Kiều bào và những tâm tình với Tổ quốc
Các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) không chỉ để lại dấu ấn thiêng liêng với người dân trong nước, mà còn lay động hàng triệu trái tim người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.
Dù may mắn được trở về quê hương vui ngày hội non sông hay chỉ dõi theo những tin tức thời sự ở nơi xa xứ, nhiều kiều bào không giấu nổi sự xúc động khi chia sẻ với TG&VN về lòng tự hào và niềm tin vào một Việt Nam ngày càng phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Kỳ vọng vào tương lai tươi sáng hơn
Chị Nguyễn Thị Thanh, kiều bào tại Bỉ:
Đại lễ 30/4 gợi nhớ trong tôi những ký ức hào hùng của dân tộc. Tôi cảm nhận sâu sắc niềm tự hào về những thế hệ đã hy sinh xương máu để mang lại hòa bình, độc lập cho Tổ quốc.

Chị Nguyễn Thị Thanh hòa mình vào không khí ngày Đại lễ 30/4. (Ảnh: NVCC)
Trong khoảnh khắc này, tôi không chỉ nhớ về quá khứ mà còn thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc xây dựng một đất nước vững mạnh, thịnh vượng.
Đất nước đã trải qua bao nhiêu gian khổ và giờ đây, khi đứng trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới, chúng ta cần phải hành động để hiện thực hóa những ước mơ lớn lao, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau.
Các chính sách về hòa hợp và đại đoàn kết dân tộc hiện nay là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội hòa bình, thịnh vượng.
Trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức, sự đoàn kết và đồng lòng của toàn dân là yếu tố then chốt để vượt qua mọi khó khăn.
Những chính sách này không chỉ giúp xoa dịu những vết thương trong quá khứ mà còn tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững.
Bước vào kỷ nguyên mới, tôi vô cùng kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước ta.
Những quyết sách quyết liệt nhằm tối ưu hóa, tinh giản hóa bộ máy Nhà nước là bước đi cần thiết để tạo ra một nền hành chính hiệu quả, linh hoạt và nhanh nhạy hơn.
Chúng ta không thể chần chừ trong việc hiện đại hóa mọi lĩnh vực, vì nếu bộ máy vẫn cứ cồng kềnh, rề rà sẽ tự kìm hãm phát triển.
Với sự quyết tâm và đồng lòng của toàn dân, Việt Nam sẽ vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên trường quốc tế và mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân.
Thời đã đến!
Anh Đỗ Quang Ba, kiều bào từ Nhật Bản:
Đã từng tham quan địa đạo Củ Chi nhưng đây là lần đầu tiên tôi được xem buổi biểu diễn sân khấu hóa về lịch sử gắn liền với khu di tích địa đạo Củ Chi. Cảm giác không có gì có thể bù đắp được những đau thương mất mát, sự hy sinh của những người đã nằm xuống mang lại cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc của bản thân, gia đình và tất cả người dân Việt ngày nay. Nếu không có sự hy sinh đó, chưa chắc tôi đã được sinh ra và được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc hiện tại.

Anh Đỗ Quang Ba (ngoài cùng, bên trái) hiện là Chủ tịch Tổ chức giao lưu quốc tế Việt Nam-Nhật Bản. (Ảnh: NVCC)
Từ lâu, truyền thống con Lạc cháu Hồng là đùm bọc nhau, thương yêu nhau, nương tựa nhau. Đó còn là tình nhân ái, vị tha, hòa hiếu mà như ông bà ta vẫn nói “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. Truyền thống đó cũng được Đảng và nhà nước ta nhất quán thể hiện rất rõ trong chính sách đại đoàn kết dân tộc.
Có thể thấy, chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta đã khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình thân gia đình, dòng họ để xóa đi mặc cảm, hận thù, định kiến; dần khỏa lấp những khác biệt trong suy nghĩ và hành động hướng đến đoàn kết dân tộc, phát triển đất nước.
Gần đây, đất nước có những quyết sách quyết liệt nhằm đổi mới, đột phá trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tôi cho rằng “thời” của Việt Nam đã đến rồi! Nếu không quyết liệt bứt phá lúc này thì còn chờ đợi lúc nào nữa?
Chúng ta đang hội tụ đầy đủ những yếu tố được xem như “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, được coi trọng; đất nước đang đứng vững trước những bất ổn của thế giới; đồng bào ta cả trong và ngoài nước đoàn kết một lòng; Đảng, Chính phủ và Nhà nước được sự tin yêu, ủng hộ gần như tuyệt đối từ nhân dân.
Không có sự nghiệp nào thành công mà không trải qua những khó khăn, thách thức. Nhưng để đột phá chúng ta nên hành động chứ không thể cứ ngồi chờ đợi thời cơ, bằng những hành động rất quyết liệt, đồng sức đồng lòng của Đảng, của nhà nước và sức mạnh đoàn kết dân tộc.
Thấm thía ý nghĩa của hòa bình và thống nhất
Anh Nguyễn Thế Dương, kiều bào tại Australia:
Tôi nghĩ hòa bình và thống nhất chính là hai khát vọng vô cùng thiêng liêng của dân tộc ta. Đất nước Việt Nam là một từ Nam chí Bắc, không một ai, không một thế lực nào có thể thay đổi được.

