Kiều bào trở về ăn Tết: Hạnh phúc sum vầy, khát khao cống hiến

Tết Việt hiện diện ở khắp muôn nơi nhưng được về nhà ăn Tết luôn là điều thiêng liêng với mỗi người Việt xa xứ.

Thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc du Xuân tại quê hương. (Ảnh NVCC)

Thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc du Xuân tại quê hương. (Ảnh NVCC)

Sau nhiều năm học tập, công tác và giảng dạy tiếng Việt tại nước bạn Lào, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, anh Nguyễn Thành Ngọc như nhiều người con xa xứ khác luôn có một cảm giác mong ngóng trở về quê hương sum họp gia đình.

Anh chia sẻ: “Cảm xúc rất đặc biệt khi được gần bố mẹ và người thân sau những tháng ngày làm việc nơi xứ người, được hưởng trọn tình yêu thương của người thân ở quê nhà. Vì lịch nghỉ Tết có giới hạn nên hầu hết thời gian tôi dành cho gia đình, thăm hỏi họ hàng”.

Khi hỏi về cảm nhận của Tết năm nay ở quê nhà, anh Ngọc cũng như các kiều bào đều thấy cuộc sống quê hương Việt Nam ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ấm no. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm người dân - điều họ rất tự hào khi nói về Việt Nam với bạn bè quốc tế.

“Không có Tết ở đâu như ở nhà”

Xa quê hương từ năm 1972, lần đầu tiên trở về nước năm 1994, TS. Đặng Trung Phước, Chủ tịch Hội Canada - Việt Nam thực sự bất ngờ trước sự phát triển của đất nước. Từ đó, sau mỗi lần về ông đều vui mừng vì quê hương ngày càng thay đổi, phát triển và giàu đẹp hơn.

Với ông, điều duy nhất không thay đổi chính là sự lạc quan, tình cảm ấm áp của người thân và bạn bè xung quanh. Hạnh phúc nhất khi trở về quê hương dịp này là được nói tiếng Việt, được gọi chú, bác, ông, được ăn những chiếc bánh chưng thơm mùi lá dong…

Với TS. Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA): “Không có cái Tết ở đâu ấm áp và vui vẻ bằng Tết ở quê nhà.

Tại Hàn Quốc, Tết Nguyên đán đơn giản là kỳ nghỉ để mọi người về nhà và đoàn tụ với người thân. Thời gian nghỉ ngắn nên cảm giác Tết trôi qua rất nhanh. Vì vậy, người Việt ở xứ kim chi và cả những nước khác luôn mong muốn có cơ hội được về Việt Nam, cảm nhận không khí Tết truyền thống quê hương”.

Từ New Caledonia về tham dự chương trình Xuân Quê hương 2025 vào những ngày giáp Tết, ông Dinh Jean-Pierre (Đinh Ngọc Riệm) - Lãnh sự danh dự Việt Nam, Chủ tịch Hội Ái hữu Việt Nam tại New Caledonia không quên dành thời gian về thắp hương ông bà và thăm người cô ruột ở Nam Định.

Tết năm nay đặc biệt hơn nhiều vì ông được chứng kiến chiếc xe Peugeot 404, biển số HNC 232 - món quà của kiều bào mang về làm quà tặng Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh theo chuyến tàu Castern Queen thứ 11, cập bến Hải Phòng ngày 8/3/1964, chính thức được công nhận là bảo vật quốc gia.

Phấn khởi cho biết cộng đồng người Việt ở New Caledonia hiện có khoảng 3.000 người, ông nhấn mạnh dù sinh sống ở nơi đâu, ở bất cứ giai đoạn nào, bà con vẫn một lòng hướng về quê hương, cũng như ngày càng tạo dựng thêm uy tín tại sở tại.

Với bản tính chịu thương chịu khó, bà con nỗ lực làm giàu từ các ngành nghề khác nhau, khai hoang nhiều vùng đất trở thành những nông trại trù phú. Nếu như trước đây phải mỏi mắt chờ ngày được trở về quê hương thì hiện nay việc đi lại đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, ông chia sẻ.

