Kinh tế khó khăn, xu hướng 'hàng Dupe' nở rộ tại Trung Quốc

Trước tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Trung Quốc đang chủ động tìm tới các lựa chọn thay thế giá rẻ (hàng dupe) trong nhiều danh mục khác nhau, từ hàng hiệu cho đến mỹ phẩm và du lịch, để tiết kiệm chi phí…

Người tiêu dùng tại Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ, đều đang "siết chặt hầu bao" và chuyển sang các lựa chọn tiết kiệm ởhầu hết mọi danh mục tiêu dùng, từ hàng xa xỉ, nhu yếu phẩm hàng ngày cho đến cả trải nghiệm du lịch.

Tất nhiên, đây không phải là một phong trào hoàn toàn mới nhưng dường như sức hút của nó càng trở nên mạnh mẽ vào thời gian qua trong bối cảnh kinh tế ảm đạm. Theo truyền thông địa phương, nền tảng bán buôn 1688 của Alibaba là một trong những đơn vị hưởng lợi đáng kể từ xu hướng này, với lượt tìm kiếm từ khóa "pingti" (hàng dupe) tăng gần 2.000% ngay những tháng đầu năm 2024.

HÀNG DUPE LÊN NGÔI

Tại Trung Quốc, cụm từ "pingti" được hiểu nôm na là các sản phẩm “bản sao” hàng hiệu nhưng có giá cả phải chăng hơn. Cần lưu ý rằng những sản phẩm này không hẳn là hàng giả, chúng được các nhà sản xuất địa phương cam kết có thiết kế tương đồng và chất lượng chẳng kém gì các thương hiệu hàng đầu toàn cầu, tất nhiên là với mức giá “mềm” hơn. Chẳng hạn như chiếc áo khoác vải Tweed trị giá 3.200 nhân dân tệ (450 USD) từ nhà sản xuất thời trang Chicjoc của Trung Quốc, được quảng cáo là làm từ vải nhập khẩu Italy cùng nhà cung cấp với Prada và Bottega Veneta.

Theo Business Insider, trợ lý giảng viên đại học Ruth Jin (32 tuổi) chia sẻ rằng gần đây cô bắt đầu mua quần áo không có nhãn hiệu trên các ứng dụng thương mại điện tử như Taobao và Pinduoduo. "Các nhà bán hàng không có thương hiệu hoặc doanh nghiệp nhỏ thường bắt chước mẫu mã của thương hiệu lớn. Thay vì mua hàng chính hãng, tôi sẽ tham khảo các phiên bản không thương hiệu có giá thành rẻ hơn”, cô Jin giải thích.

Tương tự, một chuyên gia chứng khoán ở Thâm Quyến, bà Ding Xiaoying đã ngừng việc chi tiêu hàng nghìn USD cho hàng hiệu sau khi thu nhập và tiền thưởng hàng năm của bà bị giảm tới một nửa. Bà Ding đã chọn mua phiên bản "pingti" của các mẫu đồ ngủ Victoria's Secret hay áo sơ mi giống Ralph Lauren và Bottega Veneta. "Tôi đã chuyển một phần chi tiêu thời trang sang các thương hiệu không tên tuổi. Tôi thấy chất lượng hàng hóa của họ không tệ, thậm chí nhiều thương hiệu đang làm rất tốt và bắt đầu cho ra mắt các thiết kế của mình để tránh kiện tụng”, bà Ding nói thêm.

Kể từ năm ngoái, doanh số hàng dupe đã tăng vọt tại Trung Quốc, khi người tiêu dùng nước này "săn lùng" các lựa chọn tiết kiệm hơn trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt hàng loạt thách thức. Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 7/2024, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng dupe tại địa phương đã đạt mức tăng trưởng hai đến ba con số trên các nền tảng thương mại điện tử như Taobao hay Tmall, dữ liệu từ công ty phân tích Hangzhou Zhiyi Technology cho thấy. Ngược lại, trong cùng giai đoạn, một số thương hiệu nước ngoài bị sao chép lại chứng kiến đà tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí giảm mạnh trên các nền tảng nêu trên.

