Kiều bào tìm về cội nguồn dân tộc

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn kiều bào từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã có chuyến hành hương đặc biệt về miền đất Tổ (Phú Thọ) và chiến khu cách mạng Tân Trào (Tuyên Quang) - hai địa danh thiêng liêng biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.

Đoàn kiều bào chụp ảnh tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP. Tuyên Quang. (Ảnh: An Bình)

Đoàn kiều bào chụp ảnh tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP. Tuyên Quang. (Ảnh: An Bình)

Chuyến đi càng ý nghĩa hơn ở thời điểm cả đất nước hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây thực sự là hành trình sống lại lịch sử cách mạng, khiến mỗi người đều thấm thía hơn giá trị của độc lập và hòa bình.

Gắn kết những trái tim xa xứ

Là điểm đến thân thuộc của người Việt mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, nhưng với không ít kiều bào đây là lần đầu tiên họ được đặt chân tới Khu di tích lịch sử Đền Hùng - nơi khởi nguồn của truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ cùng những câu chuyện gắn liền với các đời vua Hùng.

Bà Đặng Thị Mến, năm nay 88 tuổi, đang sinh sống tại Quảng Châu (Trung Quốc), cho biết: “Đứng trước Đền Hùng – nơi thờ Quốc Tổ, tôi không nghĩ đến tầm tuổi này mình lại có cơ hội về đây thắp nén nhang tri ân tổ tiên, cảm giác như trở về chính mái nhà của mình, lòng nhẹ nhõm như trút bỏ bao niềm mong mỏi”.

Bà Mến chia sẻ, dù lấy chồng ở nước ngoài đã hơn 60 năm, nhưng bà vẫn gìn giữ tiếng Việt, nếp nhà và kể cho con cháu nghe về cội nguồn.

“Tôi luôn cảm nhận được sự gần gũi giữa hai dân tộc Việt - Trung, không chỉ vì khoảng cách địa lý mà còn vì sự gắn bó lâu đời trong văn hóa và con người. Tôi tin rằng, tình hữu nghị giữa hai nước sẽ ngày càng bền chặt, nhất là khi có thêm những chuyến đi ý nghĩa như lần này. Chúng tôi - những người Việt xa xứ sẽ luôn là cầu nối tình cảm, văn hóa giữa hai đất nước”, bà bày tỏ.

Thành kính dâng hương tại Đền Thượng, ông Trần Quang Hiển, kiều bào từ Thái Lan, khẳng định dù sống xa quê nhưng trong tim bà con người Việt ở Thái Lan lúc nào cũng hướng về quê hương, đất nước. Nay trở về đất Tổ, ông được tiếp thêm sức mạnh và niềm tự hào dân tộc.

Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, đoàn kiều bào đã có những giây phút lắng đọng khi bước chân vào Đình Tân Trào, nơi diễn ra Quốc dân Đại hội năm 1945 và tận mắt chứng kiến khu Lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ từng sống, làm việc để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám.

Giữa không gian mộc mạc nơi chiến khu xưa, bà Đinh Thị Hợi, kiều bào về từ Czech xúc động: “Không thể nghĩ nơi khởi nguồn của cả một cuộc cách mạng vĩ đại lại có thể bình dị đến thế. Một mái nhà đơn sơ, tấm bàn gỗ mộc, vài dòng khẩu hiệu… nhưng từ đây, cả dân tộc đã bước sang trang sử mới”.

Chị Nguyễn Thị Sơn, hiện sinh sống tại Israel, chia sẻ rằng nhiều kiều bào và người dân sở tại vẫn chưa biết đến chiến khu Tân Trào – nơi ghi dấu những khoảnh khắc lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Theo chị, đây hoàn toàn có thể trở thành điểm đến lịch sử sinh động để giới thiệu với bạn bè quốc tế, đồng thời là nơi để thế hệ trẻ kiều bào trở về tìm hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn.

Kiều bào dâng hương tại Đình Tân Trào. (Ảnh: An Bình)

Kiều bào dâng hương tại Đình Tân Trào. (Ảnh: An Bình)

Nhịp cầu kết nối với quê hương

Không đơn thuần là hoạt động tri ân hay tìm hiểu lịch sử, chuyến đi lần này do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức, còn là nhịp cầu kết nối tình cảm của kiều bào với quê hương.

