Kiên trung trong tù ngục, thủy chung ngoài cuộc sống

Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng khi nhắc về sự kiện ngày 3-6-1974, các cựu tù chính trị, nhất là các nữ tù trực tiếp sống, chiến đấu, chứng kiến thời khắc nhiều nữ đồng đội bị địch thảm sát đến 'thịt nát, xương tan', vẫn nhớ như in trong thẳm sâu ký ức.

Bà Nguyễn Thị Liên (giữa) kể lại sự kiện đêm 3-6-1974. Ảnh: N.Hà

Bà Nguyễn Thị Liên (giữa) kể lại sự kiện đêm 3-6-1974. Ảnh: N.Hà

Dù bị tra tấn dã man, tàn độc, nữ cựu tù chính trị vẫn một lòng kiên trung bất khuất, tin vào Đảng, tin về ngày chiến thắng, quyết tâm đấu tranh đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thu non sông về một dải.

Kinh hoàng đêm thảm sát

Bà Nguyễn Thị Liên (72 tuổi, ngụ phường An Bình, thành phố Biên Hòa) kể: Năm 1968, trong Chiến dịch Mậu Thân, bà bị địch bắt, bị địch điều tra, xét hỏi nhưng không thu được manh mối gì nên đưa bà giam vào các nhà lao từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào. Cuối năm 1971, chúng đưa bà giam tại trại C, Nhà lao Tân Hiệp.

Bà Liên bồi hồi nói: “Tôi bị giam tại trại C, nơi có 72 chị em ở các tỉnh như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Long An, tỉnh Phước Tuy (nay là Bà Rịa - Vũng Tàu). Chúng tôi làm “hỏa thực” tức là phục vụ cơm nước hàng ngày cho anh chị em cũng là người bạn tù khắp nơi”.

Rồi ngày định mệnh 3-6-1974 đầy đau thương, tang tóc ập đến. Không khí trại ngày đó khác thường, bọn quản ngục, giám thị, lính canh nhốn nháo kỳ lạ. Gần 18h, địch đưa chị em hỏa thực vào trại để khóa cửa.

Sáng 3-6, Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm Cuộc thảm sát các nữ tù chính trị tại Nhà lao Tân Hiệp (3-6-1974 - 3-6-2024). Dự kiến buổi lễ sẽ có khoảng 500 đại biểu là các cựu tù bị giam tại Nhà lao Tân Hiệp; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương và địa phương dự, dâng hương tưởng niệm các nữ tù chính trị, ôn lại sự kiện cách đây 50 năm…

“Khoảng 20-21h, trong phòng giam có chị đã ngủ vì lao động cả ngày mệt nhọc… bỗng nghe tiếng đề ba của pháo rất gần, chị em giật mình choàng dậy, 2 quả pháo đầu nổ vang nhưng đến quả pháo thứ 3 rơi trúng vào giữa trại C, một tiếng nổ chát chúa, đèn vụt tắt, cả nhà lao chìm trong bóng tối. 15-20 phút sau, đèn phòng giam bật sáng, cả buồng giam trại C như một bãi chiến trường. Tiếng người còn sống nguyền rủa địch, tiếng la thét thất thanh, tiếng rên rỉ khóc than, kêu cứu thảm thiết; quần áo văng tung tóe hòa lẫn cùng máu thịt, thân thể chị em. Lúc bấy giờ, khói pháo vẫn chưa thoát hết ra ngoài vì buồng giam bịt bùng đến ngộp thở, khi ấy tôi nhận ra mình bị thương cả 2 chân (một chân trúng phần mềm và một chân bị giập nát), tôi cùng các chị bị thương cố bò lết ra hành lang” - bà Liên nhớ lại.

Gần 6h sáng hôm sau, địch cho người vào dọn dẹp. Bà Liên được khiêng vào bệnh viện “để cưa chân khiến mày không còn chân theo Việt cộng mà hoạt động”. Chúng cột tay, chân bà Liên, dùng cưa củi cưa chân không biết bao nhiêu lần… “Khi vết thương đau nhức ngứa ngáy không chịu nổi, tôi la thét kêu gào. Tôi đau đớn đến lịm người. Chân bị nhiễm trùng sưng tấy, tôi sốt liên miên; tình trạng này cứ thế kéo dài đến tận tháng 10-1974, chúng trả tự do cho tôi. May mắn, gia đình tôi đi tìm gặp được, đưa tôi về quê lo thuốc men đến tận năm 1976 chân tôi mới tạm ổn” - bà Liên nói.

