Kinh tế Trung Quốc chưa kịp mừng đã lo

Kế hoạch áp thuế cao từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ là thách thức đối với đà tăng trưởng thương mại của Trung Quốc trong năm 2025

Số liệu thương mại của Trung Quốc trong tháng 12-2024 vượt xa kỳ vọng do các nhà xuất khẩu đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trước khi chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump có thể áp mức thuế quan mới.

Xuất khẩu trong năm 2024 của Trung Quốc tăng 5,9%, lên 3.580 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước đó - theo số liệu hải quan công bố hôm 13-1, một tuần trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức. Kim ngạch nhập khẩu năm 2024 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, lên 2.590 tỉ USD, dẫn đến thặng dư thương mại cao kỷ lục - 992,1 tỉ USD.

Riêng tháng 12-2024, xuất khẩu Trung Quốc tăng 10,7%, cao hơn mức tăng dự kiến 7,6% và vượt xa mức tăng trưởng 6,7% ghi nhận trong tháng 11-2024. Kim ngạch nhập khẩu vào tháng 12-2024 tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, tăng so với mức giảm 3,9% ghi nhận trong tháng 11-2024. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7-2024.

Theo số liệu hải quan, xuất khẩu xe điện và chất bán dẫn của Trung Quốc vào năm ngoái lần lượt tăng 13,1% và 18,7%.

Một tàu container khởi hành từ cảng TP Khâm Châu, khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây - Trung Quốc Ảnh: TÂN HOA XÃ

Một tàu container khởi hành từ cảng TP Khâm Châu, khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây - Trung Quốc Ảnh: TÂN HOA XÃ

Ông Wang Lingjun, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cho hay: "Trung Quốc đã củng cố vị thế là nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới".

Dù những số liệu trên rất lạc quan, song các nhà kinh tế cảnh báo mức thuế quan tiềm tàng mà ông Trump dọa áp đặt gần như chắc chắn sẽ làm tăng giá hàng hóa đối với người tiêu dùng Mỹ và cắt giảm biên lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Các nhà phân tích tại Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) ước tính mức thuế 60% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - như ông Trump nhiều lần tuyên bố - sẽ làm giảm 2,5 điểm % tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong 12 tháng tiếp theo.

Với thực tế đồng nhân dân tệ còn suy yếu, bà Zichun Huang, nhà kinh tế Trung Quốc tại Công ty nghiên cứu Capital Economics (Anh), suy đoán lượng hàng xuất khẩu có khả năng duy trì được sức bật trong ngắn hạn, nhờ sự gia tăng hơn nữa về thị phần toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Bruce Pang, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Tài chính và Phát triển quốc gia Trung Quốc, nhận định triển vọng xuất khẩu năm 2025 của Trung Quốc có vẻ kém lạc quan hơn vì mức thuế quan tiềm ẩn có thể làm giảm đà tăng trưởng.

Ông Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Natixis (Hồng Kông), nói với đài CNBC rằng Trung Quốc cần tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy nhu cầu trong nước khi động lực bên ngoài suy yếu.

Ông nói thêm áp lực giảm phát của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất có thể tiếp tục gây thêm căng thẳng địa chính trị. Trong khi đó, tâm lý tiêu dùng yếu, sự phục hồi không đồng đều của lĩnh vực bất động sản và sự tăng trưởng chậm của các dự án hạ tầng của chính quyền địa phương tiếp tục làm chậm tiến trình phục hồi nhu cầu trong nước.

Đồng USD tăng giá, lợi suất trái phiếu Trung Quốc giảm và nguy cơ rào cản thương mại gia tăng khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống Mỹ vào tuần tới đã khiến đồng nhân dân tệ hiện dao động quanh mức thấp nhất trong 16 tháng qua.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương giảm điểm trong phiên giao dịch hôm 13-1, sau khi báo cáo việc làm tích cực của Mỹ hôm 10-1 làm giảm hy vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) hạ lãi suất sớm.

Chuyên gia Aditya Bhave, Phó Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Bank of America (Mỹ), nhận định chu kỳ cắt giảm lãi suất của FED có thể đã kết thúc sau báo cáo việc làm mạnh mẽ. "Lạm phát mắc kẹt ở mức cao hơn mục tiêu, đi cùng là rủi ro tăng trở lại" - ông Bhave nhấn mạnh. Giá năng lượng đang tăng vọt cũng làm tăng thêm mối lo ngại về lạm phát.

Dòng chảy dầu thô gặp trở ngại?

Giá dầu thế giới hôm 13-1 tiếp tục tăng trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt mở rộng của Mỹ dự kiến tác động đến xuất khẩu dầu thô của Nga sang các khách hàng lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Đáng chú ý, giá dầu thô Brent tăng lên hơn 80 USD/thùng, mức cao nhất trong 4 tháng qua.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ hôm 10-1 tung đòn trừng phạt nhằm vào ngành dầu của Nga, trong đó có nhà sản xuất Gazprom Neft và 183 tàu dùng để vận chuyển dầu. Theo Reuters, bước đi này nhằm vào nguồn thu được Nga sử dụng để tiến hành cuộc xung đột với Ukraine.

Giới phân tích nhận định động thái trên sẽ buộc Trung Quốc và Ấn Độ (lần lượt là nước nhập khẩu nhiều nhất và nhiều thứ 3 thế giới) chuyển sang mua nhiều dầu thô hơn của Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ, từ đó đẩy giá và chi phí vận chuyển lên cao hơn.

Theo ước tính của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), số tàu bị trừng phạt vận chuyển khoảng 25% lượng dầu xuất khẩu của Nga trong năm 2024, trong đó phần lớn là dầu thô.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Công ty RBC Capital Markets chỉ ra rằng việc tàu chở dầu Nga bị trừng phạt có thể khiến dòng chảy dầu thô gặp trở ngại lớn về logistics. Nga đã tăng cường bán dầu cho châu Á sau khi phương Tây trừng phạt Moscow và Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) áp trần giá dầu thô Nga hồi năm 2022.

Nhiều tàu Nga trong danh sách trừng phạt của Mỹ được sử dụng để vận chuyển dầu đến Ấn Độ và Trung Quốc. Một số tàu còn vận chuyển dầu từ Iran - quốc gia cũng đang chịu nhiều lệnh trừng phạt.

Hoàng Phương

XUÂN MAI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te-trung-quoc-chua-kip-mung-da-lo-196250113210558782.htm
Zalo