Về Phú Thọ và Tuyên Quang, bà con đặc biệt ấn tượng với tình cảm ấm áp của người dân địa phương cùng những món ăn mang hương vị đặc trưng quê hương như cá thính, rau sắn muối, nộm rau dớn, bánh sắn…

Đón tiếp đoàn kiều bào dịp này, ông Dư Văn Quảng, Giám đốc Sở Ngoại vụ, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Phú Thọ cho biết, những năm gần đây, Phú Thọ luôn đứng trong top 10 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước. Tự hào về Đền Hùng – một biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ông khẳng định, tỉnh luôn trân trọng và mong muốn nhận được sự quan tâm của đồng bào ta để chung tay xây dựng đất Tổ nói riêng, cả nước nói chung, ngày càng phát triển bền vững.

Tại cuộc gặp gỡ thân tình với đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương cũng kỳ vọng kiều bào sẽ là cầu nối để lan tỏa, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, giá trị di sản, các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến gần hơn với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa tỉnh Tuyên Quang với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, ông Hoàng Việt Phương hy vọng các chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia tư vấn, chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư tại tỉnh trong các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh như nông nghiệp, du lịch, thương mại...; đóng góp tích cực vào các chương trình từ thiện như xây dựng trường học, bệnh viện, nhà tình nghĩa ở địa phương.

Chia sẻ tại đây, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức người Việt Nam tại Nga Trần Phú Thuận cho rằng chuyến đi không chỉ là hành trình tâm linh và lịch sử, mà còn mở ra những kết nối thực tiễn cho tương lai.

Ông Trần Phú Thuận bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển, đổi mới của đất nước, đặc biệt tại các địa phương như Phú Thọ và Tuyên Quang. Ông cho biết sau chuyến đi, sẽ kết nối với Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga để tìm hiểu khả năng xúc tiến dự án phù hợp với nhu cầu phát triển địa phương.

Cùng chung mong muốn đóng góp cho quê hương, chị Nguyễn Thị Thanh, kiều bào tại Bỉ, đề xuất địa phương chú trọng phát triển du lịch văn hóa – lịch sử theo hướng bền vững, đồng thời xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng. Là người tích cực trong công tác cộng đồng, chị sẵn sàng kết nối các hội đoàn tại Bỉ và châu Âu nhằm hỗ trợ quảng bá hình ảnh địa phương ra thế giới.

Kiều bào tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. (Ảnh: An Bình)

Kiều bào tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. (Ảnh: An Bình)

Lời hẹn ngày trở lại

Đồng hành với đoàn kiều bào tại Phú Thọ và Tuyên Quang, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định, dù sinh sống và làm việc ở bất kỳ nơi đâu, bà con kiều bào luôn giữ trong tim ngọn lửa yêu nước, gắn bó sâu sắc với quê hương. Đó chính là động lực để kiều bào chung tay xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, trở thành điểm đến hấp dẫn cho những ai mong muốn trở về lập nghiệp, cống hiến.

Ông đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ hoạt động của các hội liên lạc, hội thân nhân kiều bào; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban để kịp thời cung cấp thông tin, giải quyết các vấn đề liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời tổ chức thêm nhiều chương trình ý nghĩa dành cho kiều bào tại địa phương.

Chị Phạm Mỹ Dung, kiều bào tại Đài Loan (Trung Quốc), bày tỏ xúc động khi được trở về thăm quê hương và cảm nhận rõ sự phát triển mạnh mẽ của đất nước. Cảm ơn Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng các cơ quan liên quan đã tạo điều kiện cho kiều bào tham gia hành trình ý nghĩa này, chị cho biết luôn mong muốn đóng góp cho quê hương bằng cách quảng bá văn hóa, tiếng Việt và kết nối nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam.

Chuyến đi khép lại bằng những cái bắt tay nồng ấm, những lời hẹn ngày trở lại. Trong mỗi nụ cười, mỗi ánh mắt của bà con kiều bào là niềm tự hào và trách nhiệm giữ gìn bản sắc, đồng hành cùng đất nước trên chặng đường xây dựng một Việt Nam phát triển, hùng cường từ chính những giá trị lịch sử và tinh thần đoàn kết dân tộc.

AN BÌNH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kieu-bao-tim-ve-coi-nguon-dan-toc-310653.html
Zalo