'Mùa Đông không lạnh' nhờ một quy định về mục tiêu dự trữ khí đốt, EU tính toán gia hạn
Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc gia hạn mục tiêu dự trữ khí đốt tự nhiên với các quốc gia thành viên thêm ít nhất một năm nữa, đến hết 2026, sau khi những mục tiêu hiện tại hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Theo Oilprice, sau khi xung đột tại Ukraine xảy ra vào năm 2022 và việc Nga cắt giảm nguồn cung vận chuyển khí đốt qua đường ống cho hầu hết các nước EU, Ủy ban châu Âu (EC) đã đặt ra mục tiêu các nước EU phải đạt mức dự trữ khí đốt 90% vào ngày 1/11 hằng năm, thời điểm trước mùa Đông.
Những mục tiêu khác cũng được thiết lập vào các ngày 1/2, 1/5, 1/7 và 1/9 để đảm bảo EU có đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu trong mùa Đông với các cơ sở dự trữ gần như đầy 100%. Liên minh cho biết, kể từ khi ban hành quy định trong thời kỳ khủng hoảng năng lượng, khối này đã vượt các mục tiêu nạp khí đốt dự trữ hằng năm.
Khi đề cập khả năng gia hạn chương trình dự trữ khí đốt của EU sau năm 2025, người phát ngôn của EC cho biết, họ đang xem xét nhiều lựa chọn để bảo đảm nguồn cung khí đốt đầy đủ sau khi quy định hiện tại hết hiệu lực, nhưng từ chối bình luận về việc có nên gia hạn mục tiêu dự trữ thêm một năm nữa hay không.
Trước mùa Đông năm nay, lượng dự trữ khí đốt của khối đã đạt khoảng 95% vào ngày 1/11, tương đương 100 tỷ m³ (bcm), chiếm khoảng một phần ba lượng khí đốt tiêu thụ hằng năm của EU.
Tuy nhiên, thời tiết mùa Đông năm nay lạnh hơn so với hai mùa Đông trước đó, cộng thêm tình trạng gió yếu ở hầu hết vùng Tây Bắc của châu Âu ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động sản xuất điện gió đã khiến nhu cầu khí đốt để sưởi ấm tăng mạnh. Điều này dẫn tới tình trạng các kho dự trữ khí đốt của khối 27 quốc gia thành viên cạn kiệt nhanh nhất trong vòng 8 năm.
Dữ liệu từ Gas Infrastructure Europe cho thấy, tính đến ngày 21/1, các kho dự trữ khí đốt của EU chỉ đầy 58,5%. Xu hướng dự trữ khí đốt của liên minh trong năm 2025 đang thấp hơn so với năm ngoái và thấp hơn mức trung bình 5 năm.