Thực ra, ông Trump thích một 'định dạng khác' của quan hệ Nga-Ukraine, không phải đàm phán hòa bình!
Theo một số phân tích của các học giả, tổ chức quốc tế, xung đột Nga-Ukraine trong tầm kiểm soát mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ duy trì mức 'giao tranh thấp' để thực hiện những tính toán chiến lược có lợi cho Washington.
Trạng thái "kiểm soát được" có lợi cho Mỹ
Trang mạng của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai (valdaiclub.com) mới đây đăng bài viết nhận định rằng sự không thể dung hòa về lợi ích giữa Nga và Mỹ khiến xung đột Nga-Ukraine khó có thể giải quyết trong "một sớm, một chiều".
Chiến lược của Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump rất có thể sẽ giữ cuộc xung đột ở mức “giao tranh thấp”, tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine và duy trì chiến tuyến, không thúc đẩy leo thang tạo ra những bước ngoặt mang tính quyết định.
Chuyên gia Andrei Sushentsov, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế tại Học viện Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO), trực thuộc Bộ Ngoại giao LB Nga cho rằng xung đột Nga-Ukraine ổn định và có thể kiểm soát được sẽ cho phép Mỹ tiếp tục thuyết phục châu Âu "trả tiền" cho an ninh của nước Mỹ.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đối với người Nga, cuộc bầu cử Mỹ và chiến thắng của ông Donald Trump là một sự kiện tương đối quan trọng.
Các dữ liệu cho thấy ông Trump được coi là một tổng thống Mỹ thân thiện với Nga hơn những người tiền nhiệm như ông Barack Obama và ông Joe Biden. Khoảng 1/3 người Nga bày tỏ hy vọng về những thay đổi tốt đẹp hơn trong quan hệ Nga-Mỹ dưới chính quyền Tổng thổng đắc cử Donald Trump.
Tuy nhiên, trái ngược với những kỳ vọng lạc quan, chính quyền của ông Trump khó có thể khởi xướng một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột ở Ukraine. Một kịch bản khả thi hơn là chính sách “đóng băng” xung đột.
Châu Âu đã đầu tư nguồn lực khổng lồ về kỹ thuật quân sự, tài chính vào Ukraine. Tuy nhiên, tình hình ngày càng xuống sức của quân đội Ukraine, uy tín giảm của Tổng thống Ukraine Zelensky và làn sóng phản đối trong lòng châu Âu về sự tốn kém của việc hỗ trợ Kiev đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải đặt ra những câu hỏi lớn.
Các câu hỏi được đặt ra như châu Âu có nên tiếp tục sứ mệnh còn dang dở này hay không? Châu Âu có sai lầm khi liều lĩnh đặt cược vào leo thang xung đột? Hay liệu Mỹ có sẵn sàng bảo vệ đồng minh của mình trong trường hợp xảy ra đụng độ trực tiếp giữa một trong số họ với Nga?
Rõ ràng, mỗi tính toán sai lầm chiến lược đều ẩn chứa nguy cơ dẫn đến một lúc nào đó, phương Tây có thể phải đứng trước lựa chọn: Hoặc tiến hành xung đột quân sự trực tiếp với Nga hoặc rút lui.
Những vấn đề nan giải này đang thúc đẩy cuộc tranh luận về sự cần thiết của Liên minh châu Âu (EU) để giành được quyền tự chủ chiến lược và xây dựng năng lực quân sự của riêng mình.
Washington không muốn các đối tác châu Âu trở nên quá độc lập và muốn các đồng minh NATO đi theo con đường quân sự hóa dưới sự kiểm soát của Mỹ. Chiến lược này đã mang lại những lợi ích kinh tế nhất định cho Mỹ: Hàng trăm tỷ USD chảy từ EU sang Mỹ mỗi năm, trở thành khoản đầu tư vào khu liên hợp công nghiệp-quân sự và lĩnh vực năng lượng của Mỹ.
Về phần mình, Nga tìm cách khuyến khích Mỹ xem xét một cách nghiêm túc cấu trúc an ninh châu Âu, đồng thời đưa Ukraine ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của phương Tây. Rõ ràng, đây là những lập trường trái ngược với những mong muốn của Washington.
Khó thu hẹp bất đồng
Vừa qua, theo Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) - cơ quan tham mưu hàng đầu cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Nga đã có hội thảo tổng kết tình hình thế giới năm 2024 và dự báo năm 2025.
Theo đó, liên quan đến quan hệ Nga-Mỹ, hội thảo cho rằng dưới thời ông Trump, Mỹ có thể tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Joe Biden và tạm dừng trừng phạt mới đối với Nga trong giai đoạn đàm phán với Moscow và thảo luận về việc dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt nếu đạt được thỏa thuận về Ukraine.
Tuy nhiên, Washington cũng có thể sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhằm gây áp lực buộc Moscow phải ngồi vào bàn đàm phán và nhượng bộ một số điều kiện nhất định.
Ngay cả trong trường hợp xung đột bị đóng băng, phương Tây cũng chỉ có thể cam kết với Nga về việc đình chỉ mở rộng thêm các biện pháp trừng phạt, còn việc nới lỏng biện pháp trừng phạt thực sự chỉ có thể thực hiện được trong khuôn khổ một thỏa thuận khung hoặc gói về giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột Ukraine.
Giới chuyên gia Nga cho rằng điều quan trọng là ông Trump sẽ không bao giờ nhượng bộ, cùng lắm chỉ là giải pháp thỏa hiệp về một số vấn đề không mấy quan trọng đối với lợi ích của Mỹ.
Nhìn chung, theo Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) khó có khả năng Nga và Mỹ có thể khắc phục những khác biệt lớn đang tồn tại trong 4 năm tới, đặc biệt khi tính đến quan điểm “hòa bình thông qua sức mạnh” của ông Trump.