Anh Nguyễn Thế Dương hiện đang sinh sống và làm việc tại Brisbane, bang Queensland, Australia, là Giám đốc của Viet Academy (trường Yêu tiếng Việt). (Ảnh: NVCC)
Là những người sinh sau sự kiện này, tôi rât cảm động mỗi lần nghe lại bài hát Nối vòng tay lớn do chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát trực tiếp trên đài truyền thanh trong thời khắc lịch sử này: Vòng ta nắm nối trọn một vòng Việt Nam. Đấy là tình yêu thương, sự hòa hợp, sự mở lòng để non sông Việt Nam được liền một dải và bắt đầu công cuộc hàn gắn và dựng xây.
Những năm vừa qua, nhà nước Việt Nam có nhiều chính sách tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại được đóng góp, cống hiến cho quê hương. Có thể kể đến việc Chính phủ Việt Nam lựa chọn ngày 8/9 hàng năm là ngày Tôn vinh tiếng Việt trong các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tìm kiếm và vinh danh các Sứ giả tiếng Việt; Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi Biên soạn sách và tài liệu dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó bộ sách Tiếng Việt của em do chúng tôi biên soạn đã giành được giải cao nhất.
Các hoạt động này đã giúp kiều bào, nhất là các bạn trẻ yêu thích học tiếng Việt, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam và chính các em sẽ trở về Việt Nam, tạo thêm những nhịp cầu hòa hợp dân tộc trong tương lai.
Tôi rất kỳ vọng vào thế hệ trẻ và khát vọng vươn lên của dân tộc trong kỷ nguyên số và hội nhập sâu rộng. Những quyết sách gần đây về cải cách triệt để bộ máy hành chính, chuyển đổi số, phát triển xanh, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng giáo dục đã cho thấy tầm nhìn dài hạn và quyết tâm rất lớn của các lãnh đạo.
Là một kiều bào, tôi luôn mong được góp phần nhỏ bé của mình vào công tác gìn giữ và phát huy tiếng Việt ở nước ngoài. Tôi tin rằng nếu giữ vững tinh thần đoàn kết, sáng tạo và bản lĩnh, Việt Nam nhất định sẽ sớm trở thành một quốc gia phát triển và có vị thế ngày càng nổi bật trên trường quốc tế.
Cảm ơn Việt Nam!
Bà Trần Thị Chang, kiều bào tại Malaysia:
Tôi cảm thấy rất vinh dự khi là một trong những kiều bào tiêu biểu trở về tham dự Đại lễ 30/4 lần này. Chúng tôi - những người con xa xứ, muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Ban tổ chức, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ủy ban về người Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức một sự kiện vô cùng hoành tráng, ấm áp và đầy ý nghĩa; cảm ơn vì sự đón tiếp chu đáo, những bữa tiệc đầy thân tình và các chương trình đặc sắc, bổ ích đã mang đến cho bà con kiều bào những khoảnh khắc khó quên.

Bà Trần Thị Chang (thứ 2, từ phải qua) hiện là Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Malaysia- Việt Nam. (Ảnh: NVCC)
Những ngày qua, tôi đã cảm nhận rõ hơn bao giờ hết tình quê hương máu thịt và niềm tự hào khi là người con đất Việt. Từ sâu trong tim, mình càng thêm tin tưởng vào một tương lai rạng rỡ, phồn vinh và hạnh phúc của đất nước chúng ta.
Trở lại với quê hương thứ hai là đất nước Malaysia, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để đóng góp vào tình hữu nghị giữa hai nước, và gắn kết hơn nữa với cộng đồng người Việt khắp năm châu
Luôn đồng hành cùng đất nước
PGS. TS Bùi Quốc Bảo, kiều bào tại Pháp:
Như nhiều người con sống xa Tổ quốc, tôi luôn hướng về quê hương với tình yêu, trách nhiệm và khát khao được đóng góp phần nhỏ bé của mình cho sự phát triển chung của đất nước.
Tám năm trước, tôi quyết định trở về Việt Nam làm việc và hiện đang là giảng viên tại một trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Trong môi trường giáo dục và nghiên cứu, tôi có cơ hội tham gia đào tạo sinh viên; phát triển các dự án nghiên cứu khoa học, kết nối với các đối tác quốc tế để đưa tri thức, công nghệ tiên tiến về phục vụ cho đất nước.
Kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất không chỉ là dịp để chúng ta tưởng nhớ những hy sinh to lớn của bao thế hệ cha ông, mà còn là thời khắc để những người Việt Nam dù đang ở trong nước hay nước ngoài cùng nhìn lại, cùng hành động vì một tương lai tươi sáng hơn cho dân tộc.

PGS. TS Bùi Quốc Bảo là một trong 50 kiều bào ưu tú được TP. Hồ Chí Minh vinh danh dịp này. (Nguồn: Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh)
Trong bối cảnh hàn gắn những vết thương chiến tranh và thực hiện chủ trương hòa hợp dân tộc, tôi kỳ vọng Nhà nước ta sẽ có thêm nhiều quyết sách mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài trở về đóng góp. Đây không chỉ là biểu hiện của tinh thần cởi mở, mà còn là bước đi tất yếu để tận dụng hiệu quả nguồn lực chất lượng cao.
Với sự đoàn kết, trí tuệ và lòng yêu nước, đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục là chiếc cầu nối tri thức, là nguồn lực quý báu đồng hành cùng đất nước trên con đường phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.