Kinh tế TPHCM phục hồi nhưng chưa vững chắc

Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024, TPHCM cần quyết liệt hơn với các giải pháp thúc đẩy tổng cầu trong 6 tháng cuối năm và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TPHCM trong 6 tháng năm 2024, tăng 10%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TPHCM trong 6 tháng năm 2024, tăng 10%.

Thách thức vẫn ở phía trước

Theo "Báo cáo kinh tế TPHCM: Phục hồi và thách thức" của nhóm nghiên cứu, GRDP 6 tháng đầu năm ước tính đạt 568.000 tỷ đồng, tăng 6,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, GRDP quý I ước tính tăng 6,54% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng chủ yếu đến từ khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nhưng phản ánh sự bật tăng trở lại từ một mức nền so sánh khá thấp.

GRDP trong quý II ước tính tăng 6,31% so với quý II, vốn dĩ là một mức nền khá cao và vẫn tiếp tục được dẫn dắt bởi khu vực dịch vụ và công nghiệp.

Cũng theo báo cáo, tốc độ hồi phục của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TPHCM, phần lớn đến từ tiêu dùng và xuất khẩu. Tuy nhiên, tiêu dùng trên địa bàn TPHCM vẫn đang phục hồi tương đối chậm so với xu hướng trước đại dịch Covid-19, phản ánh tâm lý tiết kiệm phòng ngừa của người dân khi kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều rủi ro và bất định. Hành vi tiêu dùng này thường xuất hiện khi người dân có những kỳ vọng bi quan về dòng thu nhập trong tương lai.

TPHCM có hồi phục nhưng đang gặp nhiều thách thức, nên rất cần những phân tích, phản biện của các nhà kinh tế để tìm ra những con đường chính sách, chuẩn xác, hướng phát triển mạnh mẽ và bền vững cho TPHCM.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM

Giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước tính đạt khoảng 20,6 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng không phải là cao so với giá trị xuất khẩu của quý I và quý II các năm trong giai đoạn 2019-2022.

Điều này cho thấy các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM, vẫn chưa thực sự tận dụng được sự thuận lợi đến từ sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ. Đây có thể là một bước chậm trong ngắn hạn khi TPHCM đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghệ cao và xanh hóa.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 10.900 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Mức giải ngân này chỉ mới đạt 13,8% tổng kế hoạch vốn được giao. Tốc độ giải ngân đầu tư công chậm phần nào gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng khá khiêm tốn của khu vực xây dựng. Đáng lưu ý 6 tháng đầu năm, số lượng DN có vốn đầu tư lớn, quy mô lớn đã rời khỏi thị trường nhiều hơn số DN có quy mô nhỏ đang gia nhập thị trường.

Nền kinh tế chưa thực sự khỏe

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, kinh tế TP đã có sự hồi phục nhưng chưa thật sự khỏe mạnh, vững vàng như giai đoạn trước dịch Covid-19. Thực ra vai trò trung tâm về kinh tế của TPHCM những năm gần đây cũng bị cạnh tranh mạnh mẽ, không chỉ ở các tỉnh lân cận mà các tỉnh xa cũng đã có các khu công nghiệp lớn, có rất nhiều cơ hội để phát triển.

Do vậy các nhà đầu tư mới đang đi tìm mảnh đất khác rẻ hơn, thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn và cơ hội hơn. Những hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương giữa Việt Nam với các quốc gia tạo ra cho chúng ta nhiều cơ hội, nhưng ngược lại các quốc gia này cũng đưa ra hàng rào kỹ thuật mạnh mẽ. Trong đó các vấn đề như tăng trưởng xanh, tiêu chí xanh, năng lượng tái tạo sẽ là rào cản xuất khẩu sang các nước phát triển nếu TP không tiếp cận, không thay đổi.

Theo ông Võ Văn Hoan, hiện TP vẫn chưa tiếp cận nhanh và bứt phá về công nghệ mới. Hiện nay TP cũng đã có nhiều định hướng phát triển, thí dụ như định hướng xanh đã có chiến lược thay đổi ngành công nghiệp, từ công nghiệp thâm dụng vốn và lao động sang công nghiệp công nghệ cao gắn chuyển đổi xanh và công nghệ số, hay các ngành dịch vụ cũng đang chuyển đổi sang hướng dịch vụ gắn với phục vụ và tạo ra giá trị gia tăng… Tuy nhiên chỉ mới chỉ khởi động, chưa đi vào thực tế.

Tăng cường hỗ trợ

Theo nhóm nghiên cứu, triển vọng kinh tế của TPHCM 6 tháng cuối năm 2024 trước hết phụ thuộc vào tình hình kinh tế của thế giới. Song nền kinh tế thế giới đang tiếp tục đà phục hồi tiệm tiến trong 6 tháng cuối năm 2024, nên hoạt động xuất khẩu của TPHCM sẽ tiếp tục nhận được những lực kéo thuận lợi từ 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc. Tăng trưởng trong xuất khẩu sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự phục hồi của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TPHCM.

Tuy nhiên, TS. Hồ Hoàng Anh, Đại học Kinh tế TPHCM lưu ý, tình hình của các DN nội trên địa bàn TPHCM là điều cần phải chú ý trong 6 tháng cuối năm 2024. Bởi tăng trưởng đầu tư trên địa bàn TPHCM đang có xu hướng thấp hơn mặt bằng chung cả nước. Trong bối cảnh nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm đi và mặt bằng lãi suất cho vay đang tăng lên, các DN nội có khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm.

Do vậy, TPHCM nên tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi giảm giá để kích thích tiêu dùng của người dân. Nếu được tổ chức hiệu quả, các chương trình sự kiện này sẽ là một cách hỗ trợ rất thiết thực của TPHCM đối với các DN.

Về xuất khẩu, phải nhanh chóng đánh giá một cách chi tiết hoạt động xuất khẩu của các DN, để kịp thời đưa ra các chương trình hỗ trợ nhằm tận dụng tối đa cơ hội đến từ sự phục hồi của thị trường thế giới. Về giải ngân đầu tư công, phải nỗ lực hết sức trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm.

Bên cạnh đóng góp trực tiếp của các khoản chi đầu tư công vào tăng trưởng kinh tế, việc hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm sẽ góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất kinh doanh và gia tăng lợi nhuận, từ đó góp phần thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

TS. Hồ Hoàng Anh cho biết, nếu nền kinh tế thế giới diễn biến thuận lợi như kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm 2024, cộng thêm việc TPHCM quyết liệt triển khai hiệu quả đồng bộ các giải pháp, thì cả năm 2024 TPHCM có thể đạt mức tăng trưởng 7-7,5%.

Nhưng quan trọng hơn cả con số tăng trưởng năm 2024, đó là cần phải tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghệ cao và xanh hóa. Đây là yếu tố then chốt giúp TPHCM nâng cao tốc độ tăng trưởng trong trung hạn.

THIÊN MINH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/kinh-te-tphcm-phuc-hoi-nhung-chua-vung-chac-post116198.html
Zalo