Kinh doanh xe buýt điện, Bảo Yến tiềm lực thế nào?
Công ty TNHH Du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến được thành lập từ năm 2002, hiện có hơn 1.000 lao động. Từ năm 2018-2023, doanh nghiệp trúng khoảng 20 gói thầu.
Mới đây, Nhịp sống thị trường dẫn thông báo trên Fanpage của Công ty TNHH Du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến, về việc dàn xe buýt điện mới đã có mặt ở trụ sở chính của công ty tại Đông Anh.
Từ hình ảnh được công bố, đây chính là mẫu xe buýt mới do VinFast sản xuất, từng xuất hiện tại nhà máy của hãng tại Hải Phòng cuối năm 2024, mang tên Green Bus 8.
Bên cạnh đó, Bảo Yến còn đăng tin tuyển dụng các vị trí để phục vụ cho dòng xe mới này. Theo đó, hãng đang tuyển dụng 20 công nhân lái xe có giấy phép lái xe hạng E và 20 nhân viên phục vụ trên xe buýt. Dự kiến, tháng 2/2025, những chiếc xe trên sẽ đi vào hoạt động.
Về Công ty TNHH Du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến, qua tìm hiểu, công ty được thành lập vào ngày 15/4/2002, có trụ sở chính tại khu Cầu Lớn, xã Nam Đồng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1974. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là vận tải hành khách đường bộ khác
Ban đầu mới đi vào hoạt động, công ty có 7 phương tiện là xe ô tô có trọng tải từ 2,5 – 3,5 tấn với 12 người lao động. Công ty chuyên cung cấp vật liệu xây dựng từ Đông Anh tới trung TP Hà Nội. Năm 2004, Bảo Yến đã đầu tư và phát triển thêm lĩnh vực xe taxi - cho thuê xe tự lái, xe phục vụ nhu cầu tham quan du lịch. Năm 2007, công ty bắt đầu vận hành 3 tuyến xe buýt ở Hà Nội gồm: 57 với lộ trình từ bến xe Nam Thăng Long - khu công nghiệp Phú Nghĩa; 58, khởi hành từ Yên Phụ đến Thạch Đà (Mê Linh); 59 từ Đông Anh đi Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Bảo Yến được Hà Nội giao vận hành một số tuyến xe buýt trên địa bàn như 60A, 60B, 76, 61,65… Đến năm 2017, công ty chính thức đưa 30 phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đầu tiên tại Việt Nam thay thế các phương tiện sử dụng nhiên liệu diezel trên các tuyến buýt số 60A và 61.
Năm 2018, công ty đã đưa vào vận hành 3 tuyến buýt CNG đầu tiên của thành phố Hà Nội gồm 157, 158 và 159. Giai đoạn sau đó, Bảo Yến liên tục đưa các xe sử dụng nhiên liệu sạch khí CNG vào hoạt động.
Thông tin trên website, Bảo Yến hiện điều hành 17 tuyến buýt ở Hà Nội gồm 57,58,59,60A, 60B, 61, 65, 142,143,144, 157,158, 159,160,161,162,163.
Hiện nay, công ty có hơn 1.000 lao động.
Theo VietnamFinance, tính đến ngày 10/11/2023, Công ty TNHH Du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến có vốn điều lệ 310 tỷ đồng. Thành viên góp vốn gồm: Ông Nguyễn Anh Tuấn góp 232,5 tỷ đồng (tỷ lệ 75%) vàbà Lê Thị Xuân góp 77,5 tỷ đồng (tỷ lệ 25%).
Thống kê khoảng từ năm 2018 đến năm 2023, Bảo Yến đã tham gia 20 gói thầu và trúng 20 gói, trượt 0 gói.
Riêng năm 2023, Bảo Yến cùng lúc trúng hai gói thầu vận tải hành khách bằng xe buýt tại Hà Nội từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội. Cụ thể, đơn vị này trúng Gói thầu số 01 Cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cho tuyến buýt số 61: Dục Tú (Đông Anh) - công viên Cầu Giấy, với giá trúng thầu hơn 182,35 tỷ đồng.
Tiếp đó, trúng gói thầu số 05 Cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cho tuyến buýt số 65: Thụy Lâm (Đông Anh) - Long Biên, với giá trúng thầu hơn 110,85 tỷ đồng.