Kinh tế Mỹ tiếp tục khởi sắc
Ngày 19/12, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo về tình hình kinh tế quý III/2024, cho thấy nền kinh tế đầu tàu thế giới tăng trưởng mạnh mẽ hơn dự báo trước, với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 3,1%, vượt mức dự báo 2,8%.
Sự điều chỉnh này chủ yếu nhờ vào sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng, xuất khẩu, nhập khẩu và giảm đầu tư hàng tồn kho tư nhân.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, chi tiêu của người tiêu dùng, vốn chiếm hơn 66% hoạt động kinh tế của Mỹ, được điều chỉnh tăng 3,7% trong quý III/2024, vượt mức ước tính 3,5%. Nhu cầu nội địa (không tính chi tiêu chính phủ, thương mại và hàng tồn kho) cũng tăng 3,4%, cao hơn mức dự báo 3,2%.
Tổng thu nhập quốc nội (GDI) tăng 2,1% trong cùng kỳ, thấp hơn mức dự báo ban đầu là 2,2%. Về nguyên tắc, GDP và GDI phải bằng nhau, nhưng trên thực tế có sự chênh lệch do được ước tính bằng các nguồn dữ liệu khác nhau, phần lớn là độc lập. Tuy nhiên, GDP và GDI trung bình, được coi là thước đo tốt hơn về hoạt động kinh tế, đã được điều chỉnh tăng lên mức 2,6%, thay vì 2,5% như báo cáo trước đây.
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục chứng tỏ khả năng phục hồi mạnh mẽ, khiến Cục Dự trữ liên bang (Fed) cân nhắc việc giản tốc độ cắt giảm lãi suất trong năm tới. Mặc dù đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất thứ ba liên tiếp vào ngày 18/12, Fed dự báo chỉ cắt giảm chi phí vay 2 lần trong năm tới, thay vì 4 lần như dự báo hồi tháng 9, do nền kinh tế phục hồi ổn định và lạm phát vẫn ở mức cao.
Cùng ngày, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm mạnh hơn dự kiến trong tuần trước, gần như đảo ngược mức tăng của hai tuần trước đó, cho thấy thị trường lao động đang tiếp tục chậm lại.
Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ đã giảm 22.000 đơn trong tuần tính đến ngày 14/12, xuống còn 220.000 đơn, đảo ngược mức tăng 27.000 đơn trong hai tuần trước. Điều này cho thấy thị trường lao động tiếp tục ổn định.
Số đơn xin tiếp tục nhận trợ cấp sau một tuần thất nghiệp đầu tiên - chỉ số đại diện cho tình hình tuyển dụng, cũng giảm xuống còn 1,874 triệu đơn trong tuần tính đến ngày 7/12.
Cũng theo báo cáo từ Hiệp hội Bất động sản quốc gia Mỹ, doanh số bán nhà đã qua sở hữu tăng mạnh 4,8% trong tháng 11/2024, lên mức 4,15 triệu căn, cao nhất kể từ tháng 3/2024. Đây cũng là mức tăng doanh số tháng thứ hai liên tiếp kể từ khi chạm mức thấp nhất trong vòng 14 năm vào tháng 9. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 11, doanh số bán nhà đã qua sở hữu đã tăng 6,1%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 6/2021. Theo nhà kinh tế trưởng Lawrence Yun của hiệp hội, động lực bán nhà đang tăng lên, với nhiều người mua hơn tham gia thị trường khi nền kinh tế tiếp tục tạo thêm việc làm.
Lượng nhà ở tồn kho giảm 2,9%, xuống còn 1,33 triệu căn trong tháng 11, trong khi nguồn cung tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhà đã qua sở hữu trung bình cũng tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 406.100 USD/căn vào tháng 11.
Mặc dù doanh số bán nhà đã qua sở hữu tăng lần thứ hai liên tiếp, song triển vọng cho thị trường nhà ở Mỹ vào năm tới vẫn ảm đạm do lãi suất thế chấp dự kiến vẫn ở mức cao.