TS. Nguyễn Thị Lan (thứ ba từ phải) cùng các kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình Xuân Quê hương 2025 gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, ngày 19/1. (Ảnh NVCC)

TS. Nguyễn Thị Lan (thứ ba từ phải) cùng các kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình Xuân Quê hương 2025 gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, ngày 19/1. (Ảnh NVCC)

Niềm tin và kỳ vọng vào kỷ nguyên mới

Về nước những ngày đón Tết Ất Tỵ, TS. Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Trùng Khánh - Tứ Xuyên, Chủ tịch Hội Thương mại doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, rất xúc động và phấn khởi trước sự thay đổi của quê hương.

Đặc biệt, khi tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, chị cùng các kiều bào đã tham dự chương trình kết nối địa phương tại tỉnh Hưng Yên, trực tiếp tìm hiểu tiềm năng, cơ hội đầu tư kinh doanh tại nơi đây.

Chị chia sẻ sự bất ngờ về sự phát triển, tốc độ hiện đại hóa cao của địa phương, cũng không giấu được niềm vui, niềm tự hào về sự chuyển mình tích cực trong mọi lĩnh vực của đất nước Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Tháng 11/2024 vừa qua, Hội do chị phụ trách vinh dự được gặp gỡ và tiếp đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam tới thăm thành phố Trùng Khánh sau 15 năm.

Trong buổi gặp mặt trò chuyện, Thủ tướng có đề nghị Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục triển khai tốt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, trong đó có ngoại giao kinh tế; chăm lo thật tốt mọi mặt cho cộng đồng.

Nhớ lại lời nhắn nhủ của Thủ tướng phải không ngừng nỗ lực vươn lên, lập thân, lập nghiệp và cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, TS. Nguyễn Thị Lan nhận thấy, hiện tại mọi chủ trương chính sách, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, ở Trung Quốc nói riêng đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi và mở ra nhiều cơ hội cho kiều bào. Giờ đây, kiều bào có thể về nước đầu tư, kinh doanh, hoặc hợp tác xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước tới bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, những chương trình Tết ý nghĩa như Xuân Quê hương không chỉ là dịp để bà con được hòa mình vào không khí mùa Xuân của dân tộc, mà còn gắn kết tình cảm với đất nước, nâng cao tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chung tay đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.

Anh Đinh Hùng Cường, Giám đốc nghiên cứu và phát triển Viện Hóa học nước biển Nhật Bản, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka cho rằng công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm ngày càng có chiều sâu; khẳng định quan điểm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước: “Cộng đồng người Việt ở nước ngoài là bộ phận máu thịt, không tách rời, là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Tiêu biểu, trong các hoạt động đối ngoại, lãnh đạo luôn dành thời gian gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại, thể hiện trách nhiệm, tình cảm dành cho kiều bào; đồng thời, đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sinh sống, học tập, làm việc để vừa đóng góp cho sở tại, vừa đóng góp cho trong nước.

Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán đều gắn kết chặt chẽ với bà con tại nước bạn, có nhiều chương trình giao lưu, trao đổi tri thức, văn hóa, giữ gìn bản sắc tiếng Việt trong cộng đồng.

Đặc biệt, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn động viên, khen thưởng khích lệ đối với cộng đồng, cá nhân kiều bào có thành tích xuất sắc; lắng nghe đề xuất, nguyện vọng và sáng kiến của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài...

Với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2024, PGS. Đồng Thanh Hà, Học viện Công nghệ châu Á (AIT) tại Thái Lan, tin tưởng đất nước sẽ phát triển đột phá trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới.

Dự định trở về Việt Nam làm việc sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ Kinh doanh tại Đại học New South Wales (Australia), anh Đặng Đình Hùng, Phó Chủ tịch Hội Du học sinh Việt Nam tại New South Wales, chia sẻ: “Ở Việt Nam, tôi có bố mẹ, gia đình, bạn bè và đặc biệt là môi trường làm việc ngày càng được cải thiện, mở ra nhiều cơ hội phát triển”.

Sau cái Tết đong đầy yêu thương ở Việt Nam, kiều bào lại trở về với cuộc sống và công việc thường nhật ở các nước. Niềm tin yêu và tình thương ở quê nhà sẽ là động lực giúp họ hội nhập ngày càng thành công ở nước sở tại.

AN BÌNH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kieu-bao-tro-ve-an-tet-hanh-phuc-sum-vay-khat-khao-cong-hien-303387.html
Zalo