Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải nộp thuế

Sáng 22-11, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi.

Quốc hội nghe Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội Media

Quốc hội nghe Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội Media

Theo đó, các cơ quan cho rằng, việc sửa đổi luật nhằm đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, tình hình phát triển mới của nền kinh tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.

Việc ban hành Luật Thuế TNDN (sửa đổi) để sửa đổi hoặc bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế; bảo đảm tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định, dài hạn; thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành nghề và địa bàn cần khuyến khích đầu tư.

Đáp ứng yêu cầu sửa đổi, bổ sung đồng bộ, toàn diện theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thực hiện các tiêu chuẩn về phòng, chống chuyển giá, chống trốn thuế, thất thu thuế, chống xói mòn nguồn thu theo thông lệ quốc tế. Quá trình xây dựng dự án luật đã đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về nội dung cơ bản, dự thảo luật đã bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) đã được Quốc hội đồng ý.

Một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi luật lần này chưa giải quyết được tổng thể các vấn đề đặt ra để thu hút đầu tư một cách hiệu quả trong điều kiện mới. Hiện các nước trong khu vực cũng chưa có bước đi rõ ràng về các chính sách ưu đãi thuế trong bối cảnh “hậu thuế tối thiểu toàn cầu”, vì vậy, Ủy ban đề nghị cân nhắc thêm về lùi thời điểm sửa luật này cho phù hợp.

Về người nộp thuế là các tổ chức nước ngoài có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử (Điều 2): dự thảo luật bổ sung quy định về việc thu thuế đối với người nộp thuế là các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và bổ sung quy định về loại hình cơ sở thường trú “ảo” (không có hiện diện vật lý).

Chủ nhiệm Tài chính - ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, với các quy định này của dự thảo luật, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ một số vấn đề: Khả năng thu thuế TNDN trên thực tế đối với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hóa vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử.

Tính phù hợp về phạm vi quyền đánh thuế của Việt Nam trong trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài nêu trên có hình thành cơ sở thường trú tại Việt Nam so với các quy định trong các hiệp định thuế đã được ký kết. Việc áp dụng luật trong trường hợp có quy định khác biệt với hiệp định thuế đã ký kết (liên quan đến loại hình cơ sở thường trú không có hiện diện vật lý).

Về nguyên tắc, áp dụng ưu đãi thuế TNDN (Điều 12) và tính thống nhất của hệ thống pháp luật: dự thảo luật hiện còn chưa thống nhất về phạm vi các ngành, lĩnh vực được hưởng ưu đãi so với quy định của Luật Đầu tư, một số luật chuyên ngành hiện hành và một số luật đang được Quốc hội thảo luận sẽ được ban hành trong thời gian tới...

Thanh Hải (tổng hợp)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202411/kinh-doanh-tren-san-thuong-mai-dien-tu-phai-nop-thue-e031f62/
Zalo