Vốn ngoại 'bơm' vào bất động sản Việt Nam, thị trường sẽ được hưởng lợi gì?

Với việc nhiều chủ đầu tư bất động sản 'bắt tay' với các doanh nghiệp nước ngoài phát triển dự án, hứa hẹn thị trường sẽ tăng trưởng mạnh khi dòng tiền được 'bơm' đều đặn, từ nguồn cung đến xây dựng dự án.

Những cú "bắt tay" triệu đô

Nhiều năm qua, thị trường bất động sản tại Việt Nam, đặc biệt khu vực phía Nam ghi nhận sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nhà ở. Ngoài những doanh nghiệp theo hình thức M&A (mua bán, chuyển nhượng) thì các nhà đầu tư ngoại cùng "bắt tay" góp vốn làm dự án ngày càng nhiều hơn.

Theo báo cáo từ Công ty TNHH CRBE (đơn vị nghiên cứu thị trường), năm 2024 là năm thị trường ghi nhận việc hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Trong 11 tháng của năm 2024, lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai về thu hút đầu tư nước ngoài, với gần 5,63 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 18% tổng vốn đầu tư đăng ký (cùng kỳ năm 2023 chỉ ở mức 5,2%).

Thị trường bất động sản tại khu vực phía Nam ghi nhận sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nhà ở.

Thị trường bất động sản tại khu vực phía Nam ghi nhận sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nhà ở.

Những cú "bắt tay" được ghi nhận đơn cử như Công ty cổ phần Đầu tư TT Capital với liên doanh Consmos Initia (Nhật Bản). Theo hợp tác này, 150 triệu USD sẽ được rót vốn vào để TT Capital phát triển các dự án chung cư cao cấp tại các tỉnh phía Nam. Dự án đầu tiên là 2.000 căn hộ chung cư tại Tp.Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Một đơn vị khác là Kim Oanh Group cũng hợp tác với 4 đối tác đến từ Nhật Bản, bao gồm Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi, NTT, AEON Việt Nam, để đầu tư dự án rộng 50 ha tại Bình Dương có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, trong đó số vốn mà 4 doanh nghiệp góp là 350 triệu USD.

Hay tập đoàn Bcons, đang bắt tay với đối tác quốc tế là Asset Limited đến từ Thái Lan, để triển khai 11 dự án nhà ở, với tổng cộng gần 9.000 căn hộ thuộc phân khúc vừa túi tiền.

Trước đó, CapitaLand cũng cùng với Becamex IDC phát triển dự án tại Tp.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) với diện tích 19ha.

Theo đánh giá của bà Phạm Thị Nguyên Thanh, CEO Dat Xanh Services, hiện nay dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào bất động sản đang có nhiều thay đổi.

Cụ thể, các doanh nghiệp ngoại khi rót vốn vào thị trường đều hướng tới dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, chứ không chú trọng vào sản phẩm cao cấp. Đây là tín hiệu tích cực, giúp giải tỏa sự lệch pha cung cầu của thị trường, khi mà toàn thị trường đang vắng bóng dự án nhà ở vừa túi tiền".

Vốn ngoại sẽ giúp khơi thông "tắc nghẽn" của nhiều dự án

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đình Trường, Tổng Giám đốc TT CapitalCosmos Initia cho hay, trong năm 2024, thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua nhiều biến động đáng kể.

Sự ra đời và có hiệu lực của 3 Luật quan trọng: Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023, từ ngày 1/8/2024 đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho thị trường.

Dự án do công ty Việt Nam "bắt tay" với tập đoàn nước ngoài phát triển tại tỉnh Bình Dương.

Dự án do công ty Việt Nam "bắt tay" với tập đoàn nước ngoài phát triển tại tỉnh Bình Dương.

Giữa bối cảnh này, định hướng phát triển các sản phẩm căn hộ vừa túi tiền nhưng đảm bảo chất lượng vượt trội và dòng vốn, việc liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài cùng xây dựng dự án với giá trị bền vững, thông suốt là điều cần thiết.

