Kinh tế quốc phòng và trọng tâm chiến lược của EU

Sự thay đổi ở bên trong và bên ngoài châu Âu đan xen, tác động với nhau, khiến nền kinh tế, xã hội, an ninh và ngoại giao của châu lục này đối mặt các thách thức nghiêm trọng. 2024 cũng là năm thay đổi lãnh đạo khóa mới của các cơ quan như Nghị viện châu Âu (EP) và Ủy ban châu Âu (EC)...

Trước những thách thức ngày càng tăng, các nhà lãnh đạo khóa mới của Liên minh châu Âu (EU) muốn coi việc nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế và tăng cường xây dựng nền quốc phòng là trọng tâm chiến lược trong 5 năm tới.

Năng lực cạnh tranh giảm

Suy thoái kinh tế và tăng trưởng yếu tiếp tục gây khó khăn cho châu Âu. 2024 sẽ là năm thứ 2 liên tiếp Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - tăng trưởng âm. Trong Báo cáo triển vọng kinh tế mùa thu năm 2024, EC dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU năm 2024 tăng trưởng 0,9%. Khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng trưởng 0,8%.

Châu Âu đối mặt với nỗi lo phải một mình gánh vác nhiệm vụ hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến.

Châu Âu đối mặt với nỗi lo phải một mình gánh vác nhiệm vụ hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến.

Báo cáo này nêu rõ mặc dù nền kinh tế châu Âu bắt đầu phục hồi chậm và lạm phát liên tục giảm, nhưng vẫn phải đối mặt với rủi ro suy thoái do ảnh hưởng của 3 nhân tố lớn, bao gồm: rủi ro địa chính trị và năng lượng do cuộc khủng hoảng Ukraine và tình hình căng thẳng ở Trung Đông; tác động bên ngoài từ việc Mỹ chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ thương mại; và năng lực cạnh tranh kinh tế của châu Âu suy giảm.

Kinh tế giảm tốc chỉ là biểu hiện bên ngoài, nguyên nhân sâu xa vẫn là năng lực cạnh tranh quốc tế giảm. Tháng 9/2024, EC công bố báo cáo Tương lai của năng lực cạnh tranh châu Âu do Mario Draghi, cựu Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu soạn thảo. Báo cáo này cảnh báo EU đang đối mặt với thách thức kinh tế rất lớn, nếu không có những thay đổi căn bản, họ sẽ không còn có vị thế quan trọng trên vũ đài kinh tế toàn cầu. Giải pháp mà Mario Draghi đưa ra là EU cần đầu tư thêm 730-800 tỷ euro/ năm trong tương lai, tương đương 4,4-4,7% GDP của tổ chức này năm 2023.

Những năm gần đây, nhiều chính đảng cực hữu trỗi dậy ở các nước châu Âu và năm 2024, xu thế này tăng lên. Trong cuộc bầu cử EP diễn ra 5 năm/ lần, các chính đảng cực hữu đã giành được thắng lợi lớn. Mặc dù địa vị chủ đạo của các đảng trung hữu và trung tả chưa bị lung lay, nhưng phe cực hữu đã giành được 187 ghế, chiếm hơn 1/4 tổng số ghế của tổ chức này.

Trước đây, nhiều học giả cho rằng cuộc bầu cử EP không phản ánh đầy đủ quan điểm thực sự của cử tri. Quan điểm phổ biến ở châu Âu là cử tri bỏ phiếu theo “con tim” cho cuộc bầu cử EP và theo “lý trí” cho cuộc bầu cử quốc gia của họ. “Con tim” có nghĩa là cử tri đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử EP dựa trên cảm xúc của họ. Trong khi “lý trí” có nghĩa là cử tri không dễ đưa ra quyết định, thực sự coi trọng là cuộc bầu cử ở quốc gia của họ. Vì vậy, khi Tổng thống Pháp Macron biết được số ghế mà đảng Phục hưng do mình lãnh đạo giành được không bằng 1/2 của đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu của bà Le Pen, ông lập tức giải tán Quốc hội Pháp và tuyên bố bầu cử trước thời hạn.

