Kinh tế báo chí: Nền tảng tự chủ hướng tới phát triển bền vững

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, môi trường truyền thông không ngừng thay đổi, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cần đổi mới toàn diện để thích ứng và phát triển. Kinh tế báo chí không còn là vấn đề riêng của từng cơ quan báo chí mà là yêu cầu mang tính hệ thống nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững, tự chủ và hiện đại.

Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số”.

Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số”.

Song song định hướng xây dựng mô hình Tổ hợp báo chí-truyền thông chủ lực đa phương tiện và thúc đẩy chuyển đổi số… nội dung về phát triển kinh tế báo chí cũng là một điểm nhấn quan trọng trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng báo chí cả nước.

Tại Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số”, nhiều ý kiến cho rằng, dù Luật Báo chí năm 2016 có quy định cho phép báo chí thực hiện hoạt động kinh tế nhưng các quy định còn thiếu cụ thể, chưa hình thành hành lang pháp lý rõ ràng để các cơ quan báo chí triển khai hiệu quả.

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng chỉ rõ: Cơ quan báo chí hiện nay được xác định là đơn vị sự nghiệp có thu, nhưng đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Nếu không giải được bài toán kinh tế thì báo chí không thể phát triển.

Dẫn điều 21 của Luật Báo chí hiện hành, ông Sưởng nhấn mạnh, các cơ quan báo chí có bốn nguồn thu: Từ hoạt động báo chí (bán báo giấy, bán bản quyền nội dung), từ ngân sách nhà nước, từ các hoạt động kinh tế khác phù hợp với quy định của pháp luật và nguồn thu nhận các khoản tài trợ, viện trợ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cả bốn nguồn thu đều đang gặp thách thức. Việc bán báo in đang sụt giảm nhanh chóng; báo điện tử gần như không có doanh thu khi phần lớn nội dung đang được phát miễn phí; nguồn ngân sách chỉ đáp ứng rất hạn chế; quảng cáo trên báo in không còn thịnh hành; còn nguồn tài trợ thì hiếm hoi và không ổn định...

Thực tế báo in hiện nay, theo ông Sưởng là bán giấy và công sức lao động chứ không phải bán giá trị nội dung, bởi nội dung chất lượng đến mấy, giá bán vẫn giữ nguyên. Từ đó câu hỏi đặt ra: Báo chí đang sống bằng gì và phát triển bằng gì?

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng góp ý vào dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng góp ý vào dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Góp ý cho dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), ông Sưởng đề xuất cần có định hướng cụ thể để phát triển kinh tế báo chí, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để báo chí có các điều kiện phát triển kinh tế. Vì vậy, cần thiết có quy định để các báo điện tử cùng triển khai cơ chế thu phí nội dung, tránh tình trạng chỉ một vài cơ quan báo chí thu phí, còn lại đa phần vẫn miễn phí. Như vậy không thể phát triển nền kinh tế báo chí.

Chúng ta đang mang lại nguồn thu cho các nhà mạng, các nền tảng số, các công ty kinh doanh dịch vụ truyền thông trong khi các cơ quan báo chí lại không có nguồn thu, phải trả lương hàng trăm phóng viên, tập trung sản xuất nội dung chất lượng nhưng đổi lại chỉ để lấy vài lượt xem trên các nền tảng xã hội.

Thực tế cho thấy, phần lớn cơ quan báo chí đang gặp khó khăn về nguồn thu. Nhiều tờ báo in sụt giảm doanh số, phải thu hẹp kỳ phát hành, giảm nhân sự hoặc chuyển đổi sang loại hình điện tử. Trong khi đó, báo điện tử lại chưa xây dựng được mô hình thu phí khả thi.

