Kim loại chiến lược thay đổi cuộc chơi địa chính trị thế giới

Antimon - kim loại từng bị lãng quên - nay trở thành 'vàng đen' trong cuộc chơi địa chính trị toàn cầu. Với vai trò quan trọng trong ngành công nghệ cao và năng lượng tái tạo, nguồn cung antimon đang bị chi phối bởi Trung Quốc, đẩy Mỹ và phương Tây vào thế căng thẳng.

Antimon là thành phần then chốt trong sản xuất chất bán dẫn, pin và tấm pin mặt trời, trở thành xương sống của các ngành công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Antimon là thành phần then chốt trong sản xuất chất bán dẫn, pin và tấm pin mặt trời, trở thành xương sống của các ngành công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Trong lòng đại dương sâu thẳm, một bí ẩn từng được chôn vùi đang dần hé lộ - câu chuyện về một kim loại quan trọng hơn vàng, có sức mạnh thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu. Đó là antimon, kim loại "vô danh" nhưng vô cùng quan trọng trong các cuộc xung đột hiện đại.

Hơn một thế kỷ trước, một câu chuyện bi thảm đã diễn ra ngoài khơi Nova Scotia (bán đảo nằm nhô ra ngoài Đại Tây Dương thuộc Canada). Một con tàu chở antimon bị tàu ngầm U-boat Đức đánh chìm xuống đáy biển. Những thủy thủ đang tràn đầy hi vọng khi mang theo khối kim loại bí ẩn, đã không bao giờ thực hiện được giấc mơ giàu có của mình. Lúc bấy giờ, antimon dường như vô giá trị, nhưng ngày nay, nó trở thành mảnh ghép then chốt trong cuộc chơi địa chính trị toàn cầu.

Antimon không phải là một kim loại thông thường. Trong cả hai cuộc Thế chiến, nó đóng vai trò quyết định, được sử dụng trong sản xuất vỏ đạn và thuốc nổ. Ngày nay, tầm quan trọng của nó còn lớn hơn thế. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, nước này sử dụng hơn 22.000 tấn antimon mỗi năm. Kim loại này là thành phần then chốt trong sản xuất chất bán dẫn, pin và tấm pin mặt trời, trở thành xương sống của các ngành công nghệ cao và năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, một mối nguy đáng lo ngại đang nổi lên từ sự phụ thuộc vào nguồn cung. Trung Quốc hiện kiểm soát gần 50% hoạt động khai thác và 80% sản lượng antimon toàn cầu. Điều này đặt Mỹ vào thế "bấp bênh" về an ninh quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng. Quân đội Mỹ nhận thức rõ nguy cơ này, và Lầu Năm Góc đang nỗ lực bảo đảm nguồn antimon trong nước.

Trong bối cảnh đó, Military Metals Corp. xuất hiện như một "anh hùng" giải cứu. Công ty này đang tái phát triển Dự án Antimony West Gore lịch sử tại Nova Scotia - một trong số ít nguồn cung ứng antimon tiềm năng ở Bắc Mỹ. Thậm chí, công ty còn mua lại một trong những mỏ antimon lớn nhất châu Âu tại Slovakia, mở ra triển vọng rộng lớn trong bối cảnh căng thẳng Nga - châu Âu leo thang.

Scott Eldridge, Tổng giám đốc điều hành của Military Metals Corp., khẳng định: Việc mua lại Dự án Antimon West Gore chứng minh chiến lược trở thành nhà cung cấp antimon toàn cầu quan trọng của chúng tôi. Chiến lược của công ty không chỉ là kinh doanh, mà còn là một động thái an ninh quốc gia. Chính phủ Mỹ đang mạnh tay đầu tư vào việc bảo đảm nguồn khoáng sản chiến lược trong nước.

Thị trường antimon dự báo sẽ bùng nổ trong những năm tới. Với việc các ngành công nghệ cao và năng lượng tái tạo phát triển không ngừng, nhu cầu về kim loại này sẽ tăng vọt. Trong bối cảnh đó, Military Metals Corp. dường như đang đặt mình ở vị trí then chốt của cuộc chơi địa chính trị công nghệ thế kỷ 21.

Như vậy, từ một dạng kim loại từng bị "chôn vùi dưới đáy biển", antimon giờ đây trở thành "vàng đen" của kỷ nguyên công nghệ. Câu chuyện về antimon cho thấy: Đôi khi, giá trị thật sự của một thứ không phải lúc nào cũng ngay lập tức được nhận ra. Nhưng với thời gian, những viên ngọc ẩn sẽ tỏa sáng, và antimon là minh chứng rõ nét nhất cho điều đó.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Oilprice.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/kim-loai-chien-luoc-thay-doi-cuoc-choi-dia-chinh-tri-the-gioi-20241126083959848.htm
Zalo