Kinh nghiệm giữ vững danh hiệu bon, buôn văn hóa ở Lâm Đồng

Tại nhiều thôn, buôn, bon trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phong trào xây dựng đời sống văn hóa được duy trì hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với các hoạt động phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc truyền thống và xây dựng nếp sống văn minh.

Điểm sáng buôn Nui

Nhiều năm liền được công nhận là buôn văn hóa tiêu biểu, buôn Nui, xã Cư Jút (Lâm Đồng) trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Để giữ vững danh hiệu buôn văn hóa, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền buôn Nui đã triển khai, vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện 5 nội dung và 20 tiêu chí của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Bằng những việc làm thiết thực của mỗi người dân, giờ đây buôn Nui đã có một diện mạo mới, đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Trong đó, điều dễ nhận thấy nhất là những hủ tục lạc hậu ngày xưa giờ đây không còn nữa mà thay vào đó là nếp sống văn minh, lành mạnh.

Nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được bỏ, đồng bào trong buôn chú ý đến việc thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh trong các hoạt động sinh hoạt, đời sống hàng ngày.

Đồng bào Ê đê ở Buôn Nui, xã Cư Jút đón khách du lịch đến tham quan

Đồng bào Ê đê ở Buôn Nui, xã Cư Jút đón khách du lịch đến tham quan

Theo thống kê, nhiều năm qua, tỷ lệ gia đình văn hóa trong buôn luôn đạt trên 90%, buôn còn 15 hộ nghèo, khoảng 60% số hộ có điều kiện kinh tế khá và giàu, 40% số hộ đã mua sắm được phương tiện nghe nhìn, nhiều hộ có xe gắn máy, xe cày và máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Buôn Nui còn đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống như lễ hội cồng chiêng, dệt thổ cẩm, văn hóa ẩm thực, truyền dạy tiếng dân tộc

Buôn Nui còn đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống như lễ hội cồng chiêng, dệt thổ cẩm, văn hóa ẩm thực, truyền dạy tiếng dân tộc

Bên cạnh đó, buôn Nui chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống như lễ hội cồng chiêng, dệt thổ cẩm, văn hóa ẩm thực, truyền dạy tiếng dân tộc... Các hoạt động này không chỉ giúp thế hệ trẻ hiểu và tự hào về bản sắc của dân tộc mình, mà còn tăng sự gắn kết giữa các gia đình, dòng họ trong cộng đồng.

Đồng bào Ê đê ở Buôn Nui gìn giữ văn hóa truyền thống

Đồng bào Ê đê ở Buôn Nui gìn giữ văn hóa truyền thống

Ông Y Bin Ê ban, Trưởng buôn Nui, xã Cư Jút cho biết, việc giữ vững danh hiệu buôn văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu là sự ghi nhận những nỗ lực của cộng đồng và là động lực để người dân buôn Nui tiếp tục phát huy tinh thần tự quản, sống đoàn kết, nghĩa tình, cùng nhau xây dựng buôn làng ngày càng phát triển, đậm đà bản sắc và văn minh.

"Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm trưởng buôn, tôi nhận thấy rằng, muốn người dân đồng lòng thực hiện nếp sống văn hóa, trước hết bản thân người trưởng buôn phải làm gương. Mỗi cuộc họp buôn, tôi đều lồng ghép tuyên truyền về xây dựng gia đình văn hóa, vận động bà con bỏ dần các hủ tục, giữ gìn phong tục tốt đẹp. Việc tuyên truyền phải nhẹ nhàng, kiên trì, có tình có lý thì bà con mới nghe, mới làm theo. Điều quan trọng là phải gần dân, hiểu dân, nắm được tâm tư, hoàn cảnh của từng hộ để có cách tuyên truyền phù hợp. Với những hộ còn khó khăn, trưởng buôn và Ban tự quản tìm cách hỗ trợ, giới thiệu vay vốn, tạo sinh kế để từng bước ổn định đời sống, từ đó khuyến khích họ cùng tham gia các phong trào thi đua, đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa”, ông Y Bin Ê ban chia sẻ.

Kinh nghiệm ở bon Bu Sóp

Bon Bu Sóp, phường Đông Gia Nghĩa (Lâm Đồng) giữ vững danh hiệu bon văn hóa tiêu biểu từ nhiều năm nay. Theo Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận bon Nguyễn Duy Mạnh, khi bắt tay vào xây dựng thôn, bon văn hóa, Bu Sóp phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là những hủ tục, các tiêu chí “điểm liệt” như hộ nghèo... Chính vì lẽ đó, ngay từ đầu, Ban công tác Mặt trận bon xác định phải quyết tâm phấn đấu và phấn đấu liên tục nhằm xây dựng thành công bon văn hóa.

Một góc bon Bu Sóp hôm nay

Một góc bon Bu Sóp hôm nay

Để làm được điều đó, Ban công tác Mặt trận bon đã cùng với Nhân dân triển khai thực hiện tốt các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Bon phát huy tinh thần đoàn kết, tiến hành nhiều biện pháp tích cực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Cùng với đó là thực hiện có hiệu quả quy ước xây dựng bon văn hóa như: chuẩn mực về nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; các quy định về an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ các công trình công cộng, vệ sinh môi trường, dân số - kế hoạch hóa gia đình…

Qua nhiều năm triển khai, hiện nay, đời sống Nhân dân được nâng lên, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được bà con hưởng ứng sôi nổi. Bon đã thành lập được câu lạc bộ văn nghệ dân gian, bóng chuyền. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt gần 93%; gần 10 năm nay bon không có tệ nạn xã hội; các thành viên trong mỗi gia đình, dòng họ đều có ý thức thực hiện hương ước, quy ước, xây dựng tình làng, nghĩa xóm ngày thêm đầm ấm, gắn bó.

Người dân bon Bu Sóp áp dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất lao động

Người dân bon Bu Sóp áp dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất lao động

Ông Nguyễn Duy Mạnh chia sẻ: “Để giữ vững danh hiệu thôn, bon văn hóa phải kể đến ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện quy chế xây dựng thôn văn hóa của người dân. Mọi gia đình, dòng họ đều có ý thức giáo dục các thành viên thực hiện hương ước, quy ước xây dựng tình làng nghĩa xóm ngày thêm đầm ấm, gắn bó...”.

Việc giữ vững danh hiệu thôn, buôn, bon văn hóa không chỉ là kết quả của sự nỗ lực từng cá nhân, từng gia đình, mà còn là thành quả của sự đoàn kết, đồng lòng của cả cộng đồng. Những kinh nghiệm từ buôn Nui, bon Bu Sóp thôn, bon, buôn, tổ dân phố cho thấy vai trò quan trọng của cấp ủy, ban tự quản, nhất là người đứng đầu trong tuyên truyền, vận động, phát huy nội lực từ chính người dân.

Việc duy trì và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp, gìn giữ bản sắc dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh chính là nền tảng để các thôn, bon, buôn, tổ dân phố phát triển bền vững, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho Nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh.

Mỹ Hằng

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-nghiem-giu-vung-danh-hieu-bon-buon-van-hoa-o-lam-dong-290835.html
Zalo