Kinh tế kỷ nguyên số - Thách thức và cơ hội
Người lạc quan luôn tìm thấy cơ hội trong muôn vàn khó khăn. Với tinh thần ấy, khi tìm đến cuốn Kinh tế kỷ nguyên số: Thách thức và cơ hội của nhà kinh tế học Diane Coyle, Giáo sư Đại học Cambridge, bản thân luôn mong mỏi tìm ra một cơ hội mới giữa những ngày khởi đầu của năm mới dưới góc nhìn kinh tế học.
Trong rất nhiều nội dung quan trọng, giáo sư Diane Coyle đã đặt ra vấn đề mang tính cốt tử đó là: mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường trong thế giới kỹ thuật số. Có nghĩa là chúng ta đang nhắc đến đòn bẩy chính sách, về mối liên kết, về nguyên nhân và kết quả.
Nhìn vào nền kinh tế của chúng ta ngày nay, hậu khủng hoảng tài chính tiền tệ, hậu đại dịch với sự bất bình đẳng kinh tế rộng lớn đang đặt ra rất nhiều thách thức.
Liệu có phải hay chăng các số liệu thống kê kinh tế hiện tại đã hạn chế tầm nhìn cũng như hành động chính sách của chúng ta.
Nền kinh tế sau đại dịch sẽ tiếp tục còn suy yếu, khiến một số người phải đối mặt với gánh nặng nợ nần, thất nghiệp và dự trữ thực phẩm. Thảm họa kinh tế kép chỉ trong hơn một thập kỷ đang đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa của tiến bộ kinh tế và vai trò của các nhà kinh tế trong việc đạt được tiến bộ kinh tế hay không? Trong khi đó vẫn còn nhiều thách thức: phi toàn cầu hóa, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Phải chăng AI (trí tuệ nhân tạo) đang khẩn thiết hỏi chúng ta: chúng ta muốn một xã hội như thế nào? Câu hỏi buộc phải cân nhắc đến mục tiêu của chính sách - cái gì được coi là kết quả tốt hơn - cũng như hệ thống xã hội rộng lớn hơn, trong đó việc ra quyết định được giao từ con người sang máy móc.
Đúng là chúng ta đang nhận thức rõ hơn về sự chuyển đổi lớn trong cuộc sống hằng ngày và trong các mô hình kinh doanh nhờ vào nền tảng kỹ thuật số, đồng thời nhận thức rõ hơn về những mặt trái của nó. Các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực để bắt kịp những vấn đề này, từ chính sách cạnh tranh khắc nghiệt hơn để chế ngự sức mạnh của những gã khổng lồ kỹ thuật số đến lập pháp về quyền riêng tư và chống lại các tác hại trực tuyến, đến quy định việc sử dụng AI như nhận dạng khuôn mặt.
Sự khao khát thay đổi, tập trung vào sự giàu có của toàn xã hội hơn là của một vài cá nhân, dường như đặc biệt mạnh mẽ ở thế hệ Millennials và Gen Z. Giáo sư Diane Coyle tâm sự ngay trong cuốn sách, ông là người có sở thích và kinh nghiệm về thế giới chính sách, gần 1⁄4 thế kỷ. Chính ông cũng nhận ra, chính trị và chính sách là một phần của câu chuyện, lời giải thích nằm ở một số đặc điểm kinh tế cơ bản của thị trường kỹ thuật số. Ông cũng chỉ ra những điều cơ bản của kinh tế số và nó sẽ làm cho cách thị trường vận hành khác với các mô hình tư duy chuẩn mực trong kinh tế học như tính năng siêu sao, hiệu ứng mạng gián tiếp... Ông còn phát hiện ra rằng, ở thời đại này, hầu như ít xuất hiện các yếu tố triệt tiêu lẫn nhau mà lại xuất hiện nhiều yếu tố đan xen phụ thuộc lẫn nhau, theo kiểu mô hình: win-win.
Nếu phải gọi tên kinh tế học của thế kỷ 21, không gì khác ngoài các cụm từ: phi tuyến tính, kinh tế động, tăng lợi nhuận, ngoại ứng lan tỏa, tùy chọn linh hoạt, hướng đến xã hội và khuynh hướng hướng tới thể chế.
Có một nhận xét đáng chú ý, rất cần để chúng ta - những người có trách nhiệm với chính mình, với cộng đồng nghiên cứu và suy ngẫm. “Nền kinh tế số chỉ đơn giản là không phù hợp với giả định về lợi nhuận không đổi hoặc giảm dần theo quy mô cần thiết cho kế hoạch hóa tập trung và trên thực tế là cho các mô hình chung của nền kinh tế thị trường chính thống”.
Trung tâm của kinh tế là phải tăng lợi nhuận và các loại động cơ mà chúng ngụ ý. Nền kinh tế tri thức là khác biệt. Chúng ta cần tiếp tục thống nhất với nhau rằng: sai lệch dữ liệu là một vấn đề lớn trong sử dụng AI.
Làm thế nào để có sự thay đổi tư duy trong kinh tế học? Câu trả lời sẽ luôn ở phía trước, song một cách thông minh nhất thì cần phải hiểu rằng những thay đổi trong quá khứ sẽ gợi ý một câu trả lời. Theo nghiên cứu của giáo sư thì một chu trình lặp lại của kinh tế chính trị đó chính là: sự kiện - ý tưởng - hành động.
Đúng là sẽ hơi “khó nhằn” một chút nếu những ngày đầu năm mới, trên giá sách của gia đình chúng ta là những cuốn sách như thế này.
Song chúng ta cần phải nghĩ khác đi, tư duy nhiều hơn và hành động quyết liệt hơn.
Mỗi một người xắn tay áo làm, cùng trăn trở nghĩ suy cùng những vấn đề hệ trọng mà cộng đồng và nhân loại đang thao thức, thì có lẽ không gì là không thể.
Giữa vô vàn manh mối, tôi chợt bừng tỉnh với dấu hiệu mà giáo sư thông thái, nhà kinh tế học Diane Coyle để lại, cái vấn đề là đừng để sai lệch dữ liệu ngay từ đầu!.