Kinh tế Nga chậm lại nghiêm trọng do chiến tranh kéo dài
Kinh tế Nga chững lại khi GDP dự kiến giảm 1-2% năm 2025, bất chấp tăng trưởng 4,1% năm nay nhờ chi tiêu quân sự.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga được dự báo sẽ suy giảm trong năm 2025 và năm tiếp theo, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều biến động.
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) hôm thứ Sáu tuần trước đã công bố dự báo này khi quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 21% - mức cao kỷ lục được áp dụng từ tháng 10 nhằm kiềm chế tình trạng kinh tế quá nóng.

Một người phụ nữ đi ngang qua một văn phòng đổi tiền ở Moscow. Ảnh: Natalia Kolesnikova
Các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine đã phần nào cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, GDP của nước này vẫn tăng trưởng cao hơn dự báo nhờ chi tiêu quân sự.
Dù vậy, việc nền kinh tế chững lại đặt ra câu hỏi về tính bền vững của chính sách chi tiêu quân sự của Tổng thống Vladimir Putin, nhất là khi lạm phát leo thang và thị trường lao động rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Ngân hàng Trung ương Nga quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 21% nhằm kiềm chế lạm phát - hiện ở mức 9,9%, gấp hơn hai lần mục tiêu 4% mà ngân hàng này đặt ra.
Theo dự báo, GDP của Nga trong năm 2024 tăng 4,1%, cao hơn mức dự kiến hồi tháng 10, chủ yếu nhờ nhu cầu trong nước tăng mạnh hơn dự đoán. Trong khi đó, GDP của Mỹ trong cùng năm chỉ tăng 2,8%.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nga dự báo GDP nước này sẽ giảm xuống mức từ 1-2% trong năm 2025, thậm chí có thể chạm đáy 0,5% vào năm 2026, trước khi phục hồi nhẹ lên 1,5-2,5% vào năm 2027.
Áp lực lạm phát vẫn ở mức cao, trong khi nhu cầu trong nước tăng nhanh hơn khả năng mở rộng nguồn cung hàng hóa và dịch vụ. Nga cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng do thương vong trong xung đột Ukraine, làn sóng di cư tránh nghĩa vụ quân sự và cuộc khủng hoảng dân số ngày càng rõ nét.
Lạm phát tại Nga dự kiến sẽ giảm xuống mức 7-8% trong năm nay, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 4% mà Ngân hàng Trung ương đặt ra cho năm 2027.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, nhận định chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ giúp hạ nhiệt nền kinh tế, đồng thời khẳng định tốc độ tăng trưởng trong ba năm tới sẽ phù hợp với dự báo hồi tháng 10.
Trang tin độc lập The Bell cho biết giá cả leo thang cùng với sự sụt giảm trong hoạt động cho vay có thể khiến Nga đối mặt với tình trạng tăng trưởng thấp đi kèm lạm phát cao – một kịch bản đầy rủi ro cho nền kinh tế.
Báo cáo của The Bell cũng nhấn mạnh, nguyên nhân chính khiến lạm phát ở mức cao là do chi tiêu chính phủ, đặc biệt là cho quốc phòng.
Vì GDP phản ánh tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nền kinh tế theo giá hiện tại, việc giá cả tăng cao do lạm phát có thể khiến chỉ số GDP tăng, ngay cả khi sản lượng thực tế không thay đổi.
Tổng thống Vladimir Putin vẫn nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, theo Reuters, các tài liệu nội bộ của chính phủ cho thấy nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm giá dầu giảm, áp lực ngân sách gia tăng và tình trạng nợ xấu trong khối doanh nghiệp.