nợ nhỏ, dẫn đến tâm lý chấp nhận bỏ qua. Đây là một trong những điểm yếu mà Nghị quyết số 68-NQ/TW đã nhận diện và hướng tới cải cách để hỗ trợ DN.

Ông Hà cũng đề cập đến tình huống phổ biến là DN tư nhân bị nợ bởi các cơ quan nhà nước hoặc DN nhà nước nhưng rất khó kiện, bởi nếu khởi kiện thì có thể ảnh hưởng đến việc xét thầu trong tương lai.

“Muốn văn minh thì phải chấp nhận đưa nhau ra tòa và điều đó không thể là lý do để DN bị loại khỏi các gói thầu tiếp theo” - ông Hà nói và cho rằng cần có thêm cải cách để bảo vệ DN tư nhân trong các mối quan hệ yếu thế với các cơ quan nhà nước./.

TUẤN MINH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kinh-te-tu-nhan-truoc-co-hoi-cat-canh-40238.html
Zalo