Kiều bào với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường - Bài 2: Kiến tạo động lực phát triển mới
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một trong ba đột phá chiến lược là 'phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ'.
Đảng và Nhà nước ta đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là “đột phá chiến lược” và là “động lực chính” để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh trạnh của nền kinh tế. Các nhà khoa học, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài được xác định là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần kiến tạo động lực mới, cùng với đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trong nước hợp tác vì các mục tiêu phát triển đất nước bền vững.
Điểm sáng kết nối khoa học, công nghệ
Giáo sư Nghiêm Đức Long, Chủ tịch Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA), Giám đốc Trung tâm Môi trường nước, Đại học Sydney cho biết, hiện có hơn 21.000 sinh viên Việt Nam đang học tập và tu nghiệp tại Australia. Trong đó, có hơn 500 nhà khoa học, giảng viên và giáo sư đang nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu tại Australia.
Sống, học tập và làm việc ở Australia song cộng đồng người Việt Nam tại đây, đặc biệt là cộng đồng tri thức, luôn mong muốn được cống hiến và hướng về quê hương. Đây cũng là lý do Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA) ra đời với hơn 500 thành viên. VASEA có sự tham gia của các trí thức và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực với mục tiêu hỗ trợ thế hệ trẻ đang học tập và tu nghiệp tại Australia nâng cao trình độ và kỹ năng khoa học để có thể đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học khi về Việt Nam làm việc.
Kể từ khi thành lập, VASEA đã có nhiều đóng góp đồng hành cùng các tổ chức tại Việt Nam và các sự kiện trực tuyến. Tiêu biểu như tọa đàm “Con đường đến khử carbon: Từ hiệu quả năng lượng đến các nguồn năng lượng thay thế” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với VASEA tổ chức, nằm trong khuôn khổ chương trình tăng cường hợp tác kinh tế giữa Chính phủ Australia và Việt Nam (VEG) nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ; Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0”…
Đáng chú ý, chỉ trong hơn một năm qua, các thành viên của VASEA đã thực hiện hơn 15 dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và kết hợp đào tạo với Việt Nam. “Ứng dụng internet vạn vật và cảm biến thông minh để theo dõi chất lượng nước biển ven bờ cho nuôi trồng thủy sản” tại vịnh Xuân Đài (tỉnh Phú Yên), Dự án mắt thần theo dõi và hỗ trợ phát triển cây mía đường, cảm biến từ xa để đối phó với lũ lụt, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số… là những dự án về công nghệ mà các thành viên VASEA đã góp sức chuyển giao cho Việt Nam gần đây.
Đánh giá cao Quyết định 1334/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”, Giáo sư Nghiêm Đức Long đánh giá, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo rõ ràng kịp thời để các bộ ban ngành tạo điều kiện và hành lang pháp lý cho trí thức Việt kiều có cơ hội đóng góp cho quê hương. Đồng thời, ông cũng đề xuất Chính phủ đầu tư cho một dự án thí điểm, mở một trường đại học trực tuyến tại Việt Nam với giáo án, bài giảng và hướng dẫn khoa học từ các giáo sư Việt Nam trên toàn thế giới, kết nối tri thức với trong nước.
Cho rằng cần có cơ chế đặc thù để tận dụng vai trò tư vấn của các trí thức người Việt Nam đầu ngành trên thế giới với các vấn đề trong nước, Giáo sư Nghiêm Đức Long chia sẻ: “Dù mang lại tác động rất lớn nhưng khoa học công nghệ vẫn không thể thay thế bản sắc văn hóa chảy trong huyết quản của mỗi người Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu. Đây là những giá trị cốt lõi của bản thân mỗi người. Nguồn lực khoa học công nghệ cao trong thế hệ trẻ Việt Nam tại nước ngoài là rất lớn. Dù có những cống hiến cho khoa học công nghệ thế giới nhưng chúng tôi rất khao khát được đóng góp cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, quê hương”.
