Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực
Thông tin trên được đưa ra tại phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 diễn ra chiều 6/2.
Báo cáo về tình hình chuyển đổi số quốc gia năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc công bố tháng 9/2024, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) ở mức "rất cao".
Về Chính phủ số, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên toàn quốc đạt 45%, tăng 2,5 lần so với năm 2023. Cổng dịch vụ công quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả với 4.475 thủ tục được tích hợp, đạt 70,8% tổng số thủ tục hành chính. Từ tháng 7/2024 dùng VNeID để đăng nhập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt khoảng 425.000 lượt/ngày, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số năm 2024 ước đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Thương mại điện tử bán lẻ đạt doanh thu 25 tỷ USD, tăng khoảng 20%. Với kết quả này, Việt Nam thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt hàng năm tăng hơn 50%, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
![Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh minh họa: Hà Anh/Mekong ASEAN.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_595_51414381/91d663a55bebb2b5ebfa.jpg)
Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh minh họa: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Về xã hội số, lần đầu tiên, tỷ lệ truy cập các nền tảng số "Make in Vietnam" so với các nền tảng số nước ngoài vượt 20% với tỷ lệ 25,25%. Với kết quả này, Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia có số lượng người dùng nền tảng số nội địa ở mức cao. Nhiều nền tảng số nội địa trong lĩnh vực ngân hàng, mạng xã hội, truyền hình, truyền thông… ngày càng được người dùng yêu thích, lựa chọn thay thế các nền tảng số nước ngoài.
Chứng thư chữ ký số cấp cho người dân trưởng thành trong năm 2024 đạt 12,5 triệu, tăng 58,61% so với với năm 2023, nâng tỷ lệ người trưởng thành có chữ ký số lên 25%.
Số lượng tài khoản VNeID đã kích hoạt trên 55,25 triệu, vượt mục tiêu 40 triệu tài khoản người dùng trong Đề án 06; 90% người dân tham gia bảo hiểm có sổ sức khỏe điện tử; 100% học sinh/sinh viên có hồ sơ học tập số; 100% bệnh viện, trung tâm y tế công, cơ sở giáo dục đại học triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Về an toàn thông tin, Việt Nam tăng 8 bậc từ vị trí 25 lên vị trí 17/194 quốc gia, thuộc nhóm I- Hình mẫu; đứng thứ 4/38 nước khu vực châu Á, Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình chưa cao. Tỷ lệ sử dụng chữ ký số còn thấp. Dữ liệu còn bị cát cứ, chưa kết nối và khai thác hiệu quả.
Đồng thời, nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin, công nghệ số trong các cơ quan, tổ chức, các ngành kinh tế mới nổi còn thiếu. Kỹ năng số của người dân chưa đồng đều, đặc biệt người dân tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn chưa được tiếp cận nhiều với các dịch vụ số.