Việc phụ thuộc vào quảng cáo, vốn đang bị chia sẻ mạnh cho các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, YouTube, TikTok… khiến báo chí trong nước gặp bất lợi ngay trên “sân nhà”. Cùng với đó, chi phí vận hành bộ máy, duy trì hệ thống, đầu tư công nghệ, đào tạo nhân sự, sản xuất nội dung đa phương tiện… ngày càng tăng, tạo áp lực tài chính rất lớn.

Ông Nguyễn Kim Khiêm, Tổng Giám đốc Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội phân tích, Nghị quyết 68-NQ/TƯ về Phát triển kinh tế tư nhân thể hiện cuộc cách mạng trong nhận thức về vai trò kinh tế tư nhân, một động lực quan trọng để phát triển tăng trưởng đất nước. Đây là thời điểm cần nhìn nhận lại vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong lĩnh vực báo chí-truyền thông.

Thực tế, các hoạt động liên kết, hợp tác, xã hội hóa trong lĩnh vực báo chí đang và đã diễn ra nhưng thể hiện dưới tên gọi khác. Do đó, cần bổ sung quy định rõ ràng hình thức, quyền hạn tham gia của khu vực tư nhân trong phát triển báo chí truyền thông bảo đảm đúng định hướng.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh là hành lang pháp lý. Báo chí muốn tồn tại và phát triển không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước. Để tự chủ, cơ quan báo chí phải có cơ chế để phát triển dịch vụ, làm truyền thông, tổ chức sự kiện, xuất bản chuyên đề… Tuy nhiên, nhiều quy định hiện hành chưa cụ thể khiến nhiều cơ quan còn lo ngại rủi ro về pháp lý.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, cần quy định rõ về cơ chế tài chính, cơ chế thu-chi đối với phần doanh thu ngoài hoạt động báo chí cũng như trách nhiệm giám sát để tránh tình trạng “thương mại hóa”, xa rời tôn chỉ mục đích.

Mặc dù hướng đến tự chủ nhưng báo chí vẫn là lĩnh vực đặc thù cần sự bảo trợ của Nhà nước và sự đồng hành của xã hội. Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho báo chí công ích, hỗ trợ báo chí vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số đồng thời có chính sách ưu đãi thuế, quỹ hỗ trợ phát triển báo chí số, hỗ trợ đào tạo nhân lực về kinh tế truyền thông, chuyển đổi số… Luật Báo chí (sửa đổi) cần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, rõ ràng để báo chí có thể chủ động, sáng tạo trong phát triển mô hình kinh tế riêng, đảm bảo mục tiêu độc lập tài chính và giữ vững tôn chỉ, đạo đức nghề nghiệp.

Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.

Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.

Góp ý hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số, ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng, cần quy định rõ trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), mọi doanh nghiệp, tổ chức khi sử dụng, khai thác nội dung báo chí - dù trực tuyến hay ngoại tuyến - đều phải có thỏa thuận với tòa soạn và làm việc với cơ quan báo chí. Không thể để hàng trăm tờ báo sản xuất nội dung tốn kém nhưng lại để các nền tảng và dịch vụ trung gian khai thác miễn phí. Trước đây, đọc báo phải trả tiền nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, việc đọc báo là miễn phí. Cơ quan báo chí không có cơ chế để thu tiền.

Phát triển kinh tế báo chí là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số. Một hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch và phù hợp thực tiễn sẽ là nền tảng để báo chí bước vào thời kỳ phát triển mới chuyên nghiệp, tự chủ, hiện đại và bền vững, hội nhập.

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cần tiếp tục lắng nghe những ý kiến từ thực tiễn, từ các tòa soạn, từ đội ngũ nhà báo đang nỗ lực giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp trong kỷ nguyên số. Luật Báo chí không chỉ tạo hành lang pháp lý để báo chí tồn tại mà còn là động lực để báo chí phát triển cả về nội dung, công nghệ và kinh tế.

NGỌC LIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kinh-te-bao-chi-nen-tang-tu-chu-huong-toi-phat-trien-ben-vung-post880608.html
Zalo