Thúc đẩy dòng lưu chuyển kỹ năng và ý tưởng sáng tạo
Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Đảng và Nhà nước nhấn mạnh quan điểm “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ trong nước để có thể triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao như: công nghệ số, thông tin, sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử tự động hóa, điện tử y sinh, năng lượng, môi trường…
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, đặt ra mục tiêu tổng quát và 9 mục tiêu cụ thể. Trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp về nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao, bên cạnh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đang làm việc trong các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong nước, chúng ta có một nguồn lực vô cùng quý báu và đầy tiềm năng. Đó là lực lượng các nhà khoa học và chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, vấn đề là làm thế nào để kết nối có hiệu quả hai nguồn lực này, thúc đẩy dòng lưu chuyển kỹ năng và ý tưởng sáng tạo của nguồn lực trí tuệ Việt Nam bên trong và bên ngoài biên giới quốc gia để bổ sung lẫn nhau, cùng nhau hợp tác vì các mục tiêu phát triển đất nước bền vững.
Theo ông Huỳnh Thành Đạt, để có thể thực hiện thành công Chiến lược này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của ngành Khoa học và công nghệ, mà còn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự chung tay, góp sức của tất cả các ngành, các cấp, địa phương, cơ sở đào tạo nghiên cứu, doanh nghiệp và nhất là đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt ở nước ngoài.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chủ trương, định hướng, cơ chế chính sách đối với kiều bào ta ở nước ngoài tại nhiều văn bản quan trọng. Trong đó, nhiều văn bản nhấn mạnh chủ trương thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài dựa trên tiềm năng, năng lực, tính khả thi của nguồn lực, đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển của đất nước; xây dựng cơ chế, chính sách ghi nhận và vinh danh đối với những đóng góp của kiều bào; hỗ trợ kinh phí và tạo thuận lợi về thủ tục xuất/nhập cảnh, visa, giấy phép lao động, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, ưu đãi thù lao khi tham gia các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học…; thu hút, khuyến khích chuyên gia Việt Nam vào làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ngoài, sau đó trở về nước làm việc.
Với nhiều nhiệm vụ quan trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở trong nước.
Cụ thể là tham gia đề xuất những giải pháp thiết thực để Việt Nam có thể thực hiện việc chuyển đổi nhanh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, dẫn dắt, kết nối đưa khoa học và công nghệ trong nước hội nhập với khoa học và công nghệ thế giới; cung cấp các kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia phát triển; hỗ trợ thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài và tham gia đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ, kỹ thuật, quản trị công nghệ và doanh nghiệp để trở thành đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia giỏi, tiệm cận trình độ quốc tế, trong đó quan tâm một số lĩnh vực về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...
Cùng với đó, đội ngũ trí thức, chuyên gia kiều bào tham mưu cho hoạt động quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, tiến tới tự chủ công nghệ, từng bước xây dựng nền kinh tế tự chủ của đất nước. Song song đó là cung cấp sáng kiến trong ứng dụng công nghệ và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ; hình thành và triển khai một số chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm.
“Đội ngũ trí thức, chuyên gia kiều bào có thể đứng vai trò chủ trì, dẫn dắt, tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng của quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, hàng không, vũ trụ, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, chuyển đổi số…”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu.
Theo ông Huỳnh Thành Đạt, ngày nay, yếu tố quyết định thành công của một quốc gia trong cuộc đua phát triển không phải là công nghệ mà chính là trí tuệ và nguồn lực con người. Với quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các chính sách đột phá nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi, cùng sự chung tay và đóng góp của đội ngũ trí thức và chuyên gia người Việt Nam trên toàn thế giới, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chắc chắn sẽ trở thành động lực thúc đẩy hoàn thành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng trong hành trình phát triển với rất nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, khoa học công nghệ. Tuy nhiên trước các thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, sự cần thiết hơn bao giờ hết phải đổi mới mô hình tăng trưởng đòi hỏi phải có hành động quyết liệt hơn nữa. Mục tiêu này không chỉ là lựa chọn mà là mô hình tất yếu của Việt Nam trước những thách thức đang gặp phải, đòi hỏi có giải pháp đột phá, sáng tạo, đồng bộ, cùng sự chung tay, đóng góp của tất cả các nguồn lực, trong đó có những người con ưu tú đang sống, làm việc ở nước ngoài.