Kiệt tác kiến trúc 2.000 năm tuổi của đế chế La Mã cổ đại
Đền Pantheon là một trong những kiến trúc tiêu biểu thời La Mã cổ đại 2.000 năm trước và vẫn được bảo tồn nguyên vẹn nhất cho đến ngày nay.
Theo ghi chép, Đền Pantheon hoàn thành vào khoảng năm 126 - 128 sau Công Nguyên, dưới thời Hoàng đế Hadrian. Ngôi đền nằm trên địa điểm của một công trình kiến trúc cùng tên trước đó, xây dựng vào khoảng năm 25 trước Công nguyên.
Pantheon được thiết kế như một ngôi đền thờ các vị thần La Mã. Tên của công trình bắt nguồn từ các từ tiếng Hy Lạp "pan", có nghĩa là "tất cả" và "theos", có nghĩa là "các vị thần".
Đền Pantheon lần đầu bị phá hủy trong một vụ cháy vào khoảng năm 80 sau Công nguyên. Đền thờ sau đó được xây dựng lại bởi Hoàng đế Domitian nhưng khoảng 30 năm sau lại một lần nữa bị vụ cháy khác hủy hoại nặng nề.
Hadrian trở thành hoàng đế vào năm 117, khi Đế chế La Mã bao gồm phần lớn châu Âu ngày nay, cũng như một phần Trung Đông và Bắc Phi. Đam mê nghệ thuật và kiến trúc, ông đã khởi xướng một chiến dịch xây dựng trong suốt triều đại của mình, kéo dài đến khi ông qua đời vào năm 138.
Đền Pantheon là một trong những kiến trúc trong chiến dịch. Không rõ ai là kiến trúc sư của Pantheon là ai và được xây với mục đích gì, ghi chép cho biết Hoàng đế Hadrian đôi khi thiết triều tại đây.
Đến năm 330, thủ đô La Mã được Hoàng đế Constantine chuyển từ Rome đến Byzantium (ngày nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ). Suốt một thời gian dài sau đó, Pantheon bị rơi vào tình trạng hư hỏng do không được bảo trì.
Đến năm 609, Giáo hoàng Boniface IV được sự cho phép của hoàng đế Byzantine Phocas đã chuyển đổi Đền Pantheon thành nhà thờ Thiên chúa giáo, được gọi bằng tiếng Latin là Sancta Maria ad Martyres.
Đây là ngôi đền ngoại giáo La Mã đầu tiên được thánh hiến thành nhà thờ Thiên chúa giáo. Pantheon được xây dựng lại hoàn toàn với thiết kế tồn tại cho đến ngày nay.
Kiệt tác kiến trúc của nhân loại
Được xây dựng chủ yếu từ gạch và bê tông, Đền Pantheon bao gồm ba phần: một mái hiên với các cột đá granit, một nhà thờ lớn có mái vòm và một khu vực hình chữ nhật nối hai phần còn lại.
Với đường kính 43,2 mét, trần nhà hình vòm là trần nhà lớn nhất trên thế giới vào thời điểm nó được xây dựng. Trên đỉnh của mái vòm có một lỗ hổng, hay còn gọi là "oculus" có chiều rộng 8,2 mét.
Các bức tường và sàn của tòa nhà tròn được trang trí bằng đá cẩm thạch và dát vàng, còn trần nhà hình vòm có năm vòng, mỗi vòng gồm 28 hộp hình chữ nhật.
Khi nghệ sĩ tài ba bậc nhất thời Phục Hưng Michelangelo nhìn thấy Pantheon, ông thốt lên rằng đó là thiết kế của các thiên thần, không phải của con người.
Đền Pantheon cũng đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng quan trọng đối với kiến trúc sư vĩ đại thời Phục hưng Andrea Palladio, cũng như vô số kiến trúc sư sau này, ở châu Âu và hơn thế nữa.
Ngày nay, Đền Pantheon là điểm đến du lịch chính của du khách từ khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, nơi đây cũng vẫn đảm nhận vai trò như một thánh đường Công giáo.