Kinh nghiệm lái xe xuyên Việt dịp nghỉ lễ
Dịp 30/4 năm nay, TP.HCM có diễu binh, diễu hành thu hút sự quan tâm của người dân. Nhiều người lên kế hoạch lái xe vào TP.HCM để trực tiếp xem sự kiện này.
Chuẩn bị những kỹ năng cơ bản
Ngày 30/4 tới đây sẽ diễn ra lễ diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước tại TP.HCM nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Sự kiện này được nhiều người quan tâm và chia sẻ trên MXH, một số người cho biết sẽ lái ô tô từ Hà Nội vào TP.HCM để có thể xem trực tiếp.

Trước hành trình dài, phương tiện cần kiểm tra, bảo dưỡng kỹ càng để đảm bảo vận hành an toàn. Ảnh: Quang Tú.
Trao đổi với PV Xe Giao thông, anh Phương Minh Tuân, giảng viên đào tạo lái xe tại Hà Nội cho biết, trước mỗi chuyến đi dài, bên cạnh việc kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện để đảm bảo vận hành ổn định, tài xế cũng cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ tùy thân, lựa chọn tuyến đường, lịch trình phù hợp để không bị quá sức.
Thêm vào đó, tài xế cần chú ý tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, biển báo, vạch kẻ đường và tuyệt đối không sử dụng điện thoại để tránh xao nhãng, mất tập trung có thể ảnh hưởng đến an toàn.
"Có nhiều người cho rằng không nên di chuyển vào ban đêm bởi khi này, tầm nhìn hạn chế và dễ gây mệt mỏi hơn. Tuy nhiên, nếu điều kiện sức khỏe cho phép, không mệt mỏi, tài xế vẫn có thể lái xe vào ban đêm bởi khi này đường thoáng hơn. Nhưng tài xế nên đi chậm, chú ý đèn chiếu sáng đầy đủ và tập trung cao độ.
Tuyệt đối không nên lái xe trong tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ. Với các hành trình dài như vậy, tốt nhất nếu được nên có hai tài xế để có thể thay nhau lái, giúp giảm áp lực và mệt mỏi như khi chỉ có một người lái", anh Tuân chia sẻ thêm.
Ngoài những điều trên, anh Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị viên diễn đàn Oto+, từng có kinh nghiệm xuyên Việt nhiều lần nói thêm, để lái xe đường dài với thời gian cả chục giờ đồng hồ một cách an toàn, khỏe mạnh, "đi đến nơi, về đến chốn" cần rất nhiều yếu tố.
Theo anh Thắng, với những hành trình vài trăm, thậm chí vài nghìn km, các dòng xe gầm cao như SUV 5-7 chỗ ngồi hay bán tải đời mới là sự lựa chọn hàng đầu bởi chiếc xe giúp tài xế có góc nhìn thông thoáng. Đồng thời được trang bị nhiều tính năng an toàn hỗ trợ người lái hữu ích trên đường.
Những chiếc xe to lớn này có thể chứa được nhiều đồ đạc thiết yếu cho chuyến đi nhưng vẫn có không gian đủ rộng để các thành viên ngồi một cách thoải mái nhất, tránh bức bí dẫn đến say xe.
Thêm vào đó, vị trí ngồi thoải mái cũng cần được ưu tiên: "Đối với tài xế, nên điều chỉnh vị trí ngồi tối ưu và phù hợp. Cụ thể, khi lái xe đường dài nên điều chỉnh ghế ngồi thấp và ngả hơn hơn bình thường một chút. Còn nếu ngồi quá cao, nhìn "chúi" nhiều xuống phần đường trước mũi xe sẽ gây mỏi mắt. Còn khi ngồi thấp, tầm nhìn của tài xế sẽ hướng ra xa, mắt không bị mỏi, đồng thời có nhiều thời gian để phản ứng hơn khi gặp những tình huống bất ngờ phía trước".

