Các cấp hội phụ nữ huyện Khánh Sơn nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực góp phần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của người dân về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông

Cuối tháng 4-2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Khánh Sơn tổ chức lễ phát động Chiến dịch truyền thông “Vì bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2025. Sau lễ phát động, cán bộ, hội viên đã tham gia diễu hành qua các tuyến đường chính trên địa bàn huyện để tuyên truyền về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em… Đây là một trong những hoạt động trong công tác tuyên truyền nhằm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của đồng bào nói chung, phụ nữ nói riêng, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới, những tập tục có hại mà các cấp hội trên địa bàn huyện triển khai khi thực hiện Dự án 8 từ năm 2022 đến nay.

Tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình tại Lễ phát động Chiến dịch truyền thông “Vì bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2025.

Tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình tại Lễ phát động Chiến dịch truyền thông “Vì bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2025.

Hằng năm, các cấp hội tổ chức các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch, triển khai đến 8 xã, thị trấn và đưa kinh phí đến các địa phương để tổ chức truyền thông sân khấu hóa trực tiếp tại cộng đồng. Mới đây, tại xã Sơn Lâm, Hội LHPN huyện đã tổ chức truyền thông sân khấu hóa với chủ đề “Xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Tại chương trình, các đội truyền thông của Hội LHPN xã Sơn Lâm trình diễn 4 tiểu phẩm gồm: Đường về, Con nào cũng là con, Thức tỉnh, Thấu hiểu. Các tiểu phẩm đã phản ánh tình trạng bạo lực gia đình xảy ra đâu đó trong đời sống hằng ngày, những suy nghĩ lạc hậu, tư tưởng trọng nam khinh nữ và hậu quả xảy ra. Từ đó, tuyên truyền đến hội viên phụ nữ và người dân thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em… Bà Võ Thị Hoàng Tuyên - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Lâm cho biết, nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế nên việc tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa thông qua các tiểu phẩm sẽ giúp cho người dân nắm rõ hơn, nhanh hơn, sâu sắc hơn các vấn đề trong xã hội và dễ tiếp cận với nội dung được tuyên truyền.

Ngoài ra, hằng năm, Hội LHPN huyện còn phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tổ chức các hội thi về: Phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới; phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em; giao lưu sáng kiến truyền thông giữa các mô hình “Địa chỉ an toàn”… Thông qua các hình thức như: Thơ ca, hò vè, tiểu phẩm, trả lời câu hỏi, các đội tham gia thi tuyên truyền cho người dân nhiều nội dung liên quan đến việc hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình khi đến tạm lánh tại địa chỉ an toàn; xóa bỏ định kiến giới, các hủ tục lạc hậu; phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn…

Hội thi giao lưu sáng kiến truyền thông giữa các mô hình “Địa chỉ an toàn” tại huyện Khánh Sơn.

Hội thi giao lưu sáng kiến truyền thông giữa các mô hình “Địa chỉ an toàn” tại huyện Khánh Sơn.

Những kết quả tích cực

Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập 50 mô hình, câu lạc bộ thực hiện Dự án 8. Trong đó, có 27 tổ truyền thông cộng đồng, 8 địa chỉ an toàn, 7 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi trong trường học”, 8 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi trong cộng đồng”. Từ năm 2022 đến nay, Hội LHPN huyện đã tổ chức hơn 140 lớp tập huấn, buổi tọa đàm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm… cho gần 8.300 lượt người. Các nội dung được thông tin, tuyên truyền liên quan đến việc xóa bỏ định kiến giới xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em và phòng, chống mua bán người; cung cấp kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, tư vấn pháp luật, kiến thức và kỹ năng về phòng, chống xâm hại tình dục, phòng, chống bạo lực gia đình; nâng cao nhận thức cho hội viên về mô hình địa chỉ tin cậy, địa chỉ an toàn; trang bị kỹ năng về bình đẳng giới; cách thức thành lập, vận hành và hoạt động của mô hình truyền thông tại cộng đồng. Đồng thời, tập huấn kỹ năng xây dựng và phát triển mô hình sinh kế cho hội viên, phụ nữ; hướng dẫn xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kết nối thị trường để tiêu thụ sản phẩm; tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo huyện với phụ nữ,… Qua đó, góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ, nam giới trên địa bàn huyện; giảm các vụ bạo lực gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; giúp chị em chủ động và tự tin hơn trong việc áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ, tổ truyền thông còn thực hiện tuyên truyền về phòng, chống tai nạn đuối nước; tác hại của ma túy; phòng, chống pháo nổ… cho học sinh, thanh niên, phụ nữ.

Hoạt động truyền thông bằng hình thức sân khấu hóa với các tiểu phẩm.

Hoạt động truyền thông bằng hình thức sân khấu hóa với các tiểu phẩm.

Hội LHPN huyện đã thực hiện lắp đặt 38 pa nô tuyên truyền Dự án 8 tại các địa phương; xây dựng, in ấn và phát 14.000 tờ rơi truyền thông về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em; tổ chức các hội thi, liên hoan, giao lưu sáng kiến truyền thông. Hội đã thành lập và hướng dẫn các đội thi tham gia Hội thi “Tổ truyền thông cộng đồng”, “Thủ lĩnh giỏi” cấp tỉnh năm 2024 và đạt 1 giải nhì, 1 giải ba…

Bà Mấu Thị Mộng Mơ - Chủ tịch Hội LHPN huyện Khánh Sơn cho biết, hội tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện Dự án 8 cụ thể theo từng năm để triển khai kịp thời các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Thời gian qua, các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động như: Tổ chức các hội thi, giao lưu, chia sẻ giữa các tổ truyền thông, câu lạc bộ, mô hình đã thành lập; tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông… Trong đó, hội đã đưa kinh phí về các xã, thị trấn để tổ chức các hoạt động truyền thông bằng hình thức sân khấu hóa. Các hoạt động được tổ chức trực tiếp tại cộng đồng đã thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham dự. Nội dung truyền thông được tuyên truyền rộng rãi, người nghe không nhàm chán khi được thể hiện bằng những tình huống xảy ra trong cuộc sống. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền của Dự án 8. Thông qua các hoạt động của Dự án 8 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của hội viên phụ nữ, người dân trên địa bàn huyện về bình đẳng giới, khuôn mẫu giới; phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; các kiến thức về hôn nhân và gia đình. Trong thời gian tới, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để giúp chị em có nhận thức sâu sắc và hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ của mình; nhìn nhận được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ đối với gia đình, trong công tác chính trị và ngoài xã hội.

CHÂU TƯỜNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202505/cac-cap-hoi-phu-nu-huyen-khanh-son-no-luc-thuc-day-binh-dang-gioi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-3cf399c/
Zalo