'Kiến trúc sư' buôn làng

Nhà sàn là kiến trúc đặc trưng của người Jrai. Để xây dựng một ngôi nhà sàn truyền thống thì không thể không nhắc đến những 'kiến trúc sư' của buôn làng.

Khi đến thăm buôn Plei Kual (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), chúng tôi rất ấn tượng trước những ngôi nhà sàn khang trang, vững chắc, có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn rộng rãi, thoáng mát, “kiến trúc sư” Rmah Jon chia sẻ về quá trình làm nghề của mình.

Ông cho biết: Hồi còn trẻ, ông theo chân những thợ giỏi trong làng để học nghề và cùng họ dựng những ngôi nhà sàn ở nhiều buôn làng. Ông chịu khó quan sát và học hỏi kỹ thuật dựng nhà sàn truyền thống. Sau nhiều năm làm việc, ông đứng ra thành lập nhóm thợ xây dựng nhà sàn gồm 7 người, trong đó, ông là thợ chính khi đảm nhận cả việc thiết kế và thi công.

 Ông Rmah Jon là thợ xây dựng nhà sàn nổi tiếng ở xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện. Ảnh: R.H

Ông Rmah Jon là thợ xây dựng nhà sàn nổi tiếng ở xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện. Ảnh: R.H

“Ban đầu, tôi nhận thi công nhà sàn của người dân trong làng. Từ năm 1994 đến nay, tôi cùng nhóm thợ nhận thi công hàng trăm ngôi nhà sàn ở nhiều huyện trong tỉnh như: Phú Thiện, Krông Pa, Kông Chro, Đak Pơ và huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk”-ông Jon bộc bạch.

Theo ông Jon, công việc dựng nhà sàn đòi hỏi phải có tay nghề cao, sức khỏe tốt và sự khéo léo. Ngoài ra, số gỗ nguyên liệu cần đến khá lớn nên trong quá trình dựng nhà thì việc đo đạc, tính toán phải chính xác. Đặc biệt, công đoạn đục đẽo, xẻ gỗ, chạm khắc hoa văn và lắp ráp đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, cẩn trọng để đảm bảo rằng mọi chi tiết từ khung xương, nền móng đến mái nhà đều vừa vặn, chắc chắn và phù hợp. Nếu không tính toán đúng sẽ dễ dẫn đến việc thiếu hụt vật liệu hoặc lãng phí gỗ.

“Nghề xây dựng nhà sàn thường xuyên phải làm việc ngoài trời và trên cao nên đối mặt với nhiều nguy hiểm. Nếu không yêu nghề thì khó gắn bó lâu dài. Thu nhập từ nghề này đã giúp tôi có cuộc sống khấm khá, mua sắm xe cộ, xây dựng ngôi nhà khang trang và nuôi dạy con cái ăn học đầy đủ”-ông Jon bày tỏ.

Tương tự, ông Siu Kút (làng Blôm, xã Kim Tân, huyện Ia Pa) cũng là thợ có nhiều kinh nghiệm trong việc làm nhà sàn. Theo ông Kút, dựng nhà sàn là một công việc vô cùng trọng đại đối với gia chủ. Do đó, trong quá trình làm việc, ông Kút luôn tư vấn cho gia chủ để lựa chọn mẫu nhà sàn phù hợp, đồng thời làm việc bằng cái tâm và tinh thần trách nhiệm cao.

 Ngôi nhà sàn khang trang, vững chắc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại của gia đình ông Rmah Jon. Ảnh: R.H

Ngôi nhà sàn khang trang, vững chắc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại của gia đình ông Rmah Jon. Ảnh: R.H

Cũng theo ông Kút, trước đây, người thợ chủ yếu sử dụng rìu, bào, đục để dựng nhà sàn. Điều đó khiến quá trình thi công tốn rất nhiều thời gian, công sức. Sau khi tích góp tiền bạc, ông đầu tư mua sắm các máy móc hiện đại phục vụ công việc, từ đó giảm bớt sự vất vả và thời gian hoàn thành công trình. Bình quân mỗi năm, ông nhận thi công 5-6 ngôi nhà sàn.

Hiện nay, người dân thường chọn mẫu nhà sàn theo hướng hiện đại với kiểu mái Thái, thậm chí có gia đình làm nhà sàn 2 tầng. Chi phí nhân công được tính theo số gian, dao động từ 4 triệu đến 7,5 triệu đồng/gian. Riêng các hạng mục như: cầu thang, lan can, cửa sổ, cửa chính được thi công riêng với mức giá khác nhau. Tùy thuộc vào kết cấu, diện tích của ngôi nhà, thời gian hoàn thành từ 1 đến 2 tháng.

“Ngày trước, tôi theo phụ việc các ông, các chú trong làng để học hỏi kỹ thuật làm nhà sàn. Chính những trải nghiệm này đã giúp tôi tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu về nghề. Trong quá trình làm việc, tôi luôn chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người, giúp đỡ các thợ trẻ hiểu và tiếp cận những kiến thức cần thiết để làm nghề truyền thống. 2 đứa con trai của tôi đang tiếp nối, phát triển nghề truyền thống của gia đình. Cũng có nhiều người học từ tôi đến nay trở thành thợ giỏi”-ông Kút tâm sự.

Hiện nay, nhiều người dân Jrai đã chuyển sang ở nhà xây. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn duy trì nếp nhà sàn truyền thống. Chính vì vậy, những thợ chuyên làm nhà sàn không chỉ đáp ứng nhu cầu về xây dựng mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nay Sơn (làng Blôm) chia sẻ: “Thợ dựng nhà sàn được người Jrai rất quý trọng. Mỗi khi dựng xong một ngôi nhà, tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình, người Jrai sẽ đốt heo, bò để thết đãi cánh thợ.

Tháng 4-2018, tôi quyết định mời ông Kút dựng nhà sàn cho gia đình. Sau 2 tháng thi công, ngôi nhà 2 tầng với 9 gian được hoàn thành. Số tiền chi trả toàn bộ vật liệu và nhân công lên đến 300 triệu đồng. Đến nay, ngôi nhà của gia đình tôi vẫn bền chắc, không bị hư hại gì cả”.

R'Ô HOK

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/kien-truc-su-buon-lang-post309125.html
Zalo