Đánh giá cán bộ, công chức theo KPI: Cần cơ chế đề bạt người đạt chỉ tiêu vượt trội

Khẳng định đánh giá cán bộ, công chức theo chỉ số đánh giá hiệu suất công việc (KPI) là một định hướng đúng, nhưng đại biểu cho rằng, KPI phải gắn với đặc thù của vị trí việc làm và hành trình phát triển nghề nghiệp của công chức.

Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 14/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến, đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên) đánh giá cao khi lần sửa đổi này đã bổ sung thêm tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc thông qua số lượng, chất lượng và tiến độ của sản phẩm theo vị trí việc làm.

 Đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên). Ảnh: Như Ý

Đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên). Ảnh: Như Ý

Theo bà, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến tới xây dựng đội ngũ công chức chất lượng cao và có trách nhiệm. Tuy nhiên, để điểm mới này thật sự đi vào cuộc sống, đại biểu đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết các nội dung liên quan.

"Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua các kỳ thi hình thức. Người tài trong công vụ cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, qua khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp, và đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công. Muốn thu hút và giữ chân người tài, không chỉ là ưu đãi về tiền lương. Điều quan trọng hơn là trao cho họ cơ hội được cống hiến, được tin tưởng và được trọng dụng”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu.

Trong đó, bà Xuân lưu ý làm rõ tiêu chí về đạo đức công vụ và kết quả công việc. Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để đưa vào ứng dụng chỉ số KPI – chỉ số đánh giá hiệu suất công việc vốn được áp dụng thành công từ lâu ở khu vực tư, để áp dụng vào khu vực công.

Nhấn mạnh đây là một định hướng đúng, nhưng đại biểu cho rằng, KPI phải gắn với đặc thù của vị trí việc làm và hành trình phát triển nghề nghiệp của công chức.

Cũng theo đại biểu đoàn Phú Yên, khu vực công khác doanh nghiệp ở chỗ có rất nhiều vị trí việc làm có đặc điểm, cách thức tổ chức thực hiện khác nhau. Nếu chỉ dùng KPI để chấm điểm theo quý, theo năm, sẽ rất khó khích lệ người dám làm, dám theo đuổi, dám chịu trách nhiệm.

“Vì vậy, KPI cần được thiết kế như tấm bản đồ phát triển, giúp cán bộ nhìn thấy con đường tiến bộ của mình: Cần học gì, thiếu kỹ năng gì, cơ hội phát triển ở đâu? Chỉ khi KPI trở thành công cụ phát triển nghề nghiệp thay vì “thẻ điểm hành chính”, chúng ta mới khơi dậy được tinh thần đổi mới, sáng tạo”, đại biểu Xuân cho hay.

Bên cạnh đó, bà Xuân cũng cho rằng, nếu đánh giá cán bộ, công chức xong mà không ai được thưởng, không ai bị ảnh hưởng, thì KPI chỉ là hình thức. Ngược lại, nếu người đạt chỉ tiêu vượt trội được đề bạt, được học tập, được khen thưởng kịp thời, đó mới là động lực thực sự.

Bổ sung thêm cơ chế giám sát chéo

Cùng mối quan tâm, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đánh giá, thực tế trong thời gian qua, việc đánh giá cán bộ, công chức vẫn được coi là khâu khó nhất để đánh giá đúng, trúng về chất lượng đội ngũ cán bộ.

 Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình). Ảnh: Như Ý

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình). Ảnh: Như Ý

Theo bà Ngọc, mặc dù đã có rất nhiều quy định chung về nội dung này, song thực tế triển khai vẫn không được như mong đợi. Vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm, tinh thần phê và tự phê của đội ngũ cán bộ, công chức đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả đánh giá.

“Nhiều cán bộ làm việc cầm chừng, chất lượng, hiệu quả công việc thấp, thiếu sự rèn luyện, nâng cao chất lượng trong việc giải quyết công vụ nhưng cuối năm tập thể, người đứng đầu vẫn không dám đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ”, đại biểu cho hay.

Từ thực tế trên, bà Ngọc cho rằng, để đánh giá được kết quả sản phẩm của cán bộ công chức được xuyên suốt, liên tục thì việc đánh giá phải được thực hiện liên tục theo quý, 6 tháng, 1 năm để tránh việc kiểm điểm trong 1 năm nhiều nhiệm vụ sẽ bị bỏ sót, lãng quên nhiệm vụ.

“Đề nghị bổ sung thêm cơ chế giám sát chéo, phản biện từ đồng nghiệp và người dân đảm bảo khách quan, toàn diện, hạn chế đánh giá cảm tính của người đứng đầu”, bà Ngọc cho hay.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) quan tâm đến quy định liên thông đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp xã đến cấp tỉnh và thống nhất một chế độ công vụ. Theo bà, đây là một bước tiến cải cách đúng hướng, cần thiết và rất đáng ủng hộ.

“Việc quy định cơ chế liên thông từ cấp xã đến cấp tỉnh và thống nhất chế độ công vụ trên toàn hệ thống hành chính nhà nước sẽ giải quyết tận gốc sự phân mảnh trong quản lý nhân sự khu vực công, đồng thời mở ra cơ hội phát triển bình đẳng cho cán bộ cấp xã trên cơ sở năng lực và kết quả công tác, thay vì bị rào cản bởi cấp hành chính”, bà Nga nhận định.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/danh-gia-can-bo-cong-chuc-theo-kpi-can-co-che-de-bat-nguoi-dat-chi-tieu-vuot-troi-post1742235.tpo
Zalo