Lựa chọn di chuyển bằng cao tốc để rút ngắn thời gian, có trạm dừng nghỉ. Ảnh: Tạ Hải.
Nên lựa chọn cao tốc để di chuyển
Cũng theo anh Tuân, hiện nay đường cao tốc của Việt Nam rất đẹp, phát triển và nếu lựa chọn hành trình xuyên Việt, nên chọn cao tốc để di chuyển để rút ngắn thời gian. Bên cạnh đó cao tốc có trạm dừng nghỉ, giúp tài xế khi mệt mỏi có thể dừng nghỉ kịp thời, tránh lái xe trong tình trạng không tỉnh táo. Tuy nhiên di chuyển bằng cao tốc, chi phí sẽ cao hơn do phải trả phí.
Còn theo anh Nguyễn Mạnh Thắng, hiện nay hệ thống đường cao tốc của Việt Nam đã khá phát triển.
"Ở những chuyến đi xuyên Việt, hầu hết thời gian là lái xe trên những tuyến cao tốc hoặc đường có 2-3 làn xe mỗi chiều trở lên. Để đảm bảo an toàn, nên ưu tiên lựa chọn làn giữa (với đường có 3 làn xe mỗi chiều trở lên) để di chuyển.
Lý do là khi lái xe ở làn giữa, chúng ta có tầm nhìn rộng hơn, có thể quan sát tốt dòng xe lưu thông ở làn đối diện cũng như làn xe cùng chiều, lại không bị khuất tầm nhìn bởi cây cối ở những đoạn đường cong về bên trái.
Bên cạnh đó nếu trên đường có sự cố bất ngờ, khi đi làn giữa tài xế có thể lựa chọn tránh sang hai làn còn lại. Trong khi nếu đi làn bên trái có tốc độ cao nhất, tài xế cũng chỉ có sự lựa chọn tránh sang làn giữa để tránh.
Đối với những đường cao tốc có dải phân cách bằng bê tông cứng và cao (như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) thì ở làn sát dải phân cách này sẽ có những cơn gió quẩn rất mạnh, có thể làm các xe nhỏ mất lái.
Đi gần dải phân cách cũng là một trong những lý do khiến người lái bị hoa mắt, sinh ảo giác... gây mệt mỏi trong thời gian dài", anh Thắng chia sẻ thêm.

Khi xuyên Việt bằng xe điện, tài xế cần chú ý hành trình có các điểm sạc kết hợp nghỉ ngơi hợp lý.
Đi xe điện cần chú ý trạm sạc
Là người từng sử dụng ô tô điện xuyên Việt, anh Nguyễn Mạnh Thắng cho biết điểm khác nhau giữa xe điện và ô tô động cơ đốt trong truyền thống khi đi hành trình dài là việc sạc xe.
Tài xế cần chủ động tính toán lộ trình để có thể vừa nghỉ ngơi vừa tranh thủ sạc pin cho phù hợp. Không nhất thiết khi xe báo gần hết điện mới "tá hỏa" tìm đến trạm sạc mà có thể sạc ngay từ sớm.
"Lái xe điện xuyên Việt bây giờ cứ đi theo quốc lộ 1 hoặc đường Hồ Chí Minh thì trạm sạc rất sẵn. Tùy theo dòng xe mà tài xế có thể lựa chọn sạc ở đâu cho tiện.
Ví dụ sạc đầy tại nhà ở Hà Nội, chạy đến trạm dừng nghỉ Tây Ninh Bình sạc lần nữa, sau đó có thể chạy một mạch đến Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nếu là các dòng VF 7, 8, 9", anh Thắng chia sẻ.
Với cá nhân anh Thắng, với các hành trình xuyên Việt thường lên kế hoạch chạy xe tầm 250 - 300km thì dừng nghỉ, kết hợp sạc xe.
Tuy nhiên theo kinh nghiệm, thường anh Thắng sẽ không sạc đầy xe bởi như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian. Khi dừng nghỉ kết hợp sạc xe, chỉ cần sạc tới 80% pin là được.