Đau đớn là thế nhưng bà Liên cùng nhiều đồng đội vẫn kiên trung, bất khuất, trở thành “nỗi ám ảnh” của bọn đế quốc tay sai mà khi nhắc tới những nữ tù chính trị chúng phải kinh hoàng.

Tin vào Đảng và ngày chiến thắng

Bà Huỳnh Lan Anh, 84 tuổi, ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa cũng bị địch bắt giam dịp Tết Mậu Thân 1968. Bà không ở cùng phòng giam với các nữ tù bị sát hại nhưng phòng giam của bà đối diện trại C nên nhìn thấy toàn cảnh. Khi tiếng pháo kích đêm 3-6-1974 dội xuống Nhà lao Tân Hiệp, đội lính bảo an trật tự chạy rầm rộ; tiếng than khóc, la hét, chửi rủa kẻ thù vang lên khắp nhà lao, cảnh tượng đêm kinh hoàng đó bà sẽ mãi không quên.

Bà Huỳnh Lan Anh bộc bạch: “Mới đó mà đã nửa thế kỷ, cuộc thảm sát dã man của kẻ thù đã làm 18 nữ tù mãi mãi không được chứng kiến ngày đất nước hòa bình. Với sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, tin vào ngày chiến thắng, sự hy sinh anh dũng của các nữ tù đã góp cùng dân tộc làm nên chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một dải sau 30 năm làm cuộc kháng chiến trường kỳ, bảo vệ độc lập của Tổ quốc”.

Bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Đồng Nai, cho rằng đã nửa thế kỷ trôi qua, nhiều người từng chứng kiến sự kiện đêm 3-6 năm ấy không còn; người còn sống cũng già yếu nhưng khi nhắc nhớ sẽ mãi không quên. Hàng năm, vào ngày 3-6, hội thường tổ chức đến thắp hương tại Di tích Nhà lao Tân Hiệp. Đây là tấm lòng của những người đồng chí, đồng đội dành cho nhau khi trở lại cuộc sống đời thường.

“Chúng ta luôn vững niềm tin tất thắng, một lòng, một dạ trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, Nhân dân, với lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Mỗi cựu tù chính trị hãy luôn siết chặt đội ngũ chung quanh Đảng, bảo vệ Đảng và thành quả cách mạng mà nhân dân ta đổ xương máu mới có được, luôn phát huy truyền thống yêu nước, bản lĩnh chính trị vững vàng trong mọi hoàn cảnh, không để kẻ xấu lợi dụng gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc” - bà Hòa khẳng định.

Nguyệt Hà

Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phí Thị Thu Hà:

Kế thừa, xây dựng hội đoàn kết, vững mạnh

Đã nửa thế kỷ trôi qua, Cuộc thảm sát các nữ tù Nhà lao Tân Hiệp càng giúp chúng ta thấm nhuần sâu sắc truyền thống 8 chữ vàng Bác Hồ trao tặng Phụ nữ Việt Nam. Sự kiên trung bất khuất trong tù ngục, nghĩa tình, thủy chung ngoài cuộc sống của các cô, các dì là niềm kiêu hãnh, sự tự hào mà thế hệ trẻ hôm nay nói chung, cán bộ, hội viên phụ nữ toàn tỉnh kế thừa để từ đó xây dựng hội vững mạnh, đoàn kết, luôn “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, chung tay góp sức vào sự phát triển của tỉnh.

Cán bộ Hội Cựu chiến binh tỉnh Nguyễn Văn Lợi:

Sự kiện không thể nào quên trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng

Cuộc thảm sát làm 18 nữ tù hy sinh cách đây 50 năm mãi là sự kiện không thể nào quên trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của các cựu tù chính trị trong các nhà lao đế quốc. Đã nửa thế kỷ trôi qua, ôn lại sự kiện này chính là nhắc nhớ về những ngày gian nan đấu tranh giành lại độc lập để các thế hệ hôm nay học tập, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202406/kien-trung-trong-tu-nguc-thuy-chung-ngoai-cuoc-song-5423648/
Zalo