Kinh tế thế giới năm 2025: Giữ nhịp tăng trưởng
Năm 2025 được xem là một năm bản lề, đưa kinh tế thế giới đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới.
Sự kết hợp giữa những biến động chính trị, kinh tế và sự trỗi dậy của công nghệ AI đang định hình lại thế giới mà chúng ta đang sống. Để vượt qua những khó khăn và tận dụng những cơ hội, các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân đang hết sức linh hoạt, thích ứng và chủ động đổi mới. Hợp tác quốc tế, xây dựng lòng tin và thúc đẩy thương mại tự do cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình một tương lai ổn định và thịnh vượng hơn.
*Thách thức phía trước
Bước sang năm 2025, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, với mức dự báo từ các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dao động trong khoảng 3,2%-3,3%.
Triển vọng này phản ánh những thách thức như lạm phát dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt, căng thẳng địa chính trị leo thang, đe dọa đến an ninh năng lượng và lương thực. Các nền kinh tế phát triển phải đối mặt với gánh nặng nợ công, dân số già hóa và sự thiếu hụt lao động. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ đầu tư công và sự phục hồi thương mại.
Thương mại toàn cầu đã có dấu hiệu khởi sắc trong năm 2024, nhưng có khả năng sẽ chậm lại đáng kể do các biện pháp chính sách thương mại hạn chế dự kiến áp đặt năm 2025. Các biện pháp trừng phạt kinh tế tiềm ẩn có thể làm suy yếu sự hợp tác quốc tế, kìm hãm tăng trưởng trong dài hạn.
Sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump sẽ có tác động đáng kể đến chính sách kinh tế và thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" và chính sách "Nước Mỹ trước tiên" được ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua được dự báo sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trên bản đồ kinh tế quốc tế năm 2025. Những thay đổi này có thể tạo ra cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư trên toàn cầu bởi chính sách "Nước Mỹ trên hết" đã trở thành một chiến lược kinh tế toàn diện và tạo ra xu hướng bảo hộ mới. Điều này được thể hiện qua việc Mỹ duy trì thuế quan cao với hàng hóa Trung Quốc, ban hành đạo luật như Đạo luật CHIPS và Khoa học. Liên minh châu Âu (EU) cũng tham gia với chính sách tự chủ chiến lược dựa trên công cụ Thỏa thuận Xanh châu Âu và các biện pháp bảo hộ thị trường nội khối.
Giới chuyên gia đánh giá nếu chính quyền của ông Trump gia tăng thuế quan, gây ra một cuộc chiến thương mại, lạm phát có thể tăng trở lại, kinh tế toàn cầu có nguy cơ giảm tốc.
Thị trường tài chính toàn cầu năm 2025 cũng không tránh khỏi những biến động. Thị trường chứng khoán có thể trải qua những đợt điều chỉnh mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát, tăng trưởng kinh tế chậm lại và bất ổn địa chính trị. Thị trường vàng có thể tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị vẫn tiếp diễn và nhu cầu mua vào của các ngân hàng trung ương. Các chuyên gia phân tích của JPMorgan, Goldman Sachs và Citigroup đều có chung nhận định giá vàng sẽ tăng lên 3.000 USD/ounce.
Ngành năng lượng thế giới năm 2025 cũng đối mặt với nhiều thách thức. Không ai có thể chắc chắn các cơ sở dầu mỏ và khí đốt ở Trung Đông tiếp tục an toàn khi cuộc xung đột ngày càng lan rộng. Trong trường hợp xấu nhất, nguồn cung dầu thô của thế giới sẽ sụt giảm, dù chỉ trong ngắn hạn và và giá dầu được dự báo sẽ dao động trong khoảng 80-100 USD/thùng.
Trong bối cảnh đầy thách thức đó, công nghệ và chuyển đổi số nổi lên như những động lực tăng trưởng mới đầy tiềm năng. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo... có thể tạo ra động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng suất lao động và giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách.
*AI: Động lực cho nền kinh tế tương lai
AI đang được coi là công nghệ chủ chốt của kỷ nguyên mới, với tiềm năng thúc đẩy năng suất và tái cơ cấu các ngành công nghiệp. Những tiến bộ vượt bậc trong AI, từ tự động hóa sản xuất, chăm sóc sức khỏe cá nhân hóa đến phân tích dữ liệu, hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi sâu rộng trong mọi lĩnh vực.
Theo các chuyên gia, AI có thể giúp khắc phục các hạn chế về cung ứng, giảm chi phí và thúc đẩy đổi mới. Đặc biệt, sự kết hợp giữa con người và AI trong các ngành như y tế, giáo dục và sản xuất sẽ tạo ra mô hình hợp tác mới, nâng cao hiệu quả và sáng tạo.