Suy giảm kinh tế đang càng khiến người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn, nên ngay cả các thương hiệu tầm trung như Nike và Uniqlo cũng gặp khó khăn trong việc kinh doanh tại quốc gia tỷ dân. Trong một báo cáo của riêng mình, Uniqlo từng đề cập đến xu hướng người tiêu dùng tìm đến các sản phẩm được bán trực tiếp bởi nhà sản xuất và bỏ qua khâu trung gian là các thương hiệu. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì Trung Quốc là nhà sản xuất sản phẩm gốc (OEM) lớn nhất của thế giới. Những nhà máy OEM, thường sản xuất luôn sản phẩm hoàn chỉnh cho các thương hiệu, có thể dễ dàng bán trực tiếp những món đồ này tới tay người tiêu dùng dưới thương hiệu của riêng họ.

THAY ĐỔI TRONG THÓI QUEN TIÊU DÙNG

Không riêng hàng hiệu hay đồ dùng hàng ngày, người Trung Quốc còn tìm kiếm các trải nghiệm “dupe” trong du lịch, giáo dục và thậm chí là chăm sóc sức khỏe.

Rất nhiều bài đăng trên Xiaohongshu liệt kê các địa điểm ở Trung Quốc đại lục có cảnh quan tương đồng với các danh lam thắng cảnh quốc tế, ví dụ như thành phố Ili ở Tân Cương, nơi có những cánh đồng hoa oải hương giống như ở Provence (Pháp) hay khu tự trị Xishuangbanna - giáp Lào và Myanmar - như một lựa chọn thay thế cho Bangkok (Thái Lan).

“Xishuangbanna có kiến trúc tương tự như ở Thái Lan. Ngôn ngữ của dân tộc Dai sống ở khu tự trị này cũng nghe hao hao tiếng Thái do đó khách du lịch sẽ có cảm giác như thể đang ở Thái Lan”, một số bài đăng chia sẻ.

Cleo Xie, một giám đốc ngân hàng cao cấp ở Thành Đô, cho biết trước đại dịch, gia đình bà thường đi nghỉ ở châu Âu hoặc châu Á ít nhất hai lần mỗi năm. Nhưng kể từ năm 2020, họ chỉ du lịch trong nước vào các kỳ nghỉ.

"Các biện pháp kiểm soát trong thời gian đại dịch đã thay đổi thói quen du lịch của mọi người. Bây giờ nhiều người cho rằng du lịch trong nước tiện lợi và không cần phải lập kế hoạch quá nhiều”, bà Xie chỉ ra.

Về giáo dục, giới trẻ đang chủ động khám phá các lựa chọn tại trường đại học dành cho người lớn và tham gia lớp học theo sở thích cá nhân tại thư viện công cộng, nơi có học phí rẻ hơn nhiều so với các cơ sở thương mại tư nhân.

Trong khi đó, nhiều người cũng đang chuyển sang sử dụng dịch vụ y tế từ xa và nhà thuốc trực tuyến thay vì đến phòng khám hay bệnh viện nếu tình trạng bệnh không nguy hiểm.

Ông MingYi Lai, cố vấn chiến lược tại công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting ở Bắc Kinh cho rằng thay đổi trong hành vi tiêu dùng ở Trung Quốc không hoàn toàn là về vấn đề ngân sách eo hẹp. Tinh thần chung hiện nay ở nước này là hướng tới cuộc sống tốt trong khi chi tiêu ít hơn.

Dữ liệu chính thức công bố vào tháng 9 cho thấy Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng ít hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế. Trong khi đó, chỉ số Giá sản xuất (PPI) giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 23 liên tiếp PPI nằm trong vùng âm, gây lo ngại về "vòng xoáy giảm phát" khi mọi người có thể trì hoãn chi tiêu do kỳ vọng giá tiếp tục giảm, kéo thêm nền kinh tế đi xuống.

Có khả năng người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tiếp tục "thắt lưng buộc bụng" trong thời gian tới. Một khảo sát của Bank of America với 1.052 người tiêu dùng Trung Quốc cho thấy tâm lý tiêu dùng vẫn đang ở mức yếu, với chỉ 30% người tham gia khảo sát dự định chi tiêu nhiều hơn vào cuối năm nay và 21% kỳ vọng thu nhập sẽ tăng trong sáu tháng tới.

Mỹ Hân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/kinh-te-kho-khan-xu-huong-hang-dupe-no-ro-tai-trung-quoc-post554948.html
Zalo