Kinh tế Điểm đến mới, dịch vụ mới
TTH - Với những tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa, Hương Trà đang tích cực tìm hướng đi mới để phát triển du lịch, dịch vụ.
Du khách trải nghiệm tại C-Farm. Ảnh: C-Farm cung cấp
Du lịch nông nghiệp, sinh thái
Hương Trà là địa phương có sự đa dạng và phong phú về địa hình và cảnh quan thiên nhiên, với các khu vực cảnh quan ven sông Hương và sông Bồ, các công trình hồ thủy điện, hồ chứa nước, chốn núi non trùng điệp, hùng vĩ, nhiều khe suối đẹp… có tiềm năng, ưu thế để phát triển du lịch và rất lý tưởng cho những hoạt động tham quan, dã ngoại, du lịch sinh thái.
Gần đây, trên địa bàn Hương Trà đã hình thành một số mô hình trang trại sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, giáo dục, như: C-Farm ở Hương Vân, Vườn trải nghiệm giáo dục xanh Gee Garden ở Bình Thành… Đây là những địa chỉ quen thuộc với các bạn trẻ, nhất là các em học sinh. Ngoài ra, còn có tour du lịch cộng đồng ở Quê Chữ, phường Hương Chữ đã hình thành đưa vào khai thác tour tuyến cho khách nước ngoài. Hay điểm du lịch sinh thái Khe Đầy (xã Bình Thành); suối Máu, suối Khe Tranh, Khe Lạnh, Khe Hung; địa đạo Khu ủy Trị Thiên (xã Bình Tiến)… thu hút rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Tại phường Hương Vân, mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm C-Farm của anh Nguyễn Việt Phước đầu tư từ giữa năm 2022, sau khi đưa vào thử nghiệm dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã thu hút 500-600 lượt khách/ngày. Đến với C-Farm, du khách được tận hưởng không khí trong lành, tự tay thu hoạch dâu và thưởng thức các loại nông sản tươi ngon được trồng theo phương pháp hữu cơ ngay tại nông trại, chơi đùa với cừu, thỏ…
“Chúng tôi đang tạm dừng đón khách để mở rộng đầu tư, làm nhà kính trồng rau quả công nghệ cao, vườn thú nhỏ - mini zoo… và sẽ sớm mở cửa vào đầu tháng 3 này”, anh Phước nói. Đầu tư lớn, nhiều khó khăn, nhưng theo Phước, du lịch nông nghiệp hiện có nhiều ưu thế khi du khách đã quá quen với các sản phẩm du lịch truyền thống. Quá trình tham quan, khám phá, trải nghiệm du lịch nông nghiệp sẽ tạo ra hứng thú mới cho khách khi họ được hiểu hơn về môi trường, cảnh quan tự nhiên, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt người dân và được hòa mình với thiên nhiên. Hơn nữa, làm du lịch nông nghiệp còn góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn; tạo việc làm tại chỗ; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương.
Còn nhiều việc phải làm
Giai đoạn từ nay đến năm 2025, thị xã Hương Trà tập trung phát triển dịch vụ - du lịch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, du lịch mang tính đặc trưng, có sức cạnh tranh cao; trong đó ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, du lịch trải nghiệm; nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác du lịch giữa thị xã với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Để thúc đẩy phát triển du lịch, mới đây (cuối năm 2022), ngành du lịch Huế phối hợp với UBND thị xã Hương Trà tổ chức chuyến khảo sát các điểm đến của địa phương, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia du lịch. Theo đánh giá của Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Hà Nội - Chi nhánh Huế Dương Thị Công Lý, Hương Trà sở hữu đa dạng các loại hình để hình thành sản phẩm du lịch. Tuy vậy, để phát triển tiềm năng thành sản phẩm du lịch thu hút được du khách, đòi hỏi địa phương có những kế hoạch, giải pháp mới có tính vững chắc, các sản phẩm hướng đến tính đặc trưng riêng và có tính chuyên nghiệp cao hơn.
Các chuyên gia du lịch cũng góp ý thị xã Hương Trà cần có những bước đi cụ thể, xác định các ưu tiên, chuyên nghiệp hóa dịch vụ. Trong đó, quy hoạch tổng thể và chi tiết điểm đến cho toàn thị xã cần được đặt lên hàng đầu; hình thành quỹ đất, những thiết chế cần thiết để thu hút đầu tư. Trong khi chờ đợi những nhà đầu tư có tầm cỡ đến thì các doanh nghiệp tại địa phương cần được tạo điều kiện nhiều hơn, bằng những mô hình dù có thể quy mô nhỏ nhưng chỉn chu dịch vụ.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Đỗ Ngọc An nhìn nhận, để phát triển du lịch xứng tầm, địa phương cần “vượt” nhiều hạn chế. Trước mắt, Hương Trà đang đẩy nhanh công tác quy hoạch của thị xã và các xã, phường, trong đó có quy hoạch dịch vụ - du lịch. Xác định lợi thế so sánh, những nhiệm vụ, việc cần ưu tiên, việc nào làm trước, làm như thế nào. Đồng thời, quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch. Phối hợp Sở Du lịch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay. “Thị xã cũng sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, xây dựng các cơ chế chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư trong thời gian đến”, ông An nói.
Bài, ảnh: LIÊN MINH