Kinh tế Hải Phòng năm thứ 10 liên tiếp tăng trưởng 2 con số

Kinh tế thành phố Hải Phòng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2024 ước đạt 11,01%, đứng thứ 3 toàn quốc.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương diễn ra chiều 23/12, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng cho biết, năm 2024 là năm thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, là năm có ý nghĩa quan trọng tạo đà bứt phá để thực hiện các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Đại hội Đảng các cấp.

Thực hiện nhiệm vụ năm 2024 có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường với sự cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa các quốc gia và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho thành phố Hải Phòng và các tỉnh lân cận.

Kinh tế Hải Phòng năm thứ 10 liên tiếp tăng trưởng 2 con số

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Sở Công Thương thành phố Hải Phòng đã tích cực, chủ động tham gia sáng tạo trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Cụ thể, kinh tế thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2024 ước đạt 11,01%, đứng thứ 3 toàn quốc. Đây là năm thứ 10 liên tiếp thành phố Hải Phòng tăng trưởng ở mức hai con số, thể hiện sự phát triển bền vững của thành phố với vai trò động lực tăng trưởng vùng đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh chung của cả nước.

Tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước đạt 15,43%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP ước đạt 43,86%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong ngành chế biến, chế tạo đạt 66%. Điều này cho thấy sự chuyển mình tích cực về công nghệ và chất lượng sản phẩm.

Năm 2024, xuất khẩu là một trong những điểm sáng của thành phố Hải Phòng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 36 tỷ USD, tăng 16,13% so với năm 2023 và đạt trên 115% kế hoạch năm. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 25,75 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,6% so với năm 2023. Như vậy, xuất khẩu và nhập khẩu đều giữ đà tăng trưởng tích cực, là kết quả nỗ lực của thành phố trong việc thực hiện công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu

Thu hút FDI cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Hải Phòng. Tổng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2024 ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 235 % so với kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng cho biết, năm 2024 là năm thứ 10 liên tiếp kinh tế Thành phố tăng trưởng ở mức hai con số

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng cho biết, năm 2024 là năm thứ 10 liên tiếp kinh tế Thành phố tăng trưởng ở mức hai con số

Song song với đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương tiếp tục được triển khai đồng bộ.

Thứ nhất, đã thành lập được 4 khu công nghiệp, nâng tổng số khu công nghiệp thành lập trên địa bàn lên 17 cụm với tổng diện tích 683,75 ha.

Thứ hai, tăng cường thực hiện công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, mở rộng thị trường xuất khẩu, tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại ngành Công Thương Hải Phòng năm 2024, Hội nghị Diễn đàn CEO - Cất cánh toàn cầu cùng Amazon, đồng thời tổ chức Diễn đàn Logistics vùng lần thứ 5 năm 2024 với chủ đề Chuyển đổi số - động lực thúc đẩy tăng trưởng vùng đồng bằng sông Hồng Hải Phòng 2024, tổ chức đoàn công tác hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng, trao đổi, làm việc với thành phố Göteborg Thụy Điển và Phần Lan.

Tại Thụy Điển, Sở Công Thương Hải Phòng đã ký nhận bản ghi nhớ với chính quyền Göteborg để hỗ trợ phát triển cảng biển và dịch vụ logistics, phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại các nước để hỗ trợ các doanh nghiệp các nước đến làm việc với doanh nghiệp thành phố Hải Phòng.

Thứ ba, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án đô thị, trung tâm thương mại, dự án khu vui chơi giải trí, nhà ở,công viên sinh thái Vũ Yên, dự án tổ hợp trung tâm thương mại vui chơi giải trí, khách sạn năm sao và văn phòng chothuê tại khu vực Chợ Sắt, Trung tâm Hội nghị thương mại dịch vụ quốc tế Hải Phòng và đã hoàn thiện hồ sơ trình Thủtướng Chính phủ.

Thứ tư, đã phối hợp với các sở, ngành liên quan để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 5 khu công nghiệp.

Thứ năm, đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định và thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, việc Nghị định 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp được ban hành đã tạo cho các địa phương, trong đó có Hải Phòng, thúc đẩy được tiến độ thu hút nhà đầu tư đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Bộ Công Thương và kết nối trực tuyến với mạng lưới các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Bộ Công Thương và kết nối trực tuyến với mạng lưới các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài

Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Công Thương Hải Phòng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, cụm liên kết, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI.

Năm 2025, để thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch đặt ra, ngành Công Thương đã được UBND thành phố giao các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Đảng bộ thành phố. Đồng thời, Sở Công Thương Hải Phòng cũng tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Tăng cường quản lý nhà nước trong công tác đầu tư các công trình điện, đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch điện 8, đảm bảo cung ứng điện ổn định cho các hoạt động kinh tế - xã hội.

Hai là, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Công Thương theo hướng tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn, cơ khí chế tạo, ô tô, máy móc, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp nâng cao giá trị sản xuất và tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới như chất bán dẫn, robot, công nghiệp môi trường, công nghiệp tái tạo.

Ba là, tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đảm bảo đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và phát triển thương mại điện tử.

Bốn là, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đa dạng thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường trong khu vực vàcác hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Phối hợp thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics gắn với phát triển hàng hoáxuất nhập khẩu và thương mại nội địa. Tổ chức hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phố trong khu vực hai hành lang, một vành đai để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp thương mại, tổ chức kết nối cung cầu.

Ngọc Châm

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/kinh-te-hai-phong-nam-thu-10-lien-tiep-tang-truong-2-con-so-131638.htm
Zalo