Cũng theo ông Trường, "chìa khóa" để vượt qua các thách thức thị trường nằm ở chiến lược tài chính mạnh và ở cách doanh nghiệp xây dựng nền tảng bền vững cho chính mình.

"Đối với một liên doanh quốc tế như chúng tôi, lợi thế cạnh tranh còn đến từ sự hợp tác chiến lược và chia sẻ nguồn lực. Kinh nghiệm hơn 50 năm từ Nhật Bản mang đến các chuẩn mực quản lý và chất lượng cao; đảm bảo sự ổn định về tài chính, cùng với việc doanh nghiệp Việt có sự am hiểu sâu sắc về thị trường nội địa và nhu cầu của người dân. Những yếu tố này tạo ra một nền tảng cân bằng giữa sự hiểu biết địa phương và kiến thức toàn cầu, giúp doanh nghiệp có tầm nhìn rộng và hành động linh hoạt", ông Trường chia sẻ.

Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Kim Oanh Group cũng nhận định: "Việc hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài tính chuyên nghiệp sẽ được nâng cao, minh bạch, kỷ luật và có hàng trăm năm kinh nghiệm trên thị trường bất động sản.

Hợp tác với các đối tác này, doanh nghiệp học được cách triển khai chất lượng thay vì số lượng. Họ cũng mang lại các giải pháp quy hoạch hàng đầu thế giới là quy hoạch kết hợp với văn hóa bản địa".

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ mạnh vào thị trường bất động sản phía Nam trong năm 2024 cho thấy sức hấp dẫn của thị trường.

Ông Châu kỳ vọng, với sức hút từ thị trường bất động sản tại Việt Nam nói chung và khu vực phía Nam nói riêng, trong năm 2025 sẽ là một năm đầy kỳ vọng với thị trường bất động sản phía Nam khi sự kết nối giữa các doanh nghiệp được thúc đẩy.

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, đối với việc hợp tác chiến lược phát triển kinh doanh dự án bất động sản, các đối tác nước ngoài rất tuân thủ các quy định về luật pháp, tiến độ xây dựng.

Vốn ngoại sẽ giúp khơi thông "tắc nghẽn" của nhiều dự án.

Vốn ngoại sẽ giúp khơi thông "tắc nghẽn" của nhiều dự án.

Ông Lê Viết Hùng, Chủ tịch Công ty CP Liên minh khu Tây chia sẻ, hợp tác với doanh nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp trong nước, về học hỏi kinh nghiệp, dòng tiền, sự phát triển và định hướng bền vững hơn…

Tuy nhiên, họ khá chặt chẽ trong khâu pháp lý và rót vốn, đơn cử một số đơn vị hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, khi có chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư của cơ quan chức năng thì doanh nghiệp ngoại mới bắt đầu giải ngân vốn.

Sau đó, khi hoàn thành các quy hoạch như 1/2000, 1/500…thì sẽ là giai đoạn "bơm" vốn tiếp theo. Đây thực ra cũng là một trong những chiến lược phát triển và hợp tác chung rõ ràng giữa các bên, tránh tình trạng dự án dù hợp tác nhưng phải "nằm chờ" thời gian dài.

Cũng theo ông Hùng, việc doanh nghiệp nội hợp tác với doanh nghiệp ngoại luôn là cơ hội mở ra cho các bên, từ chủ đầu tư đến doanh nghiệp môi giới. Đặc biệt, thị trường bất động sản sẽ xây dựng được nhiều thương hiệu uy tín, bền vững.

Kỳ vọng không chỉ trong năm 2025 mà nhiều năm sau việc "bắt tay" giữa các doanh nghiệp sẽ tạo nên nguồn cung nhà ở dồi dào, giá cả phải chăng và mục tiêu là hướng tới nhu cầu ở thực của người dân.

Phùng Sơn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/von-ngoai-bom-vao-bat-dong-san-viet-nam-thi-truong-se-duoc-huong-loi-gi-204250124112709042.htm
Zalo