Tuy nhiên, kết quả bầu cử Quốc hội Pháp vẫn cho thấy sự trỗi dậy của phe cực hữu. Kết quả cuộc bầu cử hội đồng địa phương ở phía Đông nước Đức tháng 9/2024 đã thể hiện xu thế ngả sang cánh hữu. Tóm lại, một số cuộc bầu cử ở châu Âu trong năm 2024 có kết quả khác thường, thể hiện sự thay đổi sâu sắc của môi trường chính trị ở châu lục này. Cùng với việc thế lực dân túy cánh hữu không ngừng vươn lên, cục diện chính trị châu Âu đang trải qua thời kỳ tái cơ cấu mới.

Ứng phó với tác động tiêu cực

Năm 2024, châu Âu tiếp tục gánh chịu ảnh hưởng tiêu cực đến từ bên kia bờ Đại Tây Dương. Nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Donald Trump đã để lại bóng đen tâm lý rất lớn đối với nhiều nước châu Âu. Lo ngại của châu Âu chủ yếu đến từ 4 khía cạnh: Một là, lo ngại Mỹ sẽ từ bỏ lập trường viện trợ cho Ukraine để chống lại Nga, khiến châu Âu phải một mình gánh vác nhiệm vụ hỗ trợ Kiev; hai là, lo ngại ông Donald Trump sẽ gây sức ép với các quốc gia châu Âu là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), yêu cầu họ tăng chi tiêu quốc phòng, đe dọa Mỹ và NATO sẽ không bảo vệ an ninh vô điều kiện cho châu Âu; ba là lo ngại Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu đến từ các nước châu Âu; và bốn là lo ngại việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sẽ kích thích và hỗ trợ hơn nữa thế lực theo chủ nghĩa dân túy ở châu Âu.

Sau khi ông Donald Trump thắng cử, phản ứng của châu Âu có thể chia thành 2 loại: Một số chuyên gia, học giả cho rằng cùng với sự trở lại của ông Trump, quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ căng thẳng và châu Âu sẽ ngày càng trở nên cô độc, mong manh hơn. Một số chuyên gia, học giả khác lại cho rằng việc ông Trump trở lại Nhà Trắng sẽ buộc châu Âu phải đứng lên và làm cho châu lục này vĩ đại trở lại.

Trên thực tế, trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, EC và Đức từng công khai tuyên bố thành lập nhóm công tác đặc biệt nhằm nghiên cứu việc làm thế nào để trao đổi với ông Trump và bảo vệ lợi ích của châu Âu trên các phương diện như kinh tế và an ninh. Vấn đề quan trọng và cấp bách nhất chắc chắn là thuế quan và cuộc khủng hoảng Ukraine. Về thuế quan, EU có thể thực hiện biện pháp đáp trả mức thuế cao của Mỹ. Về an ninh, việc xây dựng nền quốc phòng của châu Âu sẽ được EU và các nước châu Âu coi là chương trình nghị sự quan trọng hàng đầu. Một ngày sau khi ông Trump giành chiến thắng, các nhà lãnh đạo của EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh không chính thức tại Budapest, Hungary.

Hội nghị quyết định EU sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tăng cường xây dựng quốc phòng trong 5 năm tới, đồng thời cũng tuyên bố sẽ thực hiện biện pháp khẩn cấp nhằm giảm giá năng lượng và xây dựng chính sách ngành nghề thực sự, đến năm 2030 sẽ đầu tư 3% GDP của EU vào nghiên cứu và phát triển, thiết lập toàn diện liên minh thị trường tài chính, xây dựng cơ sở công nghiệp quốc phòng châu Âu...

Huy Thông

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/kinh-te-quoc-phong-va-trong-tam-chien-luoc-cua-eu-i756252/
Zalo