Kinh nghiệm quốc tế: Xây dựng chính sách đa số đều xuất phát từ Chính phủ

Một trong những đổi mới đáng chú ý tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 19/2/2025 là Luật đã quy định về xây dựng chính sách. Tham khảo quy trình chính sách của các nước trên thế giới sẽ là kinh nghiệm tốt để chúng ta thực hiện có hiệu quả quy định mới này của Luật Ban hành VBQPPL năm 2025.

Tòa nhà lập pháp Ontario tại trung tâm Toronto Canada. (Ảnh minh họa: ofa.on.ca)

Tòa nhà lập pháp Ontario tại trung tâm Toronto Canada. (Ảnh minh họa: ofa.on.ca)

Tại Canada: Xây dựng chính sách chủ yếu do Chính phủ thực hiện

Theo Luật Ban hành VBQPPL năm 2025, chính sách là tập hợp các giải pháp cụ thể của Nhà nước để giải quyết một hoặc một số vấn đề của thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu nhất định, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng. Tham vấn chính sách là việc trao đổi trực tiếp giữa cơ quan lập đề xuất chính sách với cơ quan, tổ chức, cá nhân được tham vấn theo quy định của Luật này nhằm lựa chọn giải pháp, hoàn thiện chính sách của dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia coi trọng quy trình xây dựng chính sách và quy trình này được thực hiện trước khi bắt tay vào soạn thảo dự án luật. Mặc dù quy định không giống nhau nhưng đa số các nước, quy trình xây dựng chính sách đều xuất phát từ Chính phủ.

Ở Canada, quy trình chính sách được chia thành nhiều giai đoạn và quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể từ xây dựng đến phê duyệt chính sách. Quy trình xây dựng chính sách thường bắt đầu bằng công đoạn đề xuất xây dựng chính sách và kết thúc bằng công đoạn phê duyệt chính sách. Quy trình xây dựng chính sách chủ yếu do Chính phủ thực hiện.

Nhật Bản, các ý tưởng hoặc đề xuất chính sách sẽ được xem xét ưu, nhược điểm, so sánh các phương pháp khác nhau để giải quyết vấn đề đặt ra. Việc xây dựng chính sách và chuẩn bị các luật liên quan sẽ được chủ trì bởi Bộ trưởng và Bộ chuyên phụ trách vấn đề có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ mà luật quy định. Việc đề xuất và xây dựng chính sách của các Bộ là một quá trình được xử lý từ trong nội bộ các Bộ cho tới đưa ra thảo luận với các chuyên gia từ Bộ, ngành khác và với cơ quan chuyên môn của Chính phủ.

Các vấn đề thuộc chính sách phải được dung hòa lợi ích một cách hợp lý nhất, đặc biệt các trường hợp mà nội dung liên quan tới quyền, trách nhiệm của nhiều Bộ, địa phương. Toàn bộ quá trình xây dựng và hoạch định chính sách được coi là giai đoạn quan trọng nhất và được thực hiện theo một quy trình rất chuyên nghiệp, nghiêm túc, như các chương trình nghiên cứu thực tiễn, thu thập thông tin từ nghiên cứu điều tra cơ bản, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, các điều ước quốc tế, nghiên cứu kỹ lưỡng về thẩm quyền ban hành chính sách, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, lấy ý kiến Nhân dân...

Tại Pháp: Đánh giá tác động văn bản là bắt buộc

Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) năm 2025 còn nêu rõ, đánh giá tác động của chính sách là việc phân tích, dự báo khả năng ảnh hưởng của từng giải pháp nhằm lựa chọn phương án tối ưu, phù hợp với mục tiêu của chính sách.

Đối với những nước có quy trình chính sách, việc đánh giá tác động được thực hiện từ giai đoạn hình thành chính sách. Với mục đích tạo ra môi trường pháp luật thông thoáng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo sự tin tưởng của doanh nghiệp, người dân vào sự điều hành của Chính phủ, sự thuận tiện cho người dân, quản lý được rủi ro, bảo đảm văn bản phải có tính dự báo, tính hiệu quả, việc đánh giá tác động ngày càng được áp dụng rộng rãi.

Bộ trình đề xuất xây dựng chính sách phải đánh giá tác động sơ bộ của chính sách đối với người dân, doanh nghiệp, dự liệu chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, người dân và đánh giá được sự cần thiết của việc ban hành văn bản dưới các góc độ: phạm vi tác động gồm doanh nghiệp, cá nhân, Chính phủ, cộng đồng...; khả năng tác động tới kinh tế, xã hội, môi trường, thương mại, sức khỏe, an toàn cộng đồng...

Đánh giá tác động sơ bộ được thực hiện trước để đánh giá tác động về kinh tế. Nếu dự án chính sách có chi phí tuân thủ dự kiến từ 2 triệu USD trở lên thì phải đánh giá tác động chi tiết, đầy đủ, kỹ lưỡng từ tác động đến chính sách, xã hội. Phải lượng hóa được thông tin trong quá trình đánh giá, theo đó, cả tiêu chí định lượng và định tính được thu thập, phân tích thì mới xác định được nguồn thông tin cần thu thập để có thể đưa ra được các phương án lựa chọn khác nhau và có thể lựa chọn phương án tối ưu nhất.

Nghiên cứu về kết quả áp dụng một văn bản pháp luật hiện hành cũng phải được thực hiện bằng một đánh giá tác động. Đánh giá tác động phải được thực hiện trong thời hạn quy định trong mỗi luật tương ứng. Đánh giá tác động của một luật chuyên ngành có thể được tiến hành theo quyết định trong thời hạn do cơ quan thông qua hoặc ban hành luật chuyên ngành đó đặt ra. Đánh giá tác động có thể được thực hiện định kỳ theo quyết định và trong thời hạn do cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện nghiên cứu về kết quả áp dụng văn bản liên quan đặt ra.

Ở Pháp, đánh giá tác động văn bản là bắt buộc trong quá trình soạn thảo văn bản pháp luật. Đánh giá tác động văn bản do Bộ quản lý ngành thực hiện. Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế. Việt Nam và nhiều nước cũng theo mô hình này.

Ở một số nước, đánh giá tác động sau ban hành là cần thiết để đánh giá về hiệu quả thi hành pháp luật. Chẳng hạn, ở Bulgaria nghiên cứu về kết quả áp dụng một văn bản pháp luật phải được Bộ trưởng thực hiện đối với văn bản thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành đó; Thống đốc tỉnh đánh giá đối với văn bản pháp luật do Hội đồng cấp tỉnh thông qua.

Hà Uyên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/kinh-nghiem-quoc-te-xay-dung-chinh-sach-da-so-deu-xuat-phat-tu-chinh-phu-post540593.html
Zalo