Kinh tế thế giới kiên cường vượt sóng gió

Năm 2024, nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt nhiều thử thách, trong bối cảnh xung đột vũ trang kéo dài và có xu hướng lan rộng ở nhiều điểm nóng, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, tình trạng đói nghèo và các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng về cường độ, tạo thêm rào cản với tăng trưởng kinh tế.

Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Song, thế giới đã thể hiện sự kiên cường khi một số nước đang phát triển dẫn đầu về tăng trưởng, các nền kinh tế lớn tiếp tục phục hồi, dù chưa đồng đều. Và sau hàng loạt cuộc bầu cử với sự chuyển mình về chính sách trong giai đoạn mới, kinh tế toàn cầu được kỳ vọng ứng phó có hiệu quả rủi ro địa chính trị và tình trạng dễ bị tổn thương.

Những tia nắng le lói

Các số liệu cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan, khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng ước tính nền kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng 3,2% trong năm 2024, dù vẫn thấp hơn mức trung bình 3,8% của giai đoạn 2000-2019, trước đại dịch Covid-19. Báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của OECD dự báo nền kinh tế toàn cầu “đủ kiên cường” để vượt qua những thách thức và có triển vọng tăng trưởng 3,3% trong các năm 2025 và 2026. Liên hợp quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings đều dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024.

Theo OECD, tăng trưởng kinh tế năm 2024 vẫn ghi nhận sự chênh lệch giữa các khu vực. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, dự kiến đạt 2,8%. Khu vực đồng euro (Eurozone) dự kiến chỉ tăng trưởng 0,8%. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, ước tính đạt 4,9%. Hai nền kinh tế lớn thứ 3 và 4 thế giới là Nhật Bản và Đức không tăng trưởng, thậm chí có dấu hiệu suy giảm. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, như Ấn Độ, Nga, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ…, dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng.

Mảng màu sáng nhất trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2024 là mức tăng trưởng nhanh của hoạt động giao dịch thương mại quốc tế. Bloomberg và Liên hợp quốc ước tính, thương mại toàn cầu sẽ cán mốc kỷ lục 33.000 tỷ USD, tăng 1.000 tỷ USD so với năm 2023 và là mức cao nhất mọi thời đại. Mức tăng trưởng này chủ yếu là nhờ thương mại dịch vụ tăng 7%, song tăng trưởng thương mại hàng hóa ở mức 2%, thấp hơn đỉnh điểm từng ghi nhận năm 2022.

Theo ước tính của IMF, lạm phát trung bình năm trên toàn cầu dự kiến giảm từ mức 6,7% của năm 2023 xuống 5,8% trong năm 2024 và còn 4,3% vào năm 2025. Trong đó, các nền kinh tế phát triển đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát sớm hơn các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Chính sách tiền tệ linh hoạt, nguồn cung hàng hóa dễ tiếp cận hơn so với giai đoạn hậu đại dịch và giá năng lượng thấp hơn được đánh giá là những yếu tố hỗ trợ nhiều quốc gia thành công bước đầu trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Phủ bóng lên nền kinh tế thế giới năm 2024 là gánh nặng nợ công và thâm hụt ngân sách, hiện ở mức rất cao và còn được dự báo sẽ tiếp tục phình to, gây rủi ro tài chính nghiêm trọng, khiến chi tiêu chính phủ bị hạn chế, kéo giảm nguồn đầu tư công cho các chương trình an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, phát triển và khả năng ứng phó các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

IMF cảnh báo, đến hết năm 2024, tổng lượng nợ công trên thế giới có thể tăng lên mức tương đương 93% GDP toàn cầu và có thể chạm ngưỡng nguy hiểm 100% GDP vào năm 2030, ngang bằng tổng sản lượng kinh tế hằng năm của thế giới. IMF dự báo khoảng một phần ba số các quốc gia trên thế giới sẽ chứng kiến tình trạng nợ công tăng cao và nhanh hơn, gồm cả các nền kinh tế đầu tàu là Mỹ và Trung Quốc, cũng như các nền kinh tế lớn khác như Brazil, Pháp, Anh, Nam Phi..., chiếm tổng cộng khoảng 70% GDP toàn cầu.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra cảnh báo về tình hình tài chính của 26 quốc gia nghèo nhất thế giới, vốn đang chìm trong nợ nần với mức nợ công trung bình lên tới 72% GDP quốc gia, mức cao nhất kể từ năm 2006. Nhưng nỗi lo về tài chính không chỉ dai dẳng ở các nước nghèo. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ, mức thâm hụt ngân sách của nền kinh tế số 1 thế giới trong tài khóa 2024 đã lên gần 1.900 tỷ USD, khiến chi phí lãi các khoản vay của chính phủ lần đầu tiên vượt mức 1.000 tỷ USD.

Trong năm 2024, chính phủ nhiều nước phát triển khác, như Pháp, Italia, Hàn Quốc… đều gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề tài chính nan giải. Tân Thủ tướng Pháp Francois Bayrou so sánh nhiệm vụ kiềm chế tình trạng thâm hụt ngân sách của nền kinh tế lớn thứ 2 Liên minh châu Âu (EU) hiện ở mức 6,1% GDP, trong khi nợ công vượt ngưỡng 100% GDP.

Tảng băng chìm tiềm ẩn

Năm 2024, nhiều cơn bão “đổ bộ”, tác động mạnh tới nền kinh tế thế giới, xuất phát từ các cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, Trung Đông..., bất ổn chính trị ở hàng loạt nền kinh tế lớn như Đức, Pháp, Hàn Quốc..., cũng như các lực lượng cánh hữu tại Nghị viện châu Âu (EP). Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt xu hướng phân mảnh thị trường ngày càng rõ nét, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đe dọa làm suy yếu hợp tác quốc tế, các chuỗi cung ứng, cũng như sự ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) được mở rộng, với định hướng cải cách các hệ thống tài chính quốc tế, dịch chuyển sang sử dụng đồng nội tệ trong các hoạt động thương mại nội khối đe dọa thu hẹp tầm ảnh hưởng của đồng USD cũng như nền kinh tế Mỹ. Đến tháng 1/2025, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới chính thức trở lại “ghế nóng” tại Nhà trắng cùng chính sách “nước Mỹ trước tiên”, song những tranh cãi về thương mại giữa Mỹ với các đối tác đã nổi lên.

OECD cảnh báo, chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, đặc biệt là từ các nền kinh tế lớn nhất, gây ra rủi ro bất lợi, làm tăng chi phí và giá cả, giảm mức sống của người tiêu dùng, hạn chế đầu tư, qua đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng chung. Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann nhận định, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đà phục hồi, tuy nhiên, kinh tế thế giới còn đối mặt nhiều thách thức, với triển vọng tăng trưởng trung hạn khá yếu.

Những thay đổi về chính sách thương mại, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang leo thang, được dự báo có thể đe dọa an ninh lương thực và an ninh năng lượng ở nhiều khu vực, tác động tiêu cực tới nỗ lực xóa đói nghèo và tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Báo cáo chỉ số đói nghèo đa chiều (MPI) năm 2024 cho thấy 1,1 tỷ người trên khắp thế giới vẫn sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, với hơn một nửa trong số đó là trẻ em.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo, nền kinh tế thế giới ảnh hưởng bởi xung đột và cạnh tranh địa chính trị ngày một tăng, có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng chậm, nợ cao, đồng nghĩa với thu nhập thấp hơn và ít việc làm hơn. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng nhận định “sẽ còn nhiều bất ổn” vào năm 2025.

VĂN SỸ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kinh-te-the-gioi-kien-cuong-vuot-song-gio-